Nếu là người chưa từng gặp ông Liêm, thật khó tin đấy là "ông bầu" từng nổi danh cùng bóng đá Thể Công một thời gian dài. Ông Liêm bây giờ khác nhiều so với thời còn làm việc ở 19 Hoàng Diệu: tóc ngắn, da tái xanh, chân tay lồi lõm toàn xương, khớp. Ông bảo: “Tôi chỉ còn hơn 40 kg, sụt một nửa so với trước kia”.
Sự thay đổi quá lớn về hình ảnh khiến ông Liêm trở nên… xa lạ với chính những người đã gắn bó với ông. Ai cũng hình dung ông Liêm phải oai vệ như thời còn làm thủ trưởng.
Cựu Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đội Hà Quang Liêm đang phải hàng ngày chống chọi với bệnh tật. Ảnh: Bảo Thắng. |
Căn nhà của sếp cũ lứa Hồng Sơn, Việt Hoàng, Quang Hà... đang dưỡng già chỉ rộng chừng 20m2, được chia thành 3 phòng nằm khuất trong khu tập thể chia nhánh như xương cá.
Trong ba phòng ấy, một căn được dùng làm bếp và nhà tắm, hai căn để ngủ. Một căn ngăn bằng tường gạch, còn một căn “phủ bì” bằng khung nhôm kính.
Ông Liêm tá túc trong một căn phòng rộng 4-5 m2 quây kính ngay sát cửa ra vào. Trong không gian chật hẹp ấy, khổ chủ phải tính toán kỹ khi muốn cựa mình vì vươn rộng tay thì đụng vách, duỗi chân hơi dài là… ra đến cửa.
Ông Liêm hàng ngày xoay xở trong căn phòng kê vừa khít một chiếc giường đơn, kèm cái quạt bàn nhỏ xíu và làm bạn với chiếc TV màn hình mỏng treo tường có chất lượng hình ảnh thua những chiếc vô tuyến thế hệ cũ.
Ông Liêm nằm xem, thỉnh thoảng dụi mắt, cau mày vì chảy nước mắt do phải điều tiết liên tục mới “bắt” được hình. Ông cũng cập nhật thêm tin tức qua vài tờ báo nhờ người mua được ở đầu ngõ.
Thú vui giao lưu tuổi già với nhóm bạn hưu trí bị bỏ bẵng từ ngày ông phải nhốt mình trong buồng vì cô đơn và bệnh tật. Nếu thèm khí trời, ông cũng chỉ dám lật đật chống nạng, thò đầu ra cửa rồi… vào.
Điều an ủi là ông Liêm vẫn giữ được thần thái và trí tuệ khá minh mẫn. Ông vẫn nói chuyện rành rọt, hiểu mọi vấn đề và gần như chưa quên gì, nhất là khi nhắc đến Thể Công.
Thời hoàng kim của Thể Công, ai cũng biết đến tên ông, và ở Trung tâm TDTT Quân Đội, đa phần cầu thủ, từ lứa trẻ đến lứa măng non, đều gọi ông Liêm là “bố”.
Khi Báo Thanh niên tổ chức giải U21 lần đầu tiên năm 1997, ông Liêm tuyên bố với rất nhiều người rằng: "Ở Thể Công, tôi có rất nhiều “con”, đứa nào cũng yêu quý vì chúng nó là một phần của đội bóng”.
Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam có quá nửa là cầu thủ Thể Công thời "bố Liêm" còn phụ trách. |
Đến bây giờ, ông Liêm vẫn nhớ rõ đội hình Thể Công vô địch quốc gia năm 1998. Từ HLV Vương Tiến Dũng đến Xuân Lý, Tiến Anh, Minh Dũng, Đỗ Dũng, Đức Thắng, Hải Biên, Hồng Sơn, Việt Hoàng, Quang Hà, Minh Tiến, Sỹ Long, Công Tuyền, Phương Nam... Cả đội hình từng ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ một thời.
Ông Liêm cũng nhớ đến lứa trẻ U21 năm ấy, khi Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Tú được tăng cường cho đội trẻ đã cùng Bảo Khanh, Quốc Trung đoạt chức vô địch.
Dưới thời ông Liêm, các cầu thủ được chăm bẵm chuyên nghiệp nhất trong những năm bóng đá chưa lên chuyên nghiệp. Ông Liêm từng thành lập cả bộ sậu chỉ để kiểm tra bữa ăn cho cầu thủ đội 1. Ông cũng từng phê duyệt sữa tăng lực, thuốc bổ, sâm nhung hổ cốt cho các chiến binh khoác áo lính để giúp họ có thể lực sung mãn nhất khi làm nhiệm vụ.
Sân Cột Cờ những năm cuối 90 thế kỷ trước chật hẹp, ông Liêm cũng là người khởi xướng mở rộng bằng cách làm các khán đài lắp ghép rất đơn giản, nhưng hữu ích.
Cũng ở thời ông Liêm, một cơ chế mở chưa từng có được áp dụng ở đội 1. Mỗi cầu thủ ra sân được nhận 10 nghìn đồng cho 1 phút thi đấu (nếu đội thắng). Hồi ấy, một cầu thủ nhận 900 nghìn đồng chỉ trong 90 phút là sự đột phá lớn lao vì lương quân nhân tính theo quân hàm cỡ Hồng Sơn, Đỗ Dũng có khi vài tháng mới bằng 1 trận đấu thời “bố Liêm”.
Thể Công những năm tháng còn ở Cột Cờ là niềm ước ao của các đội còn lại là vì thế.
Nhưng ông Liêm bây giờ nếu nhớ đến Thể Công chắc cũng chỉ dám gói gọn vào ký ức. Ở hoàn cảnh ông, đến việc đi lại cũng là cả một vấn đề.
Ông Liêm không kể những gì mình phải trải qua trong suốt thời gian hơn chục năm qua. Nhưng có lẽ, sau giai đoạn làm thể thao cho Quang Minh DEC rồi Đông Nam Dược Bảo Long, ông ở ẩn cho đến giờ.
Người già thường sợ cô đơn, bệnh tật và sợ mình sẽ chẳng còn hữu ích với con cháu nữa. Trong mấy cái sợ ấy, ông Liêm đều đang gánh đủ.
Hồi đầu năm, vợ ông mất. Đấy là cú sốc lớn với ông, vì cho dù vợ ông bị tai biến hơn 20 năm và chỉ còn nằm một chỗ, nhưng một chút sức lực, một chút cử chỉ hoặc một cái mấp máy môi của bà cũng là điểm tựa để ông khỏe mạnh, để ông vượt qua nhiều chướng ngại của tuổi già.
Cửa ngôi nhà 20 m2 nơi ông Hà Quang Liêm đang tá túc. Ảnh: Bảo Thắng. |
Ông Liêm nói về vợ một cách khó nhọc, đứt đoạn, chỉ chực khóc: “Từ ngày bà ấy mất, tôi sụt hơn nửa trọng lượng cơ thể”. Ông Liêm còn mắc rất nhiều bệnh, những bệnh mà trước kia ông chỉ… nghe nói như gió thoảng qua.
Trăn trở cuối cùng của ông Liêm có lẽ cũng là vì con. Ngôi nhà nhỏ ông đang dưỡng già ấy là nhà của con trai thứ hai, tên Tú (ông Liêm chỉ có 2 người con). Ông ra đấy ngăn phòng ở cùng cậu út “cho vui”, vì cuối tuần, cháu nội hơn chục tuổi (con cậu út Tú) mới về chơi với ông một lần. “Nó ở với mẹ, thuê nhà ở tận Thanh Xuân”, ông Liêm chia sẻ.
Con trai thứ hai 40 tuổi vẫn chưa có việc làm ổn định. Và lý do ông ra ở “cho vui” cũng để chăm con. Khi nhắc đến cậu út, ông vẫn ánh lên niềm thương yêu vô hạn, kèm theo là sự lo lắng.
Ông Liêm vẫn đau đáu một ngày nào đó, cậu út được nhận vào làm… bảo vệ một đơn vị, hoặc nhận một công việc phù hợp với năng lực. Nhưng xem chừng, điều ấy cũng chẳng đơn giản.
“Tôi năm nay 77 rồi, bệnh tật đau lắm. Ngoài tiểu đường thì ngày nào cũng đau bụng dữ dội, chả biết tim phổi gan mật có vấn đề gì. Tôi chỉ mong sống được qua năm nay là tốt lắm rồi”, ông Liêm mắt ngấn lệ.