Ông Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1946, là một người mê nhạc vàng, có giọng ca trữ tình đúng chất dòng nhạc này nên nhiều khán giả và anh em văn nghệ sĩ gọi ông là Lộc Vàng.
Nhưng năm 1968, nhóm nhạc của ông bị bắt. Cho tới năm 1976, ông được trả tự do. Nay, ở tuổi 72, ông Lộc Vàng có một quán café nhỏ ven Hồ Tây, mục đích mở quán để giữ gìn và truyền bá tình yêu với dòng nhạc vàng tới giới trẻ.
Hồi ký Cung đàn số phận của ông Lộc Vàng. |
Cuộc đời đi tù vì nhạc vàng của ông Lộc Vàng được kể trong cuốn hồi ký mới phát hành có tên Cung đàn số phận. Sách cho biết ông lớn lên trong một gia đình yêu nghệ thuật, âm nhạc ngấm vào máu ông từ những bài ca của người bố.
Sống trong cảnh nghèo khó, phải làm nhiều nghề mưu sinh, nhưng tình yêu nhạc vàng vẫn được nuôi dưỡng trong ông. Mỗi đêm, ông cùng những người bạn của mình cùng nhau đàn hát những bản nhạc lãng mạn với lời ca, tiếng hát của tình yêu, thân phận con người.
Nhưng thời điểm ấy, dòng nhạc mà ông Lộc yêu thích lại bị nhiều người lên án, cho rằng đó là những bản nhạc ủy mị, làm mòn lòng, mòn ý chí của thanh niên, là tiếng lòng của những kẻ yếu mềm…
Âm nhạc quyết định số phận ông Lộc. Cho đến tận hôm nay, đi qua vụ án chấn động, trải qua thăng trầm, ông vẫn giữ nguyên tình yêu, vẫn để cho tình yêu ấy cất lời từ một góc quán nhỏ ven Hồ Tây.
Kể lại cuộc đời mình, ông Lộc Vàng dường như không muốn nói về bi kịch. Vượt lên tất cả, nỗi niềm, tình yêu của ông Lộc với âm nhạc được thể hiện trong cuốn sách. Cung đàn số phận chứa đựng nét đẹp tâm hồn một con người của một thời với những tâm hồn lãng mạn.
Hồi ký ông Lộc Vàng không chỉ kể cuộc đời một con người, mà còn cho thấy một giai đoạn xã hội đã qua. Số phận ông phản chiếu tư duy, cách nhìn thời cuộc khi ấy, nay đã đổi thay, hội nhập.