Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảm giác đau khổ phong nhã của nước Pháp thế kỷ 17

"Andromaque" là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất được sáng tác vào giai đoạn trưởng thành về phong cách rõ rệt của Racine.

 Với Andromaque, Racine đã bước ra khỏi những tàn dư của một thời bi kịch anh hùng, để đưa người đọc, người xem vào một trải nghiệm mới, hoàn tòa khác biệt, đó là bi kịch tâm lý đầy phong lưu, đẹp đẽ.

Những nhân vật trong kịch Andromaque đều chất chứa trong lòng nỗi say mê cuồng nhiệt với tình yêu, dù biết tình yêu gây ra bao đau đớn và tội lỗi, đặc biệt là vị vua trẻ tuổi Pyrrhus.

Tác phẩm được cấu trúc thành 5 hồi, xoay quanh 4 nhân vật chính, Andromaque, người vợ góa của đại tướng Hector và là tù nhân của Pyrrhus; Pyrrhus, con đại tướng Achille và là vua xứ Épire; Hermione, con gái nàng Helene và là người yêu của Pyrrhus, và chàng Oreste, con đại tướng Agamennon, vô cùng yêu nàng Hermione.

Chuyện kịch bắt đầu từ khi nàng Andromaque bị bắt làm tù nhân của Pyrrhus, và khiến Pyrrhus si mê. Pyrrhus tìm mọi cách để bảy tỏ tình yêu say đắm với nàng, quỳ gối dưới chân mong được lấy nàng làm vợ, nhưng Andromaque một lòng chung thủy với người chồng quá cố. Chỉ đến khi Pyrrhus dùng đứa con bé bóng của nàng để ép buộc thì nàng đành thuận lời mà ưng thuận làm vợ Pyrrhus, nhưng thâm tâm đã nung nấu ý định tự tử.

Trong khi đó, Hermione lại quá đỗi say đắm Pyrrhus. Khi biết tin Pyrrhus cưới Andromaque, vì quá nóng giận, nàng đã yêu cầu Oreste giết chết Pyrrhus. Để rồi khi Pyrrhus bị giết, nàng quá đau đớn mà tự vẫn bên thi thể của chàng.

Xung đột kịch xảy ra xung quanh mối quan hệ và câu chuyện tưởng như riêng tư của 4 nhân vật này. Để từ đó hình thành nên những bi kịch không thể tìm thấy lối thoát.

Andromaque anh 1
Tác phẩm kịch kinh điển Andromaque của Racine.

Trong vở kịch, kỳ thực nhân vật bi kịch nhất không phải Andromaque. Nàng chỉ là một nhân vật giả bi kịch, để từ ấy mà câu chuyện có chỗ nương vào để tiếp diễn. Nhân vật chính, bi kịch nhất chính là chàng Pyrrhus, một vị vua trẻ tài ba, lịch thiệp, giỏi giang, nhưng lại rơi vào vòng xoáy si mê với người đà bà bị xem là nô lệ của vương quốc.

Sự say mê ấy nung nấu ruột gan chàng, thôi thúc chàng tìm cách thỏa mãn, cố gắng tìm mọi cách để chiếm được tình yêu của Andromaque. Vì đắm đuối trong tình yêu với Andromaque mà chàng trở thành một kẻ hung bạo, quẫn trí, lại có phần khinh bạc, không giống như bản chất lịch thiệp, hào sảng của một vị vua trẻ tuổi mà chàng đã từng xây dựng.

Chàng dám chống lại cả vương triều tổ quốc Hy Lạp hùng mạnh, dám gạt bỏ hết lề thói, quy ước của vương triều, để rồi đến mức quên cảnh giác cả tính mạng, và cuối cùng tự chuốc lấy bi kịch cho bản thân. Nhưng ở trong bi kịch ấy, chàng lại trở nên cao cả, bất tử với cái mối si mê cuống đắm ấy của mình, bởi "kẻ đem lòng yêu vốn cao cả hơn kẻ được yêu, vì cái thần ẩn trong kẻ yêu người chứ không phải ở người được yêu".

Nỗi sầu khổ của chàng chính là điển hình cho lối suy tư của giới thượng lưu Pháp thế kỉ 17, chính là sự coi trọng tình cảm từ sâu thẳm tâm trí của con người, như một nhà văn lúc bấy giờ từng nói: “Cảm giác, ngay cả cảm giác khổ đau, là cuộc sống duy nhất đáng mơ ước”. Racine tạo được dấu ấn cho đến tận hôm nay bởi đã diễn tả một cách đầy đủ đẹp đẽ nhất cái cảm giác đau khổ vì si mê ấy, nó mãnh liệt như cảm giác được sống một đời sống phong nhã vô cùng. Chàng Pyrrhus là một nhân vật tâm lý điển hình, thể hiện được xung đột kịch gay gắt, chàng đã làm nhòa mờ đi hình ảnh của nàng Andromaque, mặc dù Andromaque được cho là nhân vật chính, là nữ anh hùng của vở kịch, với thắng lợi đạt được cuối cùng của câu chuyện.

Racine đã kế thừa được những tinh hoa của kịch Corneill khi xây dựng hình tượng anh hùng cao cả, nhưng Racine đã khiến cho kịch cổ điển đạt tới đỉnh cao hoàn hảo về nghệ thuật xây dựng mẫu nhân vật và sự phân tích những diễn biến, dằn vặt tâm lý tinh tế, sắc sảo. Chàng Pyrrhus chính là nhân vật điển hình thể hiện được đặc trưng kịch Racine. Ông cũng là người khám phá ra được những tâm hồn rất đẹp phía sau những bi kịch cùng cực.

Bản dịch tác phẩm ở Việt Nam do học giả Nguyễn Giang chuyển ngữ, với những chau chuốt cẩn trọng trong từ ngữ, với sự thông hiểu đầy say mê, bản dịch đã tạo được một bầu không khí xa xưa, cổ kính đầy phong nhã, rất phù hợp với bầu không khí mà Racine thực muốn truyền tải.

Jean Racine (1639 - 1699) là kịch tác gia nổi tiếng sân khấu Pháp thế kỷ 17. Với rất nhiều vở bi kịch xuất sắc, Racine cùng với Pierre Corneille được coi là hai nhà kịch tác gia cổ điển vĩ đại nhất nước Pháp. Andromaque là tác phẩm thứ ba của Racine nhưng được coi là tác phẩm thành công nhất của ông.  


Phong Linh

Bạn có thể quan tâm