Cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden. Ảnh: AP. |
Ông Edward Snowden, 39 tuổi, người từng làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã sống ở Nga từ năm 2013 nhằm tránh bị truy tố ở Mỹ sau khi làm rò rỉ nhiều thông tin mật.
“Người thổi còi” Snowden đã tiết lộ các chiến dịch do thám lớn trong nước và quốc tế do NSA thực hiện để thu thập thông tin liên lạc và dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới hồi năm 2013.
Sự kiện này gây chấn động thế giới khi Mỹ cáo buộc ông Snowden có hành vi đe dọa đến an ninh quốc gia. Bản án về các tội danh gián điệp có thể khiến ông Snowden phải ngồi tù hàng chục năm song ông đã xin tị nạn ở Nga từ tháng 8/2013.
Hôm 26/9, Snowden nằm trong số 72 người nước ngoài được nhập tịch Nga theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Thông báo trên Twitter, ông Snowden cho biết ông muốn ở bên cạnh gia đình và yêu cầu quyền riêng tư, song không đề cập đến sắc lệnh mới của ông Putin. Ông chỉ đính kèm thông tin từ tháng 11/2020, cho biết bản thân và gia đình đang nộp đơn xin quốc tịch Nga.
"Sau nhiều năm xa cách cha mẹ, vợ tôi và tôi không muốn xa con trai. Sau hai năm chờ đợi và gần chục năm xa xứ, một chút ổn định sẽ tạo nên sự khác biệt cho gia đình tôi”, ông Snowden cho biết, Guardian đưa tin.
Được cấp quyền công dân sau hai năm nộp đơn
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, chính ông Snowden đã nộp đơn xin nhập quốc tịch Nga, TASS đưa tin.
Vào năm 2020, Snowden nói ông và vợ mình - khi đó đang mang thai - đã nộp đơn xin nhập tịch Nga để không bị chia cắt với người con sắp sinh trong biên giới đóng cửa vì dịch Covid-19. Cũng vào năm ấy, Nga đã cấp cho ông quyền cư trú dài hạn, mở đường cho ông có quốc tịch Nga.
Với tư cách công dân Nga, liệu ông Snowden có nhập ngũ sau lệnh tổng động viên một phần của Tổng thống Putin hôm 21/9 cũng được nhiều người quan tâm.
Về vấn đề này, Anatoly Kucherena - luật sư người Nga của ông Snowden - cho biết thân chủ ông không nhập ngũ vì chưa từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga. Vị luật sư nói thêm rằng vợ ông Snowden - bà Lindsay Mills - cũng đang nộp đơn xin nhập tịch Nga.
Gia đình Edward Snowden. Ảnh: Twitter/Edward Snowden. |
Bên cạnh đó, người phát ngôn Điện Kremlin cũng khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch gặp Edward Snowden sau khi ông được nhập tịch.
Liên quan đến thông tin ông Snowden được nhập tịch Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 26/9 khẳng định “lập trường của chúng tôi không thay đổi”.
“Snowden nên trở về Mỹ, nơi ông ấy phải đối mặt với công lý như bất kỳ công dân Mỹ nào khác”, ông Price cho biết, theo AP.
Cuộc sống kín tiếng ở Nga
“Người thổi còi” phần lớn sống kín tiếng khi ở Nga và chỉ thỉnh thoảng đăng ảnh gia đình ở Moscow. Vào năm 2019, ông Snowden từng cho biết sẵn sàng trở lại Mỹ nếu được đảm bảo một phiên tòa công bằng.
Theo New York Times, ông Snowden đã trở thành một trong những người đào tẩu nổi tiếng nhất thế giới sau khi tiết lộ các kỹ thuật do thám hàng loạt của Mỹ cho các hãng tin tức.
Sau khi tiết lộ thông tin chương trình nghe lén tối mật từ NSA cho tờ Guardian và Washington Post vào năm 2013, ông Snowden đã lên kế hoạch xin tị nạn ở Ecuador, và lên đường từ Hong Kong để đến Nam Mỹ.
Tuy nhiên, khi các nhà chức trách Mỹ tìm cách tiếp cận, ông đã bị mắc kẹt khi tạm trú tại khu vực quá cảnh của Sân bay Quốc tế Sheremetyevo ở Moscow. Sau 40 ngày, ông được phép rời khỏi khu vực này và ở lại Nga trong 9 năm kể từ đó.
Edward Snowden, từ Nga, phát biểu trực tuyến tại một hội nghị ở Lisbon vào ngày 4/11/2019. Ảnh: SOPA. |
Trong khi những người ủng hộ nhận định Snowden muốn bảo vệ quyền tự do của người dân, các quan chức tình báo Mỹ cáo buộc ông khiến nhân viên Mỹ gặp rủi ro và gây tổn hại đến an ninh quốc gia.
Ông hiện phải đối mặt với những cáo buộc ở Mỹ đi kèm bản án hàng chục năm tù.
Các câu chuyện của ông Snowden được đăng trên Guardian và Washington Post đã phơi bày một chương trình giám sát rộng lớn do chính phủ Mỹ điều hành nhằm theo dõi thông tin liên lạc của tội phạm, những đối tượng khủng bố tiềm năng, và cả công dân tuân thủ luật pháp.
Nguồn tin này cũng tiết lộ Washington đã bí mật theo dõi một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ, như bà Angela Merkel - khi ấy là thủ tướng Đức, theo CNBC.
Ông Snowden giải thích mình tiết lộ những thông tin đó vì tin rằng cộng đồng tình báo Mỹ đã đi quá xa. Ông khẳng định bản thân không tin chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama sẽ hành động nếu ông đưa ra khiếu nại nội bộ.
Ông Snowden bị buộc tội vi phạm Đạo luật Gián điệp của Mỹ. Ông khẳng định mình không hợp tác với các cơ quan tình báo Nga khi ở Moscow, và hy vọng có ngày sẽ được trở lại quê hương.