Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc họp gay cấn trong ngày quân đội đảo chính ở Thái Lan

Sau khi Bộ trưởng Tư pháp khẳng định chính phủ tạm quyền sẽ không từ chức trong cuộc họp tại Câu lạc bộ Quân đội, tướng Prayuth Chan-ocha đứng dậy và tuyên bố ông sẽ nắm quyền.

Hôm 21/5, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha triệu tập lãnh đạo của các nhóm chính trị, đảng phái cùng thành viên Ủy ban Bầu cử và các thượng nghị sĩ tham dự cuộc họp nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 6 tháng qua ở Thái Lan. 

Đối tượng tham dự cuộc họp gồm những đối thủ chính trị quan trọng nhất của Thái Lan, cộng với 4 bộ trưởng trong chính phủ tạm quyền, các quan chức bầu cử và thượng nghị sĩ. Mục tiêu của họ là giải quyết một cuộc khủng hoảng phức tạp đến nỗi nó gây chia rẽ quốc gia Đông Nam Á trong gần một thập niên, gây nên vòng luẩn quẩn của bạo lực, biểu tình và đổ máu.

Hai nhà lập pháp tham dự cuộc họp tại Câu lạc bộ Quân đội đã kể lại diễn biến của cuộc họp từ ngày 21 tới 22/5. Câu chuyện của họ cho thấy dường như vị Tư lệnh Lục quân không hề có ý định sắp xếp một cuộc đàm phán dài hơi để giải quyết mâu thuẫn chính trị tái bùng phát vào cuối năm ngoái, khi những người chống chính phủ biểu tình trên đường phố ở Bangkok.

Diễn biến trong cuộc họp tại Câu lạc bộ Quân đội khiến nhiều người nghi cuộc họp chỉ là mưu mẹo để Prayuth vô hiệu hóa những người có thể chống lại đảo chính. Việc đảo chính diễn ra quá nhanh cho thấy Tư lệnh Lục quân đã chuẩn bị phương án mà những người chống chính phủ muốn: lật đổ chính phủ nếu hai phe không thể thỏa hiệp. Tất nhiên, rất ít người hy vọng hai bên sẽ nhân nhượng đối phương.

Binh sĩ Thái Lan canh gác bên ngoài Phủ Thủ tướng tại thành phố Bangkok hôm 23/5. Ảnh: AP

Sự chia rẽ chính trị ở Thái Lan ngày nay là hậu quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa tầng lớp trung lưu thành thị tại Bangkok và phía nam với những người ở vùng nông thôn phía bắc. Tầng lớp trung lưu thành thị chỉ là bộ phận thiểu số, song họ nhận sự ủng hộ của quân đội. Người dân ở vùng nông thôn phía bắc ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người mà quân đội phế truất bằng cuộc đảo chính vào năm 2006.

Hôm 23/5, binh sĩ giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của Thaksin. Trước đó Tòa án Hiến pháp buộc bà rời khỏi ghế thủ tướng do lạm quyền. Bà phủ nhận cáo buộc, nhưng vẫn rời khỏi chính phủ.

Weerachon Sukondhapatipak, một người phát ngôn của quân đội, thông báo chính quyền mới sẽ giữ Yingluck trong khoảng một tuần để bà “hồi tâm và có thời gian suy nghĩ”.

Khi Prayuth tuyên bố thiết quân luật hôm 20/5, vị tướng 60 tuổi khẳng định ông chỉ muốn khôi phục sự ổn định và buộc các bên phải đối thoại. Hôm sau, ông triệu tập các phe phái và quan chức chính phủ. Những người đó chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghe lời.

“Sau cuộc họp đầu tiên – kéo dài khoảng hai giờ vào ngày 21/5 - Prayuth yêu cầu mọi người quay trở lại các đề xuất để chấm dứt khủng hoảng chính trị”, một nghị sĩ nói với AP. Nhà lập pháp này đề nghị giấu tên do lo ngại cho sự an toàn của bản thân.

Những câu hỏi mà quân đội đề ra bao gồm: Liệu phe ủng hộ và chống chính phủ có thể ngừng biểu tình? Chính phủ tạm quyền nên tiếp tục tồn tại hay không? Cải cách (yêu cầu của phe chống chính phủ) hay tổng tuyển cử (yêu cầu của chính phủ) nên diễn ra trước? Chính phủ nên tổ chức trưng cầu dân ý để người dân quyết định vận mệnh của đất nước hay không?

Khi cuộc họp tiếp tục vào ngày 22/5, tình hình trở nên khác hẳn. Binh sĩ yêu cầu mọi người bỏ điện thoại di động ở ngoài. Số lượng binh sĩ canh gác tăng và họ mang nhiều vũ khí hơn. Prayuth khai mạc cuộc họp và tuyên bố ông muốn vãn hồi hòa bình.

“Việc mà tôi thực hiện hôm nay phục vụ lợi ích an ninh. Nếu những biện pháp mà tôi thực hiện động chạm tới ai đó thì tôi xin lỗi. Tôi khẳng định tôi sẽ luôn tôn trọng mọi bên”, ông nói.

Prayuth yêu cầu mọi người tìm ra những giải pháp để chấm dứt khủng hoảng. Khi ấy những người tham dự cuộc họp không biết rằng họ chỉ có khoảng hai giờ để tìm ra giải pháp.

Một giờ sau, các bên vẫn không thỏa hiệp. Cuộc họp quay trở lại một điểm duy nhất: Tương lai của chính phủ.

Abhisit Vejjajiva – thủ lĩnh của đảng Dân chủ và từng giữ chức thủ tướng – nói nội các nên hy sinh vì lợi ích của đất nước và giải tán. Một người khác gợi ý toàn bộ thành viên trong chính phủ nên từ chức lần lượt hoặc từ chức tập thể.

“Các quan chức chính phủ đáp rằng họ không thể làm việc ấy. Họ nói nhân dân đã trao quyền lực cho họ nên họ không thể từ chức. Chúng tôi cầu khẩn họ nhân nhượng, hy sinh vì nền dân chủ vì tình thế hiện nay đang nguy cấp”, Sirichoke Sopha – một cựu nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và tham dự cuộc họp – kể lại.

Pheu Thai, đảng cầm quyền tại Thái Lan, từng giành thắng lợi vang đội trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2011. Trong nhiều tháng qua, chính phủ tạm quyền khẳng định nền dân chủ mong manh của Thái Lan đáng hứng chịu đòn tấn công từ người biểu tình, hệ thống tòa án và quân đội.

Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh của phe biểu tình chống chính phủ, tố chính phủ lợi dụng thế đa số trong quốc hội để phá hoại các thể chế dân chủ. Ông họp riêng với Jatuporn Prompan, thủ lĩnh của phe Áo đỏ. Họ thảo luận trong khoảng 45 phút với sự hiện diện của các trợ lý. Sau đó cả hai người thì thầm với Prayuth trong góc phòng khoảng một phút.

Thế rồi Prayuth hỏi Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri rằng chính phủ từ chức hay không.

“Chúng tôi sẽ không từ chức”, Chaikasem đáp.

Sau đó Prayuth nói với người đại diện của Ủy ban Bầu cử rằng họ không nên tổ chức tổng tuyển cử sớm. Ông cũng nói với các nghị sĩ của Thượng viện rằng họ không nên viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp để chỉ định một thủ tướng lâm thời. Cuối cùng ông đứng dậy và tuyên bố với giọng bình thản: “Xin lỗi, tôi sẽ nắm quyền điều hành đất nước từ bây giờ”.

Trong lúc mọi người không biết Tư lệnh Lục quân nói đùa hay thật, ông bước về phía cửa, quay lại rồi nói: Hãy ở đây. Đừng rời khỏi phòng”. Vị tướng 60 tuổi bước ra ngoài và chui vào một chiếc Mercedes Benz màu đen vào khoảng 4h30.

Gần như ngay sau đó, binh sĩ tràn vào phòng và chặn mọi lối ra. Các xe tải màu xanh của quân đội chặn lối vào của Câu lạc bộ Quân đội. Binh sĩ mang theo súng tự dộng tỏa ra và chiếm các vị trí, ngăn các nhà báo tiếp cận phòng họp. Họ dẫn Suthep, Jatuporn, 4 bộ trưởng và những trợ lý của họ tới một nơi để giam.

Nửa giờ sau, các đài truyền hình trên khắp cả nước phải phát sóng một chương trình của quân đội. Tướng Prayuth xuất hiện đột ngột trên truyền hình cùng với người chỉ huy các lực lượng vũ trang và cảnh sát. Ông thông báo rằng Hội đồng Duy trì Hòa bình và Ổn định quốc gia sẽ điều hành đất nước.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm