Để em khỏi lạc trong khu phố là cuốn tiểu thuyết mới nhất của Patrick Modiano, được xuất bản ở Pháp vào năm 2014. Trung thành với đề tài xuyên suốt từ thời kỳ đầu sáng tác là hành trình đi tìm bản ngã và sự hiện hữu của bản thân. Lần này tác giả của Phố những cửa hiệu u tối tiếp tục đưa người đọc lần tìm về quá khứ để trả lời cho câu hỏi: “Sự thật, ta là ai?”.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là Jean Daragane - một tiểu thuyết gia sống cô độc và u uẩn. Jean đánh mất một cuốn sổ ghi địa chỉ mà chính chủ nhân của nó cũng cho rằng chẳng mấy quan trọng. Nhưng người nhặt được cuốn sổ lại nhất quyết hẹn gặp để trả lại người mất. Cuộc gặp gỡ này chính là nguyên cớ để nhân vật tìm lại những ký ức sâu thẳm tưởng đã ngủ quên.
Nhờ cuộc gặp gỡ với Chantal Grippay để nhận lại cuốn sổ ghi địa chỉ mà Jean Daragane vô tình tìm thấy cái tên Annie Astrand. Ông không nhớ gì nhiều về con người sở hữu cái tên ấy. Nhưng trực giác đã mơ hồ gợi nhắc Jean rằng ông có một mối liên hệ với Annie Astrand. Lần theo những dấu vết tưởng chừng đã bị xóa sạch về một con người hay một mối quan hệ có thể không tồn tại trong quá khứ, Jean ngược dòng thời gian về với Paris những năm 1950, 1960.
Tiểu thuyết mới nhất của Patrick Modiano. |
Giống như một số nhân vật khác trong tiểu thuyết của Modiano, Jean Daragane rong ruổi trong cuộc tìm kiếm giữa quá khứ và thực tại nhưng vẫn không thể trả lời cho câu hỏi: “Sự thật, ta là ai?”. Hay thực sự nhân vật của chúng ta chỉ của lật giở lại những mảng ký ức chắp vá để thỏa mãn cho những ám ảnh từ quá khứ. Đó là mặc cảm bị bỏ rơi, mặc cảm cô độc đã hằn sâu vào trong tâm trí. Và cũng tương tự như nhiều cái kết khác trong tiểu thuyết của Modiano, sau cuộc tìm kiếm từ quá khứ, nhân vật chính lại trở về với cuộc sống bình thường như chưa có gì xảy ra.
Trong Để em khỏi lạc trong khu phố, nếu nhân vật chính Jean Daragane muốn tìm hiểu xem mình thực sự là ai thì nhân vật phụ là Chantal Grippay lại muốn quên đi mình là ai. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Jean đã thấy mơ hồ về nguồn gốc của cô gái này. Ngay cả cái tên Chantal Grippay cũng do chính cô gái tự đặt cho mình. Phải chăng sự tồn tại giữa một bản thể vô hình và cái cá thể hữu hình luôn khiến con người ta cảm thấy bị giằng xé?
Để em khỏi lạc trong khu phố, nhan đề ấy gợi cho ta liên tưởng đến một câu chuyện tình. Và thực sự thì cuốn tiểu thuyết nói về một câu chuyện yêu đương. Một mối tình tưởng chừng rất mờ nhạt nhưng vô cùng day dứt. Một mối tình mà ta tưởng đã quên nhưng hóa ra vẫn ẩn khuất đâu đó trong những mảng ký ức mơ hồ.
Câu chuyện tình ấy trở nên đặc biệt bởi nó được viết nên bằng thứ văn phong thấm đẫm hoài niệm, day dứt và đầy mơ hồ của Patrick Modiano. Những tiểu thuyết của ông dù được viết bằng thứ ngôn ngữ bình dị nhưng trong chúng luôn là sự thách thức đối với người đọc. Đó không phải là những áng văn để người ta đọc vội. Dù chỉ là những cuốn tiểu thuyết mỏng manh nhưng chúng luôn khiến người ta phải dừng lại để ngẫm xem người viết thực sự muốn nói gì. Bởi mối liên hệ giữa độc giả và tác giả đâu chỉ là câu chuyện hiện lên trên trang giấy. Đó còn là sự đồng cảm của những tâm hồn.