Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc sống cạnh nơi đặt tên lửa hạt nhân của Mỹ

Từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, gia đình ông Butcher ngày càng lo lắng khi nghĩ về tên lửa hạt nhân được chính phủ Mỹ đặt ngay dưới trang trại của họ ở Montana.

Song canh ten lua hat nhan o My anh 1

Trở về nhà sau gần một ngày làm việc ở trang trại, ông Ed Butcher (78 tuổi) và vợ Pam Butcher ngồi vào bàn ăn và bật TV, chuyển sang kênh tin tức.

“Chúng ta đang nói về một cuộc chiến liên quan đến năng lượng hạt nhân”, biên tập viên truyền hình nói, đề cập đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Tình hình có thể leo thang. Nó có thể bùng nổ vượt khỏi những tưởng tượng điên rồ nhất của chúng ta”, người dẫn chương trình tiếp tục.

Ed tắt TV và nhìn ra ngoài cửa sổ về phía đồng cỏ rộng bạt ngàn. Gia đình ông suốt nhiều thế hệ đã ở đây từ năm 1913, nhưng hiếm khi nào cuộc sống trên trang trại lại bấp bênh như vậy.

Đất đai của họ khô cằn do hạn hán kỷ lục, không thể canh tác tốt do thiếu lao động vì đại dịch, và bị tàn phá bởi các trận cháy rừng gần đây. Giờ đây, xung đột ở châu Âu cũng đang khiến trang trại của gia đình ông gặp nguy cơ.

Nhìn qua ngọn đồi phía tây trang trại, nơi một tên lửa hạt nhân - có sức mạnh gấp 20 lần quả bom ở Hiroshima - nằm ngay bên dưới đồng cỏ, ông Butcher nói: “Lạy trời, đừng để chúng tôi thấy tên lửa kia được bắn lên ở đây”.

"Vị hàng xóm" nguy hiểm

Tên lửa này được gọi là Minuteman III. Địa điểm cất giữ và phóng tên lửa bắt đầu được đặt ở đó kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Không quân Mỹ trả 150 USD cho mỗi mẫu đất (khoảng 4.050 m2) của người dân vùng này để thiết lập một kho vũ khí hạt nhân trên khắp vùng nông thôn miền Tây.

Khoảng 400 tên lửa trong số đó vẫn hoạt động và sẵn sàng phóng sau một vài giây thông báo cho căn cứ ở Montana, Wyoming, North Dakota, Colorado và Nebraska.

Chúng nằm trong khu bảo tồn bò rừng và khu bảo tồn của người bản địa, đối diện với một khu rừng quốc gia, đằng sau trường đua ngựa, và nằm trên hàng chục trang trại tư nhân như trang trại của nhà Butcher. Họ đã sống 60 năm với “láng giềng” là tên lửa hạt nhân.

Song canh ten lua hat nhan o My anh 2

Một tên lửa Minuteman đã ngừng hoạt động ở Lewistown, hạt Fergus, Montana, Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Tên lửa nằm bên trong hàng rào bằng sắt và bên dưới một nắp hầm bê tông cốt thép nặng 110 tấn. Loại vũ khí này dài 18 m, nặng 36.030 kg, có sức nổ lớn hơn ít nhất 20 lần so với quả bom nguyên tử giết chết 140.000 người ở Hiroshima.

Một đội không quân đóng trong boongke ngầm cách đó vài km, sẵn sàng bắn tên lửa bất cứ lúc nào nếu có lệnh. Vũ khí này sẽ thoát ra khỏi hầm chứa trong khoảng 3,4 giây và bay lên phía trên trang trại với tốc độ 3,048 m/giây. Tên lửa có thể bay lên cao hơn 110 km so với mặt đất, và bay khắp thế giới trong 25 phút.

Sau khi phát nổ, nó sẽ biến thành quả cầu lửa làm bốc hơi mọi người và mọi công trình trong vòng nửa 1 km. Vụ nổ sẽ san phẳng các tòa nhà trong bán kính 8 km. Các đám cháy thứ cấp và chất phóng xạ gây tử vong sẽ lan rộng hàng chục đến hàng trăm km, dẫn đến cái mà các chuyên gia quân sự Mỹ gọi là “sự hủy diệt hoàn toàn của hạt nhân”.

“Tôi cá là nó sẽ bay qua phòng khách của chúng ta”, ông Butcher nói với vợ.

“Chúng ta sẽ nghe thấy nó. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó. Cả ngôi nhà sẽ rung chuyển”, người vợ đáp.

“Nếu Mỹ thực sự bắn tên lửa này đi, tôi đoán rằng sẽ có một số tên lửa khác hướng về phía chúng ta”, người nông dân già dự đoán.

Dù tên lửa nằm bên trong trang trại của họ, họ chưa bao giờ được phép đi vào khu hầm chứa nó. Đôi khi họ nhìn thấy những đoàn xe tải quân sự hạng nhẹ nối đuôi nhau trên con đường đất về phía bãi phóng. Một lần, ông Butcher đã nhìn thấy một phần của Minuteman III khi nó đang được hạ xuống đất, với đầu đạn và động cơ sơn đen trắng.

Điểm phóng trong trang trại nhà Butcher được chính phủ gọi bằng cái tên Launch Facility E05, một trong 52 điểm đặt tên lửa hạt nhân đang hoạt động trên các trang trại nhà dân của hạt Fergus.

Song canh ten lua hat nhan o My anh 3

Launch Facility E05, một trong 52 điểm đặt tên lửa hạt nhân đang hoạt ở hạt Fergus. Ảnh: Washington Post.

Chính phủ đã chọn biến trung tâm Montana thành một phần của cái gọi là “nuclear sponge” (tạm dịch: bọt biển hạt nhân) vào những năm 1950.

Theo đó, Nebraska, Wyoming, Colorado, Montana và North Dakota, nơi các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Mỹ nằm trong hầm chứa dưới lòng đất, đóng vai trò như một "miếng bọt biển" thu hút các cuộc tấn công hạt nhân của Nga, Trung Quốc hoặc đối thủ khác khi có xung đột nổ ra. Điều này sẽ giúp các thành phố lớn của Mỹ ít bị nhắm mục tiêu hơn.

Trên khu đất rộng cách nhà họ vài km, lực lượng không quân đã quây rào xung quanh. Phía sau hàng rào có một vài cột điện thoại, một vòng tròn nhỏ bằng bê tông dưới đất và một nắp bằng kim loại dẫn xuống boongke.

"Cấm vào", một tấm biển nhỏ ghi.

Khi quân đội xây dựng địa điểm phóng trong thời niên thiếu của Butcher, ông coi đây là một sự xâm phạm, một biểu tượng cho sự tiếp cận quá mức của chính phủ liên bang. Ông gọi đó là “sự điên rồ của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân”.

Mối nguy "trên từng sợi tóc"

Trong nhiều năm, không quân đã thay thế tên lửa Minuteman ban đầu bằng Minuteman II và sau đó là Minuteman III.

Sau một thời gian, gia đình không còn cảm thấy đó là một mối nguy hiểm mà chỉ là một phần của cảnh quan, một di tích lành tính của Chiến tranh Lạnh.

Nhưng đó chỉ là những gì ông nghĩ cho đến cuối tháng 2, khi Nga tấn công Ukraine.

Điện Kremlin đặt vũ khí hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao hơn, kèm với đó là những lời dọa triển khai loại vũ khí nguy hiểm này khi phương Tây gia tăng áp lực lên Moscow bằng các biện pháp trừng phạt, hoạt động gửi vũ khí cho Ukraine, cùng khả năng NATO kết nạp thêm thành viên và mở rộng.

Song canh ten lua hat nhan o My anh 4

Ông Ed Butcher trên cánh đồng cách hầm chứa Minuteman III trang bị vũ khí hạt nhân vài km. Ảnh: Washington Post.

“Tôi cá là các vệ tinh của Nga đang đếm từng sợi tóc trên đầu tôi”, ông Butcher ví von về mối nguy mà ông cảm nhận khi nhìn lên bầu trời và kéo chiếc mũ xuống.

Trong những ngày này, cảm biến tại bãi phóng đang hoạt động mạnh mẽ để phát hiện bất kỳ chuyển động nào trong phạm vi 100 m.

Máy bay trực thăng quân sự đang tuần tra để dò tìm hoạt động khả nghi trên tất cả 450 địa điểm tên lửa đang hoạt động ở Montana, North Dakota, Nebraska, Wyoming và Colorado.

Hai thành viên không quân đang bắt đầu ca làm việc mới kéo dài 24 giờ trong một boongke cách trang trại Butcher 11 km. Họ đi thang máy để xuống một căn phòng nằm dưới mặt đất 18 m, được gia cố bằng những bức tường bê tông cao 1,2 m.

Họ có một phòng tắm nhỏ, một cái giường, một đường hầm thoát hiểm, và một bảng điều khiển có thể nhập mã 8 chữ số để phóng 10 tên lửa hạt nhân từ hạt Fergus lên bầu trời.

Tại tòa án hạt Fergus cách đó vài km, con trai út của ông Butcher đang ở đó giúp nghiên cứu thế hệ tiếp theo của kho vũ khí hạt nhân.

Ross Butcher (53 tuổi) là một trong ba ủy viên được bầu ở hạt Fergus. Gần đây, một phần công việc của ông là phối hợp với quân đội khi họ bắt đầu thay thế những chiếc Minuteman III bằng một vũ khí hạt nhân mới mạnh hơn, được gọi là Sentinel.

Không quân đã đặt hàng 642 chiếc trong số đó từ Northrop Grumman với chi phí ước tính khoảng 260 tỷ USD. Giờ đây, quân đội đã gửi cho các quan chức hạt Fergus một loạt thư và kế hoạch trong 10 năm tới về việc “cải tiến hạt nhân để tăng cường khả năng bảo vệ tổ quốc của chúng ta”.

“Một cuộc cải tạo hoàn toàn tất cả cơ sở phóng”, một trang trình bày.

31 tháp thông tin liên lạc mới, thêm 8 trung tâm điều khiển, gần 2.000 km đường dây điện ngầm tốc độ cao. Về vòng đời dự kiến ​​của tên lửa Sentinel, tài liệu viết: "Có sức răn đe và bảo vệ mạnh mẽ cho đến thập niên 2070 và hơn thế nữa".

Song canh ten lua hat nhan o My anh 5

Con đường dẫn đến khu vực hầm chứa tên lửa trong trang trại nhà Butcher. Ảnh: Washington Post.

Trở lại trang trại, bà Butcher bắt đầu tự hỏi liệu nhân loại có tồn tại được lâu đến vậy không.

Bà đã tưởng tượng ra những gì có thể xảy đến. Tên lửa ở trang trại gần nhà Butcher có thể phá hủy cả một thành phố. Việc cho nổ tất cả 150 tên lửa hạt nhân ở Montana có thể bao trùm thế giới trong khói lửa, ngăn ánh sáng mặt trời, hạ nhiệt độ Trái Đất, tàn phá nông nghiệp, dẫn đến nạn đói và tuyệt chủng hàng loạt.

Trong tầng hầm dưới căn nhà của họ, bà Butcher tin rằng mình đã dự trữ đủ nhu yếu phẩm để có thể tự cung tự cấp trong ít nhất vài năm.

Họ có một tủ đông đầy thịt và 3.000 viên đạn quân dụng để đi săn. Họ có một máy phát điện, 10.000 gallon (hơn 37.800 lít) diesel và 20.000 gallon (hơn 75.700 lít) propane (một loại khí dùng làm nhiên liệu).

Họ có hệ thống sưởi cho toàn bộ ngôi nhà, và có những giạ lúa mì để làm bột mì. Bà Butcher cũng đã lên mạng mua thiết bị lọc nước và hơn một chục “bộ đồ dùng sinh tồn”, bao gồm súp cô đặc và đồ ăn đông khô.

“Ở bất cứ đâu, tôi thấy như thể nhân loại đang tiến dần đến những giờ cuối cùng”, bà nói.

Phương Tây dò dẫm 'lằn ranh đỏ' của Nga khi gửi vũ khí cho Ukraine

Mỹ và các nước đồng minh phải đối mặt với thách thức mới khi viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh “chiến dịch quân sự" do Nga phát động bước sang giai đoạn mới.

Nga dọa triển khai vũ khí hạt nhân nếu Thụy Điển, Phần Lan vào NATO

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Moscow sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm triển khai vũ khí hạt nhân.

Hồng Ngọc

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm