Giải Ngoại hạng Anh mùa giải năm nay được đánh giá là gay cấn và hấp dẫn nhất trong vài năm trở lại đây. Ở cuộc đua trụ hạng, mới chỉ cách đây vài vòng, có đến 10 đội bóng được điểm mặt chỉ tên, tạo ra một tình thế cực kỳ khó lường. Giờ thì mọi chuyện cũng đã đi vào hồi kết. Nếu ta để ý, cuộc đua này, cũng có những câu chuyện và những bài học thú vị.
Cardiff City và Fulham phải chia tay Premier League trong mùa giải tới
Solskjear không thể giúp Cadiff tránh khỏi rớt hạng. Ảnh: Mirror |
Cardiff City – đội vừa mới góp mặt ở Ngoại hạng Anh mùa này, và Fulham – đội bóng đã góp mặt được 13 năm, sau những trận thua với cách biệt ba bàn ở vòng đấu vừa rồi lần lượt trước Newcastle và Stoke City đã phải chính thức nói lời chia tay với giải đấu cao nhất nước Anh.
Ngay từ đầu mùa bóng, cả hai đội này đều thi đấu không ổn định và đã phải thay tướng từ rất sớm. Nhưng câu “thay tướng đổi vận” đã không được ứng nghiệm, vì thế kết quả thi đấu đã không khá hơn được.
Cardiff City đã sa thải HLV Malky Mackay, rồi sau đó vào tháng 01/2014, đặt cược vận mệnh đội bóng vào tay cựu tiền đạo MU là Solskjaer. Đó là một sai lầm. Vì Solskjaer còn quá thiếu kinh nghiệm. Không hiểu sao, họ lại không học được bài học từ Newcastle mấy mùa trước, cũng bổ nhiệm một Alan Shearer thiếu kinh nghiệm, để rồi đội bóng cũng phải rớt hạng. Premier League không phải là nơi một HLV non kinh nghiệm có thể trổ tài tát nước cứu thuyền.
Fulham thì sa thải HLV Martin Jol, rồi trải qua nhiều sự kiện, tháng 02/2014 đặt niềm tin vào Felix Magath. HLV đến từ Đức này là người có tài. Dù vậy, ông cũng không thành công trong việc cứu Fulham. Dù không phải mọi thất bại đều đổ tại HLV, nhưng đặt niềm tin vào ông cũng là một sai lầm. Magath đến từ một nền bóng đá khác, và không dễ dàng để nhanh chóng thích nghi, nhất là khi ông lại không có thời gian làm quen. Bài học HLV Juande Ramos từng thành công ở Sevilla thế nào, sau đó thất bại tại Tottenham ra sao, xem ra Ban lãnh đạo Fulham đã không chú ý.
Tony Pulis giải thoát Crystal Palace
Tony Pullis, sự lựa chọn đúng đắn của Palace. Ảnh: Mirror |
Trong khi Cardiff City và Fulham thất bại khi thay HLV giữa dòng, thì Crystal Palace cũng làm như vậy nhưng lại thành công rực rỡ. Đây là một bài học về khả năng dùng người trong cuộc sống.
HLV đã giúp Crystal Palace thăng lên Premier League năm nay là Ian Holloway. Phải khẳng định rằng Holloway là một HLV giỏi. Ông nổi tiếng với phong cách chơi tấn công vô tư đầy cống hiến. Những ai theo dõi Ngoại hạng Anh mùa 2010 – 2011 hẳn cũng biết đến Blackpool, một đội bóng cũng đã thăng hạng nhờ vào Holloway. Blackpool mùa đó chơi đẹp mắt, tấn công hồn nhiên, ghi nhiều bàn thắng ấn tượng.
Một đội bóng nhỏ bé, phải chiến đấu để trụ hạng, vậy mà lại luôn lấy tấn công làm tôn chỉ, trở thành của hiếm trong bóng đá. Khán giả thích thú, trầm trồ, ngưỡng mộ. Nhưng cuộc sống vốn nghiệt ngã, Premier League đâu có chỗ cho những đội bóng thực lực yếu đua đòi cất tiếng ca tấn công. Ngay cả những kẻ mạnh, như Chelsea, còn chơi phản công, vì thế chơi như Blackpool, nói nhẹ nhàng là quá dũng cảm, còn nói thẳng thắn là quá liều lĩnh. Năm đó họ đã thất bại và phải xuống hạng.
Với Ian Holloway, Palace đã khởi đầu mùa giải 2013/2014 rất tệ với chỉ 3 điểm sau 8 trận đầu tiên. Ban lãnh đạo Crystal Palace không muốn bi kịch Blackpool tái diễn, nên Holloway đã chia tay Palace bằng một “thỏa thuận đôi bên”. Dù có hơi tàn nhẫn, nhưng đó là một quyết định chính xác. Cùng lúc, Tony Pulis lại đang rảnh rỗi, vậy là Palace đã nhanh tay chộp về.
Có Tony Pulis, Crystal Palace dần thi đấu khởi sắc. Triết lí bóng đá nổi tiếng của Pulis luôn là phòng ngự phản công. Ông thường lựa chọn lối chơi bóng dài, đơn giản nhưng cần sự tập trung cao và kỷ luật. Điều đó phù hợp với các đội bóng nhỏ như Palace. Đội bóng bắt đầu trở nên một đối thủ rất khó chịu, giống Stoke City ngày xưa. Gần đây nhất Palace đã gây được tiếng vang khi có chuỗi 5 trận thắng liên tiếp lần đầu tiên ở Ngoại hạng Anh. Với kết quả như thế, lẽ dĩ nhiên họ đã thoát khỏi nhóm đua trụ hạng, thậm chí còn đang hy vọng vào một vị trí trong Top 10. Còn Pulis, ông trở thành một ứng viên nặng ký cho danh hiệu HLV xuất sắc nhất mùa giải.
Tại Championship, Palace có lực lượng không thua kém, dùng Holloway, chơi tấn công để giành điểm thăng hạng; còn tại Premier League, lực lượng yếu hơn, chọn Pulis, chơi chắc chắn. Bài học về sự thành công của Crystal Palace rất đơn giản: Khi hoàn cảnh thay đổi, ta cũng phải thay đổi.
Sunderland đã trụ hạng
Giải Ngoại hạng Anh vẫn hay có những cuộc đào thoát ngoạn mục của những đội bóng tưởng như sắp rớt hạng đến nơi thì bỗng vùng dậy mạnh mẽ bằng cách thắng một loạt những “ông lớn” để rồi thoát hiểm giờ chót ngoạn mục.
Phép màu đã xảy ra. Ảnh: Dailymail |
Đó là Westham của mùa giải 07/08, là Wigan mùa 09/10.
Và năm nay, đến lượt Sunderland. Họ liên tục đứng chót BXH. Mèo đen còn có loạt 8 trận liên tiếp không thắng (7 trận thua) trước đó và khoảng cách với nhóm an toàn là 6 điểm khi chỉ còn vài vòng đấu nữa là hết mùa giải. Vậy mà chẳng ai ngờ, họ có liền 13 điểm sau năm trận đấu gần nhất, trong đó có trận hòa Man City ngay tại Etihad và hai chiến thắng cũng trên sân khách trước Chelsea và MU. Đáng chú ý, tính trong giải Ngoại hạng, họ là đội đầu tiên và duy nhất đến lúc này đã đánh bại Chelsea của Mourinho trên sân nhà.
Đúng như tấm banner đơn sơ của CĐV Sunderland trên sân Stampord Bridge đã viết: “Phép màu xảy ra, Gus” (Miracles happen, Gus), đấy đích thực là điều kỳ diệu. Phép màu không phải tự nhiên mà có. Nó chỉ xảy ra khi HLV Gus Poyet và các cầu thủ Sunderland không buông xuôi, mà nỗ lực hết mình trong từng trận đấu. Như một câu chuyện trong Kinh Thánh, khi Đức Jesus nhận được những chiếc bánh từ một đứa trẻ, ngài mới làm phép hóa bánh ra nhiều. Tương tự như vậy, Mèo đen cũng đã nỗ lực hết mình, cho nên phép màu mới xảy ra.
Sunderland đã trụ hạng khi họ hơn Norwich 5 điểm và trong khi chỉ còn một vòng đấu nữa.
Còn Norwich, tuy chưa chính thức rớt hạng, nhưng họ nên chuẩn bị cho mùa giải mới ngay từ bây giờ vì khoảng cách ba điểm với West Brom cộng với hiệu số quá chênh lệch gần như là không thể san lấp.