Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đời võ sĩ huyền thoại từ chối tham chiến tại Việt Nam

Võ sĩ quyền anh Muhammad Ali bị kết án 5 năm tù, tước danh hiệu, cấm thi đấu trong 3 năm và phải bồi thường 10.000 USD vì quyết định không chiến đấu tại Việt Nam 49 năm trước.

Tay đấm cừ khôi
Ảnh:
Võ sĩ quyền anh Muhammad Ali. Ảnh: Wikipedia

Muhammad Ali (tên khai sinh là Cassius Marcellus Clay) sinh ngày 17/1/1942 tại thành phố Louisville, bang Kentucky (Mỹ). Ali bắt đầu tập luyện quyền anh từ năm 12 tuổi. Trước khi trở thành một vận động viên chuyên nghiệp, Clay thi đấu các giải nghiệp dư và đạt nhiều thành tích đáng nể.

Ngày 29/10/1960, ông giành danh hiệu chuyên nghiệp đầu tiên khi hạ Tunney Hunsaker, cảnh sát trưởng của Fayetteville, phía tây Virginia, trong 6 hiệp. 

Tháng 2/1964, Clay đoạt danh hiệu nhà vô địch quyền anh hạng nặng thế giới từ tay Sonny Liston. Ông chiến thắng thuyết phục khi tung các động tác giả và cú đấm liên hoàn nhằm hạ gục đối thủ.

Cũng trong năm đó, Clay tuyên bố, ông theo đạo Hồi và có tên gọi khác là Muhammad Ali. Sự kiện này đã nhận nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng.

Kiên quyết không tham chiến tại Việt Nam

Ảnh:
Muhammad Ali chạm trán võ sĩ Brian London của Anh ngày 6/8/1966, chỉ vài ngày trước khi ông viết thư lý giải nguyên nhân không tham chiến tại Việt Nam. Ảnh: Daily Mail

Không chỉ là một vận động viên quyền anh tài năng, Ali còn là nhà hoạt động từ thiện và một biểu tượng văn hóa.

Năm 1966, khi Ali đang là đương kim vô địch quyền anh hạng nặng nổi tiếng thế giới, ông nhận lệnh thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam, theo BBC. Tuy nhiên, võ sĩ 24 tuổi đã từ chối nhập ngũ với lý do tín ngưỡng. Trước đó, Ali thoát lần gọi nhập ngũ đầu tiên vào năm 1964 do kỹ năng phát âm và viết kém.

Khi các cuộc biểu tình chống chiến tranh vẫn chưa lan rộng, Ali đã sử dụng cụm từ “Chiến tranh Việt Nam” để tỏ rõ sự phản đối.

“Tôi không gây hấn với người Việt Nam. Tại sao tôi phải đi 10.000 dặm để thả bom lên đầu người Việt vô tội trong khi những người da đen ở Louisville vẫn bị đối xử tệ bạc và không thể nhận quyền con người cơ bản?”, Ali tuyên bố trước lời yêu cầu nhập ngũ lần thứ hai.

Ngày 8/5/1967, ông bị giải tới tòa án. Hơn một tháng sau đó, Ali bị kết án 5 năm tù, tước danh hiệu, cấm thi đấu quyền anh trong 3 năm và phải bồi thường 10.000 USD vì không tham chiến tại Việt Nam.

Trước khi bị bắt, ngày 23/8/1966, Ali viết một lá thư gửi tới Tướng Lewis B. Hershey và Đại tá Everette S. Stevenson, những người đứng đầu chương trình tuyển binh cho quân đội Mỹ lúc đó. Trong thư, Ali giữ lập trường khi cho rằng, ông không tham gia chiến đấu tại Việt Nam vì tín ngưỡng tôn giáo không cho phép ông làm điều đó.

Ngoài lá thư, Ali gửi kèm 36 trang tài liệu làm bằng chứng cho tuyên bố của ông.

Đấu giá bức thư gần nửa thế kỷ trước

Ảnh:
Bức thư của võ sĩ Ali được rao bán với giá 35.000 bảng Anh. Ảnh:Daily Mail

Ngày 26/10/1970, Ali trở lại võ đài với chiến thắng trước Jerry Quarry. Ngày 8/3/1971, Ali chạm trán nhà vô địch quyền anh Joe Frazier trong “trận đấu thế kỷ”. Tuy nhiên, ông đã thất bại trước đối thủ sau hiệp thứ 15.

Trận đấu kinh điển đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi chiến thắng liên tục trong sự nghiệp quyền anh của Ali. Niềm an ủi duy nhất của ông vào thời điểm đó là việc Tòa án tối cao Mỹ chính thức phán quyết xóa mọi cáo buộc đối với võ sĩ.

Theo Daily Mail, cuối tháng 2/2015, lá thư dài 6 trang mà Ali viết 49 năm trước được đấu giá với mức 35.000 bảng Anh (52.000 USD).

Trước đó, người ta trưng bày lá thư ở Viện bảo tàng Muhammad Ali ở thành phố Louisville, bang Kentucky. Một nhà sưu tầm tư nhân từng mua bức thư này hồi năm 1997. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là tài liệu quan trọng liên quan tới cựu võ sĩ quyền anh tài năng.

Hiện tại, ở tuổi 73, cựu võ sĩ đối mặt với căn bệnh Parkinson được phát hiện sau khi ông giải nghệ vào năm 1981, với thành tích 56 trận thắng và 5 trận thua.

Người Mỹ đi tìm những đứa trẻ trong ảnh chiến tranh Việt Nam

Nửa thế kỷ sau khi xem ảnh những đứa trẻ đi sơ tán vì chiến tranh, em trai một lính Mỹ tử trận luôn đau đáu về số phận họ và quyết lên đường sang Việt Nam tìm kiếm.

Ảnh chiến tranh VN: Cuộc đoàn tụ của những người chưa gặp

Đau đáu về số phận những đứa trẻ trong ảnh chiến tranh Việt Nam, một người Mỹ mất anh ruột vì chiến trận đã vượt nửa vòng trái đất để tìm những người mà ông không quen biết.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm