Bằng chứng cho thấy, các đại gia Thái rất chịu chi cho những thương vụ thâu tóm, mới đây nhất là 19.900 tỷ đồng mua lại một công ty xi măng của đối tác nước ngoài tại Việt Nam.
Siam City (SCCC) - công ty xi măng của Thái Lan - vừa chính thức mua lại Holcim Việt Nam từ LafargeHolcim với giá trị chuyển nhượng 867 triệu franc (19.900 tỷ đồng). Thương vụ sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Trước đó, trên tờ WSJ, nhà đầu tư này cũng quyết định bán lại nhà máy tại Ấn Độ cho một doanh nghiệp địa phương với giá trị chuyển nhượng 1,4 tỷ USD.
Nhà máy xi măng LafargeHolcim Việt Nam có công suất hoạt động 6,3 triệu tấn/năm, đồng thời cũng là công ty sản xuất bê tông trộn lớn nhất khu vực miền Nam. Được thành lập năm 1994, đến nay Holcim Việt Nam có vốn đầu tư 441 triệu USD, trong đó LafageHolcim góp 65% vốn. Số vốn còn lại do Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nắm giữ. Đây là doanh nghiệp xi măng có vốn ngoại lớn bậc nhất tại Việt Nam.
Nhà máy xi măng về tay người Thái
|
Cách đây không lâu, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam), với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng).
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 và dần mở rộng đầu tư đa ngành, bao gồm các lĩnh vực Xi măng - Vật liệu xây dựng, Hóa chất và Bao bì.
Tập đoàn này đang ăn nên làm ra tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Dựa trên báo cáo quý 2 năm 2016, SCG tại Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá 19.177 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong nửa đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng của SCG đạt 7.212 tỉ đồng.
Về kết quả hoạt động của SCG tại khu vực ASEAN (không bao gồm Thái Lan), doanh thu từ hoạt động bán hàng trong quý 2/2016 ghi nhận tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.226 tỷ đồng, chiếm 12% tổng doanh thu bán hàng của SCG. Tổng doanh thu từ hoạt động bán hàng trong nửa đầu năm 2016 ghi nhận tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 16.092 tỷ đồng.
Hướng đi chiến lược của người Thái
Thời điểm năm 2013-2014 được coi là thời gian khó khăn của ngành sản xuất nói chung và nhóm vật liệu xây dựng nói riêng, mà điển hình là lĩnh vực xi măng, do tác động “đóng băng” từ thị trường bất động sản.
Ngành xi măng Việt Nam đang đối mặt với thách thức khi các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nga đều có sức mua yếu.
Trong bối cảnh ngành xi măng dư thừa như vậy, việc LafargeHolcim rút vốn khỏi Việt Nam sẽ mở màn cho cuộc cạnh tranh khốc liệt được báo trước, và các doanh nghiệp xi măng trong nước buộc phải chủ động khâu tiêu thụ nội địa cũng như tìm hướng xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tình hình tiêu thụ xi măng năm 2016 sẽ rất khó khăn, nhất là về xuất khẩu. Lượng tồn kho trên cả nước khoảng 2,95 triệu tấn, tương đương khoảng 15 đến 16 ngày sản xuất, chủ yếu là clanh-ke, trong đó Vicem tồn kho 1,73 triệu tấn.
DN Thái Lan kiếm lợi nhuận lớn từ nước ngoài
|
Thế mạnh của doanh nghiệp Thái Lan chính là tiềm lực về tài chính và tầm nhìn khi mở rộng ngành nghề trên lãnh thổ Việt Nam. SCCC được biết tới là doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 Thái Lan với lịch sử 45 năm. Doanh thu của tập đoàn năm 2015 lên tới 908 triệu USD.
Cách đây 2 tuần, SCCC cũng vừa mua lại chi nhánh Holcim ở Sri Lanka để trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất nước này. Hồi tháng 9 năm ngoái, SCCC cũng đã đầu tư vào một dự án liên doanh ở Campuchia với Chip Mong Group, và cho biết có ý định đầu tư tiếp sang Lào và Việt Nam.
Việc thâu tóm Prime Group sẽ giúp SCG chắc chân ở ngôi vị nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, bởi Prime Group vốn là nhà sản xuất gạch lát sàn lớn thứ 5 toàn cầu và nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam (chiếm 20% thị phần). Trong khi SCG có tới 200 công ty con, và đạt doanh thu hàng năm tới 13,7 tỷ USD.
Ngành vật liệu xây dựng Thái Lan đã thâm nhập vào thị trường quốc tế từ rất lâu, trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Một trong những lợi thế của Thái Lan trong cạnh tranh chính là chất lượng và vận chuyển nhanh. Tâm lý hàng Thái khiến doanh nghiệp Việt phải nỗ lực gấp bội.
Nỗi lo này càng hiện hữu, nhất là khi Việt Nam chính thức tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, điều này đồng nghĩa với gia tăng sức ép cạnh tranh khi tiêu thụ sản phẩm.