Đôi bạn được Nhất Linh viết năm 1938 và hoàn thành vào năm 1939. Đây là thời điểm mà văn học lãng mạn đã thoái trào, nhường chỗ cho nền văn học hiện thực phê phán phát triển. Là một trong những cây bút nòng cốt cuả nhóm Tự Lực Văn đoàn, văn chương của Nhất Linh là sự pha trộn hài hoà giữa văn phong lãng mạn và những đề tài đậm màu sắc hiện thực và mang tính thời đại. Điều này thể hiện rất rõ qua tiểu thuyết Đôi bạn.
Nhân vật chính của tác phẩm là Dũng, một chàng trai xuất thân trong gia đình danh giá. Cha của anh là quan lại của chế độ phong kiến. Với bản tính nhân hậu, được học trường Tây và tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ, bác ái, bình đẳng của phương Tây, Dũng căm ghét sự bóc lột của chế độ phong kiến mục nát mà cha anh chính là đại diện.
Mặt khác, Dũng cảm thấy vừa thương, lại vừa giận những người nông dân trong xã hội cũ. Trong họ, sự trì trệ và tư tưởng nhược tiểu dường như đã ăn sâu bám rễ vào trong nếp nghĩ. Họ bị bóc lột, bị hành hạ, nhưng không dám phản kháng. Không những thế, những con người tội nghiệp ấy còn coi đó như diều tất yếu.
Đôi bạn không chỉ là bức tranh xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến những năm đầu thế kỷ qua góc nhìn của một người trẻ. Đó còn là hành trình đoạn tuyệt với cái cũ để đến với cái mới của tầng lớp thanh niên tiến bộ, mà tiêu biểu là Dũng.
Nếu như Dũng cứ nhất nhất sống theo ý muốn của cha mẹ để rồi bị sợi dây “huyết thống” và “gia đình” ràng buộc thì bản thân anh cũng không thể thay đổi. Càng nhiều con người bị níu giữ bởi những nếp nghĩ thủ cựu và cổ hủ như vậy sẽ khiến cả xã hội trở nên trì trệ và không thể tiến bộ.
Những tư tưởng tiến bộ của nhân vật Dũng còn được thể hiện trong tình yêu. Dù đã được gia đình mai mối với Khánh, một tiểu thư danh giá, nhưng anh vẫn một mực muốn theo đuổi Loan, người con gái đã khiến mình rung động. Tự do yêu đương, tự do mưu cầu hạnh phúc cá nhân cũng là một trong những tư tưởng mà Nhất Linh muốn đề đạt.
Tiểu thuyết Đôi bạn - ấn bản mới ra mắt, in theo ấn bản năm 1951 của Văn học Hương Anh, Paris. |
Nhưng cuối cùng, để đi theo tiếng gọi của lý tưởng và tự do với mong muốn tìm kiếm những cái mới, vượt thoát khỏi những tư duy cũ kĩ đã trói buộc mình bấy lâu nay Dũng đã ra đi bỏ Loan ở lại. Bởi trong hoàn cảnh hiện tại, dường như Dũng không tìm được chỗ đứng cho riêng mình. Dũng chán ngán với cuộc sống giàu có của gia đình dựa vào việc bóc lột người dân. Anh cũng không hòa nhập được với đời sống hoạt động của bạn bè, mặc dù thục tâm ủng hộ họ.
Sự ra đi không chỉ là hành động thể hiện tư duy tiến bộ của tầng lớp thanh niên thời đại mới. Nó còn thể hiện tính đột phá trong cách xây dựng nhân vật và cốt truyện của Nhất Linh. Nhân vật của ông coi trọng tình yêu nhưng không coi tình yêu là tất cả như những nhân vật trong dòng tiểu thuyết lãng những năm 1930.
Đọc Đôi bạn của Nhất Linh, nhiều đọc giả sẽ liên tưởng đến một tiểu thuyết khác cũng khá nổi tiếng của ông ra đời trước đó là Đoạn tuyệt (1934-1935). Có thể nói Đôi bạn là sự tiếp nối hoàn hảo của Đoạn tuyệt về mặt tư tưởng. Nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt hay nhân vật Dũng trong Đôi bạn đều đại diện cho tầng lớp thanh niên thế hệ mới với nhiều tư tưởng tiến bộ mang tính cách tân.
Ở cả hai tác phẩm nhà văn đều thể hiện một cách rõ nét sự “xung đột” tư duy cũ và tư duy mới và quyết tâm đứng về phía cá mới. Bản thân Nhất Linh cũng là cử nhân được đào tạo ở Pháp, được tiếp xúc nhiều với nền văn minh dân chủ phương Tây nên ông dùng văn chương để cổ vũ những cách tân tư tưởng quan trọng này.
Cuộc xung đột này không chỉ xảy ra trong thời điểm mà Nhất Linh đang sống mà dường như nó là vấn đề của mọi thời đại. Bởi vì thế, câu chuyện của cây bút Tự lực Văn đoàn dường như còn mới mẻ.
Nhất Linh (1906 - 1963) tên thật là Nguyễn Tường Tam, nhà văn, nhà báo, nhà chính trị nổi tiếng đầu thế kỉ 20. Ông từng nhận bằng cử nhân tại Pháp năm 1930. Cùng với Khái Hưng và hai người em trai là Hoàng Đạo và Thạch Lam, họ sáng lập ra nhóm Tự Lực văn đoàn. Đồng thời ông là chủ bút của hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Năm 1963, để phản đối chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm, ông đã quyên sinh bằng thuốc độc tại nhà riêng.