Fed chuẩn bị có cuộc họp chính sách quan trọng trong tháng 6. Ảnh: Bloomberg. |
Theo CNBC, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các hoạt động tín dụng vẫn chưa suy yếu đủ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi hướng đi đối với chu kỳ tăng lãi suất.
"Chúng tôi chưa nhận thấy sự chậm lại đáng kể trong các hoạt động cho vay. Đã có sự suy yếu, nhưng không đủ lớn để dẫn đến việc Fed có thể lùi bước", bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF - nói với CNBC.
Các hoạt động tín dụng đã chậm lại
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 5, Fed cho biết các ngân hàng ở Mỹ đang lo lắng về điều kiện tín dụng trong tương lai gần. Bởi những rắc rối của các nhà băng cỡ trung đang buộc hệ thống ngân hàng nước này thắt chặt tiêu chuẩn cho vay đối với doanh nghiệp và hộ gia đình.
Các quan chức tin rằng rắc rối sẽ kéo dài sang năm sau. Nguyên nhân chủ yếu là tăng trưởng kinh tế giảm sút, tiền gửi có thể bị rút ồ ạt và khả năng chống chịu giảm đi.
Chúng tôi chưa nhận thấy sự chậm lại đáng kể trong các hoạt động cho vay. Đã có sự suy yếu, nhưng chưa đủ lớn để dẫn đến việc Fed có thể lùi bước.
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF
Theo các chuyên gia được khảo sát, triển vọng của ngành vẫn khá ảm đạm trong năm sau.
"Nhiều ngân hàng sẽ thắt chặt tiêu chuẩn đối với các hạng mục cho vay", báo cáo cho biết.
Theo đó, nguyên nhân là sự sụt giảm trong chất lượng khoản vay và giá trị tài sản thế chấp của khách hàng, sức chống chịu trước rủi ro của ngân hàng giảm đi, những lo ngại về chi phí vốn, thanh khoản của nhà băng và dòng tiền gửi chảy khỏi ngân hàng.
"Đó là những lý do để chúng tôi tin rằng các điều kiện cho vay sẽ bị siết chặt trong phần còn lại của năm nay", báo cáo nhấn mạnh.
Cuộc khảo sát cho thấy nhu cầu sẽ suy yếu trên hầu hết hạng mục cho vay. Những rắc rối trong ngành ngân hàng của Mỹ đã trở nên nghiêm trọng hơn từ đầu tháng 3. Thời điểm đó, các cơ quan quản lý đóng cửa Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 17 tại Mỹ.
Sự sụp đổ của SVB được cho là do những đợt tăng lãi suất điều hành dồn dập của Fed sau giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời kỳ đại dịch.
"Vẫn chưa đủ chậm"
Nói với CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cũng cho rằng các ngân hàng đang ở trong "một tình thế bấp bênh hơn". Điều đó có thể buộc cơ quan này phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, hiện ở mức 2,8%.
Phần lớn ngân hàng trung ương trên toàn cầu, bao gồm Fed, đã quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm lạm phát.
Trong khi đó, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đang tiến đến gần mức kỷ lục là 305.000 tỷ USD. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 5, IIF cảnh báo rằng núi nợ và lãi suất tăng cao đã dẫn tới những lo ngại xoay quanh đòn bẩy tài chính.
Bà Georgieva còn chỉ ra theo báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 của Bộ Lao động Mỹ, nước này đã có thêm 339.000 việc làm, cao hơn đáng kể so với con số 190.000 vị trí được các chuyên gia dự báo trước đó.
Để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm. Các đợt tăng lãi suất dồn dập được cho là sẽ giáng đòn lên thị trường lao động đang nóng đỏ của Mỹ.
"Áp lực đến từ thu nhập của người lao động tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp cực kỳ thấp. Điều này có nghĩa là Fed sẽ phải tiếp tục hành động. Và theo quan điểm của chúng tôi, họ cần làm nhiều hơn một chút", Giám đốc điều hành IMF khẳng định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.