Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia Thái hứa xây dựng dự án hóa dầu Long Sơn cuối 2016

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch Tập đoàn SCG, một trong những nhà đầu tư chính của dự án cho biết việc chuẩn bị các thủ tục đang vào giai đoạn cuối, sẽ xây dựng cuối năm nay.

 

Chia sẻ nhân dịp tham dự sự kiện kỷ niệm 10 năm học bổng Chung một ước mơ - dự án trách nhiệm xã hội của SCG tại Việt Nam, ông Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn này cho rằng, hiện các bên đang tiến hành đàm phán. Hy vọng đến cuối năm nay, các tỷ lệ góp vốn của các đối tác trong liên doanh của dự án này gút lại và thống nhất các giải pháp về tài chính. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự án có thể triển khai xây dựng ngay.

"Nếu các vấn đề về cổ phần được các cổ đông thống nhất thì chúng tôi cũng phải mất 6 tháng hoàn thiện các thủ tục. Khi mọi thứ hoàn tất thì việc xây dựng sẽ triển khai ngay", ông Roongrote Rangsiyopash khẳng định.

Ông Roongrote Rangsiyopash đánh giá, đây là dự án rất lớn tại Việt Nam mà SCG đã theo đuổi nhiều năm qua và cam kết sẽ thực hiện.

Du an loc hoa dau Long Son cham tre anh 1
Một phần tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn sau khi hoàn thành.

 

 

Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn là một trong những dự án quan trọng nhất lĩnh vực hóa dầu tại Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư 5 tỷ USD, được khởi công vào năm 2008 để có thể có sản phẩm cuối năm 2012.

Tuy nhiên, mãi đến tháng 10/2015, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, công việc giải phóng mặt bằng mới hoàn tất, sau khi liên doanh nhà đầu tư phải ứng trước 906 tỷ đồng cho địa phương để đền bù và chuẩn bị cơ sở hạ tầng.

Năm ngoái, Tập đoàn dầu khí quốc gia Qatar xin rút vốn khỏi dự án này, do phải tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển, đã làm cho nhiều chuyên gia lo ngại dự án tiếp tục gặp khó sau gần 8 năm trì hoãn.

Ngay sau tuyên bố trên, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và SCG đã làm việc với Qatar Petroleum để đàm phán về các điều khoản chuyển nhượng vốn. Tại thời điểm cuố 2015, Qatar Petroleum nắm 25% vốn, SCG nắm 46% và 29% còn lại thuộc về PVN. Các bên cũng đã góp được 144,2 triệu USD vào để thực hiện đầu tư.

Liên quan đến chiến lược và định hướng của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn Thái Lan này cho biết, tập đoàn đã đầu tư hơn 800 triệu đôla Mỹ vào Việt Nam ở nhiều dự án trong lĩnh vực xi măng, nhựa, vật liệu xây dựng, hóa dầu... và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư các lĩnh vực khác.

"Việt Nam là một trong những đích đến tiềm năng của tập đoàn. Chúng tôi hy vọng số vốn đầu tư tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 tỷ đôla Mỹ vào cuối năm nay", ông Roongrote Rangsiyopash nói thêm.

SCG bắt đầu đầu tư tại Việt Nam từ năm 1992 với nhiều ngành nghề từ. Hiện tập đoàn đa ngành này có 20 công ty đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 6.900 nhân viên.

Hiện Indonesia là điểm đến đầu tư lớn nhất của Tập đoàn, theo sau là Việt Nam và Campuchia ở vị trí thứ 3.

Phát Tiến

Bạn có thể quan tâm