Ta có thể thấy bà có mặt cùng một toán người sang trọng trên du thuyền ở Théoule-sur-Mer, vùng Côte d’Azur. Khoảnh khắc được ghi lại bằng một tấm hình cho thấy cái bụng rất tròn của Hoàng Thị Thế, báo hiệu rằng một đứa bé sắp sửa ra đời.
Hoàng Thị Thế trên du thuyền Simbad năm 1935. |
Cậu bé Jean-Marie Bourgès chào đời ngày 14 tháng 5 năm 1935. Cái tên của cậu có vẻ không phải được đặt một cách vu vơ nếu ta nhớ rằng, thời thiếu nữ sống với các nữ tu ở Hải Phòng, Hoàng Thị Thế từng được đặt tên thánh là Jeanne-Marie.
Thế nhưng Hoàng Thị Thế không mất đi khát vọng đóng phim. Bà lập tức nhận lời mời của đạo diễn Maurice de Canonge tham gia bộ phim Le secret de l’émeraude (Bí mật ngọc lục bảo). Đây là vai diễn cuối cùng của bà. Bộ phim được quay vào cuối năm 1935 - đầu năm 1936, ra rạp ngày 28 tháng 8 năm 1936.
Hoạt động điện ảnh đã mang tới cho bà một cơ hội kết nối lại với đời sống của Paris, nhưng cũng là để tham gia (hay tiếp tục tham gia) các hoạt động yêu nước của Việt kiều tại Paris (2). […]
Tháng 5 năm 1936, tại Paris, Hoàng Thị Thế trả lời một cuộc phỏng vấn với một nhà báo của tờ Petit Dauphinois1 (Grenoble). Trong cuộc phỏng vấn đó, bà hé lộ một phần thân thế thật sự và câu chuyện của mình: “[…] Lần đầu tiên tôi gặp công chúa Hoàng Thị Thế là lúc cô vừa quay xong bộ phim La lettre với nữ minh tinh quá cố [Marcelle] Romée. Thời điểm đó, cô vừa cưới một người Pháp và không nghĩ rằng có thể dấn thân vào môn nghệ thuật thứ bảy.
Tên cô có thể còn xa lạ, nhưng với những ai đã đọc Paul Chack (3) và Pierre Mille, thì cái tên đó nhắc nhở về một trang sử thuộc địa. Cha của cô rất nổi tiếng trong các cuốn biên niên sử Đông Dương. Ông là Đề Thám, kẻ phản kháng tột cùng chế độ thuộc địa, và lòng dũng cảm cũng như sự giàu có của ông đã trở thành huyền thoại.
Hoàng Thị Thế, dưới sự dẫn dắt của cha nuôi Albert Sarraut, đã được đưa qua Pháp. Tại đây, cô theo học [ở Bayonne] văn hóa và kiến thức tại trường nội trú Jeanne d’Arc dành cho nữ sinh con nhà gia thế. Chính phủ đã trợ cấp cho cô trong vòng vài năm, cái tên Á châu dễ thương của cô đã được ghi vào sổ đăng ký kết hôn của một tòa thị chính. Cách đây vài tháng, cô sinh một cậu con trai da trắng hồng, tóc vàng xoăn lọn, nhưng lại mang đôi mắt lá răm lớn màu đen.
"Không một ai nói chuyện với tôi dịu dàng như ông Doumer", cô thường nhắc vậy, bởi cô vẫn giữ một ký ức êm đềm về người cha nuôi nổi tiếng. […]
Bí ẩn và tài năng, được phú cho cái khiếu tiên tri (tôi không đào sâu tìm hiểu cô trong lãnh vực này) hay một vài môn bói toán thừa hưởng từ tổ tiên, hiếu chiến, vui vẻ, biết thưởng thức tranh của Corot và nhạc của Chopin, cô thực sự gây xúc động khi trầm giọng xuống, phủ lên nó một vẻ u sầu để ngợi ca lòng nhân từ không gì sánh được và giá trị của một gia đình đã hiến dâng cho nước Pháp bốn người con trai cùng người cha của họ (4)”.
Ngay khi ra mắt, bài báo này trở thành điểm nhấn trong một chuỗi những thông tin được loan tải ở Pháp về Đề Thám và con gái của ông. Qua lời kể và ghi chép của mình, Pierre Mille đã góp phần tạo nên tiếng tăm của hai nhân vật này. Hai cuốn sách tiếp theo, một của Paul Chack (xem thêm cước chú số 2 trang 134 về sách của Chack), một của Alfred Bouchet (xem thêm cước chú số 2 trang 23 về sách của Bouchet) lại cung cấp nhiều điều về tiểu sử Đề Thám. Đến nỗi mà, vào giữa năm 1936, những dối trá của chính phủ liên quan tới xuất thân của Hoàng Thị Thế và danh xưng công chúa của bà bị phanh phui một cách nghiêm trọng. Có thể vì lý do này mà trong cuộc phỏng vấn với ký giả tờ Petit Dauphinois, Hoàng Thị Thế cho rằng thật vô nghĩa khi phải tiếp tục đóng một vai diễn bịp bợm.
Ngay cả khi báo chí Bordeaux từng ngợi ca Hoàng Thị Thế là một “cô gái Pháp thực thụ”, kiêm một công chúa thực thụ, thì bà vẫn không quên quê hương và nguồn cội. Và rồi điều gì đến cũng phải đến: gia đình Bourgès rốt cục đã nghe phong thanh về hoạt động chiến đấu của cô con dâu. Vốn là đại tư sản và sùng đạo Thiên Chúa, gia đình chồng Hoàng Thị Thế không sẵn lòng tìm hiểu ngọn nguồn sâu xa trong tư tưởng các nhà ái quốc Việt Nam. Họ coi việc nàng dâu tiếp xúc với một môi trường xa lạ, nơi tụ tập những người cộng sản và những kẻ chống thực dân đối nghịch với lợi ích của nước Pháp là một sự phản bội không thể dung thứ.
------------------
1. Đặng Vương Hạnh, “Đi tìm con cháu ‘Hùm thiêng Yên Thế’ Đề Thám và việc tìm hài cốt của người anh hùng”, Phóng sự An ninh thế giới, số 118, 25/3/1999, tr. 5.
2. Marie-Louise Beucke, “Rencontre extrême-orientale” (Gặp gỡ Viễn Đông), báo Petit Dauphinois (Grenoble), 8/5/1936, tr. 8.
3. Paul Chack, Hoang-Tham pirate (Hoàng Thám tướng cướp), Éditions de France, Paris, 10/1933. Hoàng Thị Thế - Con gái Đề Thám và quân bài chính trị của thực dân Pháp.
4. Paul Doumer và bốn người con trai.