Vua Bhumibol Adulyadej
Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Ảnh: firstworldfacts.com. |
Vua Bhumibol, 86 tuổi, từng đóng vai trò cố vấn, trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột trước đó tại Thái Lan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông đã chọn cách im lặng trước những chính biến của đất nước. Theo Asian One, sức khỏe của vua Bhumibol có thể là trở ngại đối với ông trong việc trở thành “trọng tài” trong cuộc đối đầu giữa các phe phái.
Cựu Thủ tướng Thái Lan - Anad Panyarachun - đã miêu tả quyền năng của nhà vua Bhumibol như một thứ "quyền lực dự phòng". Ông luôn sử dụng quyền năng ấy một cách tiết kiệm nhưng đầy khôn ngoan, đóng vai trò quyết định trong việc duy trì sự ổn định của quốc gia.
Trong 6 thập kỷ qua, nhà vua Bhumibol chứng kiến 17 cuộc đảo chính và 26 đời thủ tướng, kinh tế quốc gia phát triển mặc dù giá trị cộng đồng và gia đình suy giảm, tham nhũng trở thành một phần của đời sống. Dù thế, trong tâm trí của người Thái Lan, nhà vua vẫn là hình ảnh mẫu mực của triết lý đạo Phật, chính trực, vô tư, tách biệt với những vết nhơ và cám dỗ của cuộc sống.
Tướng Prayuth Chan-ocha
Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha. Ảnh: AFP. |
Ở tuổi 60, chỉ vài tháng nữa Tư lệnh Lục quân Thái Lan sẽ nghỉ hưu. Nhưng tới thời điểm hiện tại, ông đã áp đặt thiết quân luật và đóng vai trò chủ đạo trong việc chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng tại Thái Lan.
Với tư cách là một thành viên của lực lượng đặc nhiệm Burapha Phayak hay “những mãnh hổ miền đông”, tướng Prayuth có mối quan hệ thân cận với Hoàng hậu Sirikit và lực lượng chống đảng cầm quyền Pheu Thai. Các nhà phân tích thừa nhận ông Prayuth đã “giữ hòa khí” dù nhiều người kêu gọi quân đội đảo chính và tiếp quản đất nước.
Theo The Diplomat, bằng cách thiết quân luật trên toàn quốc và thực hiện đảo chính, Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan không chỉ đặt nền dân chủ Thái Lan vào trạng thái "tạm dừng", mà còn “qua mặt” nhà vua.
Luật pháp Thái Lan quy định nhà vua là người có quyền ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn bộ vương quốc. Bởi vậy, hành động của tướng Prayuth cho thấy, không chỉ nền dân chủ của Thái Lan đang chịu sức ép. Với sự rời xa dần dần của vua Bhumibol khỏi chính trường, có thể xem như ngai vàng đang trở thành đối tượng trên bàn đàm phán.
Cựu thủ tướng Suthep Thaugsuban
Lãnh đạo lực lượng biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban. Ảnh: Bangkokpost. |
Suthep, 60 tuổi - cựu phó Thủ tướng Thái Lan đồng thời là thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ đối lập - đã lãnh đạo lực lượng biểu tình chống chính phủ kể từ cuối năm ngoái.
Với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), ông Suthep từng tuyên bố hơn 10 lần về “những cuộc chiến cuối cùng”. Cựu phó thủ tướng tuyên bố ông sẽ đầu hàng cảnh sát để đối mặt những cáo buộc liên quan đến vụ đàn áp “phe Áo đỏ” tại thủ đô Bangkok vào năm 2010.
Trong những năm qua, Suthep đã tạo dựng hình ảnh một chính trị gia tài giỏi. Theo một tài liệu ngoại giao của Mỹ từ năm 2008, Suthep là người chuyên tạo ra ‘những món hời’ cho đảng của ông.
Jatuporn Prompan
Thủ lĩnh "Phe Áo đỏ" Jatuporn Prompan. Ảnh: almanar.com.lb. |
Đầu tháng 3, Jatuporn, 48 tuổi, trở thành nhà lãnh đạo của Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) hay “phe Áo đỏ” - lực lượng ủng hộ chính phủ. Kể từ thời điểm đó, UDD kêu gọi hàng ngàn người ủng hộ chính phủ của bà Yingluck tập trung tại thủ đô Bangkok.
Trước khi quân đội ban bố tình trạng thiết quân luật hôm 20/5, Jatuporn tuyên bố rằng nếu Thượng viên bổ nhiệm một thủ tướng không thông qua bầu cử, cuộc đấu tranh của phe Áo đỏ sẽ leo thang.
Hôm 21/5, ông Jatuporn kêu gọi trưng cầu dân ý trên toàn quốc nhằm giải quyết thế bế bắc chính trị.
“Dù kết quả trưng cầu dân ý thế nào, chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận nó. Chúng tôi không phải là các phần tử cực đoan không biết lắng nghe”, ông Jatuporn nói.
Yingluck Shinawatra
Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters |
Yingluck, 46 tuổi, từng giữ chức giám đốc điều hành Công ty Viễn thông AIS do người anh trai - ông Thaksin Shinawatra - thành lập và là giám đốc điều hành công ty bất động snr SC Asset. Bà trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2011. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá bà Yingluck chỉ là “con rối” trong tay của ông Thaksin - cựu thủ tướng mất chức bởi cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 7/5 đã phế truất Thủ tướng Yingluck cùng 9 bộ trưởng trong nội các của bà do những cáo buộc liên quan đến việc luân chuyển chức vụ của một quan chức cấp cao hồi năm 2011. Quyết định đó đẩy bà khỏi vị trí quyền lực nhất trong chính phủ Thái Lan nhưng trên danh nghĩa, chính phủ lâm thời do bà lập nên vẫn nắm quyền điều hành đất nước, ngay cả khi quân đội Thái Lan tuyên bố thiết quân luật.