Năm tháng trước, Trung Quốc đại lục bất ngờ ra lệnh cấm nhập khẩu đối với mặt hàng dứa từ đảo Đài Loan. Động thái trên được cho là sẽ ảnh hưởng tới những nông dân trồng dứa trên đảo, nhưng dữ liệu thương mại cho thấy điều này có tác động ngược lại, theo South China Morning Post.
Số liệu nửa đầu năm 2021 từ Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan cho thấy người trồng dứa trên hòn đảo đã thu về doanh thu lớn hơn từ khi lệnh ngừng nhập khẩu của Trung Quốc đại lục có hiệu lực vào ngày 1/3. Nguyên nhân một phần là việc người tiêu dùng Nhật Bản đứng ra “giải cứu”.
Cánh đồng dứa ở Nam Đầu, Đài Loan. Ảnh: Bloomberg. |
Xuất khẩu dứa sang Nhật tăng hơn 8 lần
Từ tháng 3 tới tháng 6, xuất khẩu dứa Đài Loan sang Nhật Bản tăng hơn 8 lần so với một năm trước, đạt mức 16.556 tấn.
Sự giúp đỡ từ những nhà nhập khẩu Nhật Bản là một bất ngờ đáng hoan nghênh đối với nông dân trên đảo Đài Loan. Trước đó, những người này vẫn lo ngại giá bán sẽ giảm mạnh sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu dứa với lý do bảo vệ an ninh sinh học.
Dứa chỉ là một trong nhiều mặt hàng bị Trung Quốc nhắm tới để có được lợi thế trong tranh chấp thương mại, bên cạnh rượu, tôm hùm, và than từ Australia.
“Vết thương đã được cầm máu trước cả khi máu bắt đầu chảy”, Chen Li-i, một quan chức thuộc Hội đồng Nông nghiệp tại Đài Bắc, cho biết.
Quả dứa Đài Loan trở thành tâm điểm trong căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Ảnh: Bloomberg. |
Lúc này, Nhật Bản đã thay thế Trung Quốc để trở thành nhà nhập khẩu dứa lớn nhất của Đài Loan, nhưng mọi thứ có thể trở lại trạng thái cũ sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm. Hiện chưa rõ lệnh cấm nhập khẩu dứa sẽ được kéo dài trong bao lâu.
Trong lúc Bắc Kinh ngày một cứng rắn, Nhật Bản và chính quyền Đài Loan đã thể hiện mong muốn xây dựng quan hệ thân thiết hơn. Giới lãnh đạo ở Tokyo cho rằng an ninh Nhật Bản trực tiếp gắn liền với Đài Loan - hòn đảo mà Trung Quốc khẳng định là một phần lãnh thổ của mình.
Dứa là nguồn doanh thu quan trọng cho người nông dân tại vùng trung tâm và miền Nam đảo Đài Loan vì khoảng 11% lượng dứa được thu hoạch trên đảo được bán ra bên ngoài. Trước lệnh cấm, loại quả này chủ yếu được xuất sang Trung Quốc đại lục.
“Tình hình các đơn hàng xuất khẩu tốt đến không ngờ”, Chiao Chun, CEO của Harvest Consultancy Co. tại Đài Bắc. “Đây thật sự là nguy cơ biến thành cơ hội”.
Người tiêu dùng trên đảo góp công giải cứu
Bên cạnh sự giúp đỡ từ Nhật Bản, người trồng dứa tại Đài Loan cũng được người tiêu dùng trên đảo ủng hộ.
Nhu cầu đối với loại quả này tại Đài Loan đã tăng cao sau khi xuất hiện chiến dịch “giải cứu nông dân” trên mạng xã hội. Kể cả lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng lên tiếng kêu gọi một ngày sau khi lệnh cấm của Trung Quốc đại lục có hiệu lực.
Bà Thái Anh Văn kêu gọi người dân Đài Loan ăn nhiều dứa hơn. Ảnh: Facebook bà Thái Anh Văn. |
Không dừng lại ở đó, người nông dân Đài Loan còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cơ sở kinh doanh địa phương.
Các nhà hàng trên đảo đều gấp rút thêm vị ngọt của dứa vào đủ loại món ăn như tôm viên, cơm rang, và thậm chí là canh phở bò truyền thống. Cơ quan quản lý đường sắt Đài Loan cũng giới thiệu suất cơm trưa đặc biệt ăn kèm dứa.
Vì những lý do trên, giá dứa trên đảo tăng 28%, đạt mức 0,8 USD/kg trong giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 6. Đây là con số cao nhất trong vòng 3 năm qua. Đồng thời, tổng doanh thu dứa trên đảo tăng 17%, theo dữ liệu do bà Chen thuộc Hội đồng Nông nghiệp cung cấp.
“Nhu cầu trên đảo tăng mạnh đã đẩy giá dứa lên cao và giúp người nông dân thu lợi nhuận nhiều hơn”, bà Chen nói.
Đài Loan cần xem xét lại thị trường xuất khẩu dứa, theo Yong Fu-fan, một người trồng dứa ở Đài Nam.
“Nông dân không thể mong kiếm được đồng tiền dễ dàng từ Trung Quốc được nữa”, ông Yong nói.