Năm tháng qua là thời gian khó khăn của nhà vô địch SEA Games đầu tiên của điền kinh Việt Nam. Cú va xe trước Tết khiến chị không thể đi lại bình thường, phải nằm bẹp một chỗ. Đấy chỉ là vận hạn mới nhất trong nhiều thử thách cuộc đời mà chị trải qua. Nhiều lúc, chị không muốn nhắc lại, chỉ muốn chôn vào lòng.
Người đàn bà vốn nhiều nghị lực, luôn đương đầu với thử thách trên đường chạy ấy phải chịu cảnh ngồi, nằm một chỗ và đối mặt nguy cơ bị liệt. Cột sống bị ảnh hưởng, dây thần kinh bị đè khiến chân trái ngày càng teo lại.
Ngày trước, lúc gia đình khó khăn, chị vẫn là “chân chạy” trong gia đình. Giờ đến lúc lại phải là gánh nặng nên dễ hiểu sự bi quan nơi “người đàn bà thép” một thời này.
Vũ Bích Hường là VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên giành HCV ở SEA Games. Ảnh: Vietnamnet. |
Khi chị đi bệnh viện khám, bác sĩ chỉ định phải mổ ngay. Ngoài chi phí mổ tốn kém, chị còn có nguy cơ bị liệt hai chân hoặc cơ hội hồi phục hoàn toàn chỉ 50-50. Nghe vậy, Vũ Bích Hường quyết định không mổ, trở về nhà.
Chị kể, trong lúc khó khăn như vậy, tình người mới càng thấy rõ. Bộ môn Điền kinh Hà Nội cũng như chính Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đã cố gắng hết sức để chị an tâm chữa bệnh. Khi sang thăm, thấy gia cảnh chị khó khăn, nhất là lại neo người, CLB Điền kinh đã đón chị từ Việt Hưng (Long Biên) sang chỗ ở của CLB để tiện chăm sóc.
Từ Chủ nhiệm Lại Phúc Lộc đên Phó chủ nhiệm Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Bích Vân và các HLV, VĐV khác trong CLB đều cố gắng làm những gì tốt nhất cho chị. Chính vợ chồng Bích Vân (cựu VĐV nhảy xa nổi tiếng) đã tìm thầy thuốc từ Hưng Yên để chữa bệnh cho chị và đến giờ, sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh tình đã thuyên giảm phần nhiều.
SEA Games 1997 ở Indonesia, Vũ Bích Hường giành được HCB do Thái Lan nhập khẩu VĐV Trecia Roberts từ Mỹ. Trước đó, Vũ Bích Hường giành HCV 100 m rào nữ ở SEA Games 1995 và trở thành người Việt Nam đầu tiên giành HCV điền kinh tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. Sự xuất hiện của Trecia Roberts khiến Bích Hường khóc tức tưởi và chấp nhận về nhì liên tiếp 4 kỳ SEA Games cho đến năm 2003 trên sân nhà. Ảnh: Reuters. |
Từ chỗ phải có người cõng từ tầng 3 xuống taxi chở đi chữa bệnh, nay chị đã bắt đầu bỏ nạng. Vũ Bích Hường nói: "Mừng đến rơi nước mắt khi bắt đầu bỏ được nạng”.
Bích Hường thậm chí còn có ý định nghiêm túc là theo thầy để học xoa bóp, bấm huyệt – nghề mà chị cũng rất yêu thích và từng làm. Trong thời gian chị chữa bệnh, cứ 5 ngày hoặc 10 ngày, người của CLB điền kinh lại mang tiền hỗ trợ từ sự đóng góp của các thành viên trong CLB đến nhà để chị có kinh phí đi lại đến nơi chữa bệnh, mua thuốc.
Gia đình, bạn bè, họ hàng và cả những người chưa từng quen Bích Hường cũng hỗ trợ nhiều từ chi phí chữa bệnh đến những việc vặt như trông con, đưa con chị đi học. Sắp tới, khi Bích Hường ngừng chu trình xoa bóp, bấm huyệt, một bệnh viện quốc tế ở Hà Nội sẽ cho chị vật lý trị liệu miễn phí.
Hiện tại chân trái của chị vẫn bị teo, bé hơn chân phải do dây thần kinh bị chèn. Nếu mọi chuyện xuôi chèo mát lái, có thể trong năm nay chị sẽ được quay lại nghề huấn luyện trẻ như từng làm trước khi bị tai nạn.
Nhờ sự động viên của những người tốt xung quanh, chị Hường dần tìm lại niềm vui và lạc quan hơn. Ảnh: Minh Nhật. |
Tất nhiên, cuộc sống của chị Hường vẫn còn nhiều lo toan. Đáng lo nhất là khoản tiền để mua hẳn căn nhà xã hội mà chị đang ở thay vì hàng tháng đóng tiền lãi ngân hàng cũng như tiền trả góp. Chị Hường cũng mong một ngày được thấy cậu con trai Nguyễn Ngọc Quang trên bục nhận huy chương SEA Games.
Ở SEA Games vừa qua, lỗi xuất phát khiến Quang đạt thành tích không tốt, đứng ngoài nhóm thi chung kết nội dung 110 m rào nam. Đấy đã là lần tham dự SEA Games thứ 3 của Nguyễn Ngọc Quang và thành tích tốt nhất mới là hạng tư.
“Nhưng trước mắt vẫn cứ mong tiếp tục gặp thầy, gặp thuốc để chóng hồi phục, quay lại công việc huấn luyện mà mình từng làm trong nhiều năm nay. Thôi thì cứ an ủi, không ai có thể bị vận hạn bám đuổi cả đời được”, chị Hường lạc quan.