Phương Tây đang phải tính toán làm thế nào để có thể tiến xa hơn trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, khi Nga liên tiếp cảnh báo sẽ hành động để ngăn chặn dòng vũ khí từ Mỹ và NATO, theo CNN. Những ngày qua, Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga liên tiếp tuyên bố sẽ coi những đoàn vận chuyển vũ khí từ các nước NATO sang Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người lo ngại Ukraine có thể cạn kiệt đạn dược nhanh chóng khi các cuộc giao tranh gia tăng ở Donbas, sau khi lực lượng Nga rút quân khỏi Kyiv và chuyển phần lớn trọng tâm cuộc chiến sang khu vực này.
Giới chức Nga từng cho biết mục tiêu họ là đạt được hòa bình ở khu vực Donbas bị tàn phá do giao tranh trong suốt nhiều năm, chứ không phải chiếm đoạt các vùng đất của Ukraine, theo TASS.
Các lô vũ khí do Mỹ viện trợ tới sân bay Boryspil, thủ đô Kyiv, Ukraine vào tháng 2. Ảnh: AFP. |
“Không bao giờ là đủ”
Sau gần hai tháng giao tranh, Nga và Ukraine đang hướng tới một trận chiến lớn ở khu vực miền Đông Donbas. Cả hai bên đều tăng cường huy động vũ khí và quân đội của mình.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây hỗ trợ nhiều hơn trong giai đoạn tiếp theo. Ông lập luận các cuộc giao tranh tại khu vực này có thể “ảnh hưởng đến tiến trình của toàn bộ cuộc xung đột".
Ông Zelensky cảnh báo nếu lực lượng Nga chiếm được vùng Donbas, Moscow hoàn toàn có thể tiếp tục nỗ lực giành quyền kiểm soát thủ đô Kyiv.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, khi được hỏi ông có hài lòng với khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 800 triệu USD mà Mỹ mới công bố tuần trước, tổng thống Ukraine chia sẻ: “Chúng tôi cần nhiều hơn nữa".
"Sẽ không bao giờ là đủ", ông Zelensky cho biết khi ông giải thích những thách thức ở phía đông đất nước. "Một cuộc xung đột toàn diện đang diễn ra, vì vậy chúng ta vẫn cần nhiều hơn những gì chúng ta có ngày hôm nay”.
Đối với khoản viện trợ mới từ phía Mỹ, “điều quan trọng nhất là tốc độ”, ông nói thêm.
Lô hàng vũ khí và đạn dược do Mỹ viện trợ, bao gồm gần 300 tên lửa chống tăng Javelin, tại sân bay Boryspil, thủ đô Kyiv, Ukraine. Ảnh: New York Times. |
Ngay cả khi khoản viện trợ mới nhất đang bắt đầu được chuyển giao, ngày càng có nhiều lo ngại về việc kho đạn Ukraine có thể cạn kiệt nhanh chóng trong các trận giao tranh tiếp theo, theo CNN.
Mỹ thông báo họ sẽ gửi thêm 18 khẩu lựu pháo 155 mm và 40.000 viên đạn pháo trong gói viện trợ mới. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cảnh báo rằng chúng có thể được sử dụng hết chỉ trong vòng vài ngày.
Trước những áp lực đó, tướng Mỹ về hưu Ben Hodges, cựu Chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nhận định Washington phải xác định mục tiêu và làm rõ liệu Mỹ có cam kết làm những gì cần thiết để giúp Ukraine giành chiến thắng hay không.
Mặc dù gói viện trợ mới nhất của Mỹ đáng kể, ông cũng cho rằng nó không đủ. "Những gì Ukraine cần nhất là hỏa lực tầm xa, tên lửa, pháo, máy bay không người lái có thể làm gián đoạn hoặc phá hủy các hệ thống (của Nga)", ông Hodges nói. “Nếu không, cơ hội để ngăn cản lực lượng Nga sẽ trôi qua trong vài tuần tới".
Lời cảnh báo từ Moscow
Một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh cho đến nay là xác định "lằn ranh đỏ" của Nga. Từ đó, phương Tây sẽ tính toán xem họ có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến mức nào mà không kích động Moscow mở rộng cuộc xung đột, ảnh hưởng đến quân đội NATO.
Khi Mỹ chuẩn bị gửi gói viện trợ 800 triệu USD vào tuần trước, Nga đã cảnh báo trong một công hàm gửi Bộ Ngoại giao Mỹ về "những hậu quả khó lường" nếu nước này và các đồng minh tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng - thứ mà Ukraine đang tìm kiếm.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các đồng minh của nước này dừng việc quân sự hóa vô trách nhiệm Ukraine, điều có thể dẫn đến những hậu quả không thể dự đoán cho an ninh khu vực và quốc tế", Washington Post dẫn công hàm trên cho hay.
Những người lính Ukraine được huấn luyện sử dụng vũ khí chống tăng NLAW do Anh cung cấp. Ảnh: New York Times. |
Các chuyên gia quân sự giải thích công hàm này là dấu hiệu cho thấy Nga có thể nhắm mục tiêu không chỉ vào lô vũ khí khi chúng được đưa đến Ukraine, mà còn cả đoàn xe vận chuyển viện trợ tới biên giới Ukraine của NATO.
Các nhà lãnh đạo thế giới cố gắng phân tích hướng đi của Điện Kremlin và dự đoán nước này sẽ “đi bao xa” trong việc đáp trả các quốc gia giúp Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer, người gặp tổng thống Nga vào tuần trước, cho biết ông Vladimir Putin tin rằng mình đang thắng tại Ukraine.
"Ông ấy nghĩ rằng cuộc chiến là cần thiết để đảm bảo an ninh cho Nga", ông Nehammer nói với phóng viên NBC News trong cuộc phỏng vấn hôm 17/4. "Ông ấy nghĩ rằng mình đang thắng thế”.
Vũ khí vẫn đổ về Ukraine
Bất chấp những thách thức ngày càng tăng đến từ Điện Kremlin, Tổng thống Zelensky đang cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới hỗ trợ nhiều hơn trong giai đoạn tiếp theo bằng cách cảnh báo khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga.
Trong cuộc điện đàm video kéo dài 90 phút vào ngày 19/4, Mỹ và một số nước khác tuyên bố sẽ viện trợ thêm đạn pháo, vũ khí chống tăng và phòng không cho Kyiv.
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Kyiv đã nhận được thêm các máy bay chiến đấu cũng như nhiều bộ phận cần thiết khác để tăng cường cho lực lượng không quân nước này. Dù vậy, ông không nêu rõ số lượng hay xuất xứ của những máy bay này.
Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến viện trợ thêm 800 triệu USD, sau gói viện trợ với giá trị tương tự được công bố hôm 13/4.
Mỹ, Anh và Canada sẽ viện trợ thêm pháo hạng nặng cho Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Các nhà lãnh đạo Anh và Canada cũng tham gia với Mỹ, viện trợ thêm pháo hạng nặng cho Ukraine.
"Đây sẽ trở thành xung đột pháo binh. Họ (Ukraine) cần nhiều pháo hơn, đó là những gì chúng ta sẽ gửi cho họ", Thủ tướng Anh Boris John nói.
Ngoài ra, nước này đang xem xét các loại tên lửa chống hạm sẽ viện trợ cho Ukraine, bao gồm giải pháp lắp tên lửa Brimstone vào phía sau xe quân sự.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết sẽ viện trợ pháo hạng nặng, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trong khi đó, tại Berlin, Thủ tướng Olaf Scholz nói Đức sẽ cung cấp tài chính để giúp Ukraine mua vũ khí chống tăng và đạn dược từ các nhà sản xuất vũ khí của nước này.
Nga kịch liệt phản đối hành động trợ giúp trên. “Mỹ và các nước phương Tây nằm dưới quyền kiểm soát của Washington đang làm mọi thứ để trì hoãn chiến dịch quân sự trong thời gian dài nhất có thể”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với các chỉ huy quân đội Nga trong cuộc họp được lên sóng truyền hình ngày 19/4.
“Khối lượng viện trợ vũ khí nước ngoài ngày một tăng, thể hiện họ có ý định khiêu khích chính quyền Kyiv chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng”, ông Shoigu nói, theo TASS.