Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đua căng thẳng tranh suất đại sứ Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu cân nhắc danh sách ứng viên cho các vị trí đại sứ. Vai trò này trở nên quan trọng sau khi vị thế nước Mỹ bị cho là suy giảm dưới thời ông Trump.

So với người tiền nhiệm, ông Biden nhiều khả năng sẽ chọn các nhà ngoại giao và hạn chế những "bổ nhiệm chính trị" (những người có mối liên hệ thân thiết, hoặc đóng góp nhiều cho chiến dịch tranh cử) cho các vị trí đại sứ Mỹ trên thế giới; qua đó gửi thông điệp tới giới chuyên môn ngoại giao rằng họ đang được coi trọng trở lại, theo New York Times.

Vì vậy, hàng trăm nhà tài trợ tiền cho ông Biden cũng như các cựu nghị sĩ có quan hệ tốt với đương kim tổng thống đang vận động, cạnh tranh cho khoảng 35 vị trí đại sứ đang cần bổ nhiệm. Đây cũng là cuộc vận động, tranh đấu giữa những người làm chính trị và các nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Chọn người làm chính trị hay làm ngoại giao?

Vị trí quan trọng lúc này là chức đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nhất là sau cuộc họp căng thẳng ở Anchorage, bang Alaska giữa các nhà ngoại giao của hai nước hồi cuối tuần qua. Cuộc gặp mở đầu bằng căng thẳng và kết thúc mà không có đột phá nào, báo hiệu những khó khăn tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Trung.

Những người biết về quá trình lựa chọn đại sứ nói rằng Tổng thống Biden muốn một nhân vật chính trị “có thể chiến đấu”, tức ai đó từng phải tranh cử và được người dân bầu vào chức vụ. Một người như vậy có thể gửi thông điệp khác so với một nhà ngoại giao chính gốc.

Rahm Emanuel, cựu thị trưởng thành phố Chicago và cũng là cựu chánh văn phòng Nhà Trắng thời Obama, đang vận động để giành lấy vị trí đại sứ ở Trung Quốc, sau khi không được bổ nhiệm làm bộ trưởng Giao thông. Ông Emanuel thân cận với ông Biden và các quan chức cao cấp khác ở Nhà Trắng.

dai su my anh 1

Rahm Emanuel, cựu thị trưởng thành phố Chicago và cựu chánh văn phòng Nhà Trắng trong thời Obama, đang được cân nhắc làm đại sứ tại Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Nhưng giới ngoại giao đang ủng hộ ông R. Nicholas Burns, một nhà ngoại giao lâu năm, từng là đại sứ Mỹ ở NATO, cho vị trí đại sứ Mỹ ở Trung Quốc. Họ cho rằng vị trí này cần một nhà ngoại giao chuyên nghiệp thay vì một người giỏi về tính toán chính trị.

Ông Biden chưa nhận được danh sách đầy đủ về các đề cử cho vị trí đại sứ. Nhưng ông đã xem tên một số người, và dự định tham gia sâu vào quá trình chọn đại sứ. Cách làm này không giống với cựu Tổng thống Barack Obama, người vốn để việc tuyển chọn cho các cố vấn.

“Ông Biden tham gia sâu vào chính sách đối ngoại trong phần lớn sự nghiệp”, David Axelrod, cựu cố vấn cao cấp của ông Obama, nói với New York Times. “Ông dành nhiều thời gian với các đại sứ, nên việc lựa chọn lần này có ý nghĩa với ông”.

Chính quyền Biden sẽ công bố danh sách bổ nhiệm đầu tiên vào giữa tháng 4. Đợt này sẽ bao gồm một số vị trí có ảnh hưởng như đại sứ ở NATO hay ở Liên minh châu Âu (EU), cũng như tại một số nước quan trọng. Cho đến nay, chính quyền Biden mới bổ nhiệm đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc.

Như vậy, ông Biden sẽ chậm hơn ông Obama ít nhất một tháng trong việc bổ nhiệm đại sứ.

Nhưng người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Donald Trump còn để trống một số vị trí đại sứ trong toàn bộ nhiệm kỳ, chẳng hạn đại sứ Mỹ tại Singapore, hoặc đại sứ Mỹ tại ASEAN.

Đại sứ càng quan trọng sau thời Trump

Các nghị sĩ Dân chủ cho rằng việc ông Trump làm tổn hại vị thế nước Mỹ trên trường quốc tế trong bốn năm qua càng khiến vai trò các đại sứ trở nên quan trọng hơn.

“Khó có thể cân đo đong đếm mức độ tổn hại mà ông Trump gây ra, khi luôn bổ nhiệm các đồng minh chính trị mà năng lực chưa được kiểm chứng, không đủ kinh nghiệm, không đủ khả năng vào một số vị trí an ninh quốc gia quan trọng nhất trong chính phủ”, Thượng nghị sĩ Bob Menendez của bang New Jersey, cũng là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết.

dai su my anh 2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc gặp căng thẳng với các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày 18/3. Ảnh: Pool.

Ông Biden có mạng lưới nhà tài trợ nhỏ hơn so với nhiều chính khách khác, khiến việc chọn lựa các đại sứ bớt phức tạp hơn so với bà Hillary Clinton - nếu bà đắc cử năm 2016. Bà Clinton có quan hệ thân cận với nhiều nhà tài trợ đã đồng hành với sự nghiệp chính trị của bà và chồng.

Mặt khác, ông Biden lại có mạng lưới quan hệ chính trị “khổng lồ”, theo New York Times. Điều này khiến các vị trí đại sứ lại trở nên cạnh tranh.

“Không ít nhân vật chính trị dày dạn kinh nghiệm và quan hệ tốt với tổng thống cùng các quan chức cao cấp. Nhưng lại có các nhân vật thậm chí còn chẳng biết đến đất nước mà họ được bổ nhiệm trên bản đồ - đó là nhóm có vấn đề”, Richard Fontaine, giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nói với New York Times.

Trong thế giới hậu Trump, việc bổ nhiệm các đại diện cho tổng thống Mỹ ngày càng quan trọng.

“Nhiều câu hỏi trên khắp thế giới về hướng đi của nước Mỹ”, ông Fontaine nói, và chỉ ra rằng các đại sứ là người sẽ phải giải thích với thế giới liệu các chính sách thời Trump sẽ giữ nguyên hay thay đổi.

“Dù người ta nghĩ gì về nước Mỹ trong bốn năm qua, họ sẽ thắc mắc bao nhiêu phần là của ông Trump gây ra, bao nhiêu phần là bản chất của nước Mỹ”, ông Fontaine nói. “Đó là những điều mà các đại sứ sẽ phải trả lời”.

Quan chức Trung Quốc tức giận vì bị 'đánh úp' ở hội đàm với Mỹ?

Phát biểu mở đầu của hai bên lâu hơn thường lệ khi kéo dài tới gần một tiếng. Trước các máy quay, phía Mỹ hôm 18/3 nêu lên loạt vấn đề nóng trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.

Chuyến đi chuẩn bị của ngoại trưởng Mỹ cho cuộc gặp với Trung Quốc?

Hội đàm Bộ Tứ và chuyến thăm cấp bộ trưởng tới Nhật - Hàn là màn dạo đầu đầy ẩn ý trước khi Ngoại trưởng Antony Blinken gặp mặt các quan chức đối ngoại cấp cao của Trung Quốc.

Trọng Thuấn

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm