Vào cuối những năm 1970, khi tôi đang tìm kiếm một công việc trong ngành báo, tờ Thời báo phố Wall đã thuê tôi phụ trách mảng thị trường kim loại đồng.
Công việc của tôi là theo dõi những nhà giao dịch mua bán đồng trên thị trường và sau đó viết báo cáo về những dao động hàng ngày. Đó là thời kỳ tỉ lệ lạm phát đang ở mức cao và giá đồng cũng nằm trong xu hướng đó. Dưới con mắt quan sát cẩn thận của một người chưa hề được đào tạo như tôi, tôi nhận thấy rằng giá đã tăng từ 80 xu lên 90 xu và cuối cùng là 1 đô-la/cân (1 cân Anh = 454g). Sau khi phát hiện ra những nguồn tin mới ngay lập tức tôi làm báo cáo rằng giá đồng tăng lên là do “có nhiều người mua hơn người bán”.
“Người mua nhiều hơn người bán!” vị sếp của tôi cười lớn. Ông luôn là một người hài hước và sắc sảo, ông luôn nhìn thấy sự hài hước trong mọi việc, đặc biệt là đối với một phóng viên mới như tôi. “Công việc của anh là cho chúng tôi biết tại sao lại có nhiều người bán hơn người mua.”
Đây dường như một lời khuyên thẳng thắn đã đưa tôi vào mê cung của những nhà giao dịch, trong đó mọi thứ hầu như chỉ dựa vào sự phỏng đoán nếu không muốn nói là do tưởng tượng. Một ngày kia, tôi được người ta nói cho biết rằng việc tăng giá (hay giảm giá) do những “nhà đầu tư” khởi xướng có thể suy đoán được xu hướng của tương lai.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Happy Live. |
Một ngày khác, sự thay đổi giá cả lại được gán cho những “nhà đầu cơ”. Đặc biệt hơn nữa, giá cả có thể biến động do những “nguyên nhân kỹ thuật”. Trong những trường hợp đó, người ta nói rằng cho dù nguyên nhân nào thì nó cũng không mấy quan trọng. Tuy nhiên, giá vẫn tăng lên?
Giá đồng vượt quá mức 1,5 đô-la và trong suốt quá trình tăng giá, nó không chịu ảnh hưởng gì từ những nguyên nhân như trên. Tôi biết rằng trong những phân tích của mình có cái gì đó không ổn, nhưng tôi không biết đó là yếu tố nào. Vấn đề ở đây là do thiếu sự chuẩn bị chu đáo. Tôi chưa được đọc cuốn Hồi ức của một thiên tài đầu tư chứng khoán của Ledwin Lefèvre, do đó tôi không biết cách viết như thế nào về các thị trường hàng hóa, thị trường chứng khoán hay bất cứ thị trường nào khác.
Nếu được đọc cuốn sách này, tôi đã có thể hiểu được rằng bảng tin có sức mạnh thuyết phục hơn bất kỳ lý lẽ hay những lời hứa hẹn, tuyên thệ nào. Bạn không thể tranh luận với bảng tin, bạn không phải giải thích về nó hay tìm cách phá hoại nó. Và tôi đã có thể đọc được đoạn văn như sau:
“Tất nhiên những sự dao động giá cả luôn có lý do của nó, nhưng bảng tin thì không quan tâm tới những lý do đó. Nó không đưa ra những lời giải thích. Tôi không bao giờ đặt ra câu hỏi với bảng tin khi tôi 14 tuổi và bây giờ khi tôi đã 40 tuổi, tôi cũng không bao giờ làm như vậy. Điều đó thì có ý nghĩa gì chứ?”
Tác giả của những dòng viết này, con trai của một sĩ quan quân đội, được đào tạo để trở thành một kỹ sư mỏ nhưng theo tiếng gọi của lòng đam mê, vào những năm 1890, ông đã chuyển sang viết về những thương vụ diễn ra tại phố Wall. Mặc dù thời đó cũng như bây giờ, công chúng luôn mong muốn khám phá những ẩn khuất diễn ra trong thị trường chứng khoán, nhưng vào giai đoạn đó thông tin còn rất hạn chế.
Lefèvre là một nhà văn kiêm nhà báo, luôn có sở trường trong việc nắm bắt những âm thanh, hình ảnh diễn ra ngay tại thị trường phố Wall. Năm 1922, ông tạo nên một cơn chấn động với câu chuyện được đăng nhiều kỳ về một nhà đầu cơ chứng khoán nổi tiếng – hay cũng có thể nói là đáng hổ thẹn – người đã tiết lộ những bí mật của công việc giao dịch cho độc giả của tờ báo The Saturday Evening Post. Câu chuyện của ông ta đã được xuất bản thành sách sau đó một năm.
Mặc dù Lefèvre viết cuốn sách này dưới ngôi thứ nhất, nhưng cuốn hồi ký được dựa trên một số cuộc phỏng vấn với nhà giao dịch mà ông gọi là Larry Livingston. Livingston không thực sự tồn tại; đó chỉ là một tên gọi khác của Jesse Livermore, một trong những nhà đầu cơ chứng khoán vĩ đại nhất mọi thời đại.
Livermore khởi đầu sự nghiệp vào cuối thế kỷ trước với một công việc có đồng lương còm cõi tại một công ty mua bán cổ phiếu chui, do những người chủ không thể tạo tài khoản tại các công ty môi giới tham gia vào những thương vụ quy mô nhỏ. Công ty này đã đuổi việc ông do một “sai phạm” là thường xuyên giành chiến thắng.
Đến cuối Thế chiến I, Livermore kiếm được và cũng đã mất hàng triệu đô-la, đồng thời bị cáo buộc là thủ phạm của tất cả các vụ khủng hoảng trên thị trường chứng khoán hay thị trường hàng hóa, mặc dù không phải không có lý do.
Mặc dù ông đóng vai trò hàng đầu trong vụ sụp đổ thị trường năm 1929, trước khi sự nghiệp của ông kết thúc quá sớm trong bi kịch, song cuốn hồi ký chỉ tiểu thuyết hóa những ký ức về thời kỳ đầu và cũng là những năm tháng thành công của Livermore. Bạn không nên đặt câu hỏi phần nào là thực, phần nào là hư cấu; Livermore chính là một trong những nhân vật độc đáo của nước Mỹ mà mỗi sự hư cấu (đặc biệt là dưới ngòi bút tài năng của Lefèvre) chỉ tăng thêm vẻ chân thật trong mỗi câu chuyện của ông.
Và như vậy chúng ta sẽ được theo dõi một lời tự thú về công việc của những nhà giao dịch trong giai đoạn trước khi Luật Chứng khoán Liên bang ra đời; về những người cung cấp tin nội bộ; về công việc vận động làm giá, những cố gắng không mệt mỏi của những vị giám đốc tìm cách thao túng cổ phiếu của chính họ và luôn được biết những thông tin quan trọng trước công chúng.
Bình luận