Fed đã 10 lần tăng lãi suất liên tiếp để kiềm chế lạm phát. Ảnh: Investopedia. |
Theo Kitco, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào ngày 13/6 tới.
FOMC là cơ quan thiết lập và hoạch định chính sách tiền tệ cho Fed nhằm mục đích định hướng nền kinh tế đi theo các mục tiêu cụ thể như bình ổn giá cả và gia tăng cơ hội việc làm cho người lao động. Đây cũng là đơn vị phụ trách tăng giảm lãi suất quỹ liên bang để phản ứng với diễn biến của nền kinh tế.
Trong cuộc họp này, 2 chỉ số mà Fed chú ý để “theo dấu” lạm phát là PCE (chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân) và CPI (chỉ số giá tiêu dùng) sẽ được đưa ra bàn luận. Lạm phát ở mức trên 9% chỉ một tháng sau khi Fed bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3/2022. Chỉ trong hơn một năm sau, áp lực lạm phát đã giảm mạnh.
Trong khi lạm phát chung giảm đáng kể, chỉ số lạm phát cơ bản không tính đến lương thực, năng lượng và nhà ở vẫn duy trì trong khoảng 5-6% kể từ tháng 12/2022. Trong đó, chi phí nhà ở chiếm phần lớn (khoảng 1/3 CPI) và nếu loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng thì chi phí nhà ở chiếm khoảng 40% trong tổng chỉ số CPI.
Một công cụ có tên “Nowcast” của Fed Chi nhánh Cleveland đang được dùng để theo dõi CPI và PCE giúp phản ánh mức lạm phát. Công cụ này hiện sử dụng giá dầu hàng ngày và giá bán lẻ xăng hàng tuần cùng với giá tiêu dùng hàng tháng để đưa ra dự báo, cung cấp thông tin lạm phát chi tiết theo thời gian thực cho Fed.
Mô hình này của Fed dựa trên những yếu tố có ít biến số hơn so với báo cáo CPI của chính phủ, đồng thời sử dụng nhiều dữ liệu thời gian thực hơn là những số liệu mang tính chất nhìn lại.
Theo Forbes, Nowcast đã đưa ra dự báo lạm phát toàn phần trong tháng 5 tại Mỹ sẽ chậm lại nhưng mức lạm phát cơ bản sẽ tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.
Cụ thể, lạm phát toàn phần dự báo tăng 0,19% và lạm phát cơ bản cũng sẽ tăng 0,45% so với tháng trước. Nếu những dự đoán này là chính xác, tỷ lệ lạm phát bình quân năm sẽ lần lượt là 4,1% và 5,3%.
Mặc dù điều này cho thấy lạm phát toàn phần đang giảm xuống dưới mức lạm phát cơ bản, chỉ số này vẫn ở mức cao và là vấn đề nan giải đối với Fed.
Sắp tới vào ngày 13/6, Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng sẽ công bố báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng tháng 5. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng cuối cùng mà các quan chức Fed sử dụng để đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ.
Trước đó, Fed đã áp dụng chính sách tiền tệ cực kỳ “diều hâu” với 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, đưa lãi suất chạm mức 5-5,25%/năm (tính từ tháng 3/2022), và cũng là mức cao nhất kể từ năm 2007. Động thái này đã giúp giảm đáng kể lạm phát nhưng hiện hệ số này vẫn ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu Fed đề ra.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.