Khi còn nhỏ, nhiều người trong chúng ta hay phải nhận những cái chau mày hay vài câu càu nhàu, thậm chí là mắng mỏ của bố mẹ khi về nhà với chiếc áo lấm lem đầy mực, giày bị rách hay bài kiểm tra đạt điểm thấp. Từ lâu, nhiều bậc cha mẹ đã cho rằng: những đứa trẻ phải học thật giỏi, chăm ngoan, lễ phép thì mới có một tương lai tốt đẹp.
Chính vì “khuôn mẫu hoàn hảo” nên nhiều bậc phụ huynh luôn khó chịu khi con cái mình mắc sai lầm, hay thất bại. Dù cho đó là chỉ là những lỗi lầm nho nhỏ như một bài kiểm tra đạt điểm kém.
Liệu những thất bại có thực sự chỉ kéo bọn trẻ xuống vũng lầy? Tại sao người xưa lại cho rằng: “Thất bại là mẹ thành công”. Theo diễn giả nổi tiếng về phát triển kĩ năng giao tiếp và năng lực con người của Nhật Bản Kishi Hidemitsu thì thất bại mới chính là “người thầy” mà con trẻ cần phải học hỏi. Ông đã chia sẻ điều này cùng các bậc phụ huynh qua cuốn sách Giúp con trưởng thành từ thất bại.
Mở đầu cuốn sách, Kishi Hidemitsu đã chỉ ra cho bạn đọc thấy, những điểm lợi mà thất bại có thể đem lại cho con trẻ trong quá trình trưởng thành mà lâu nay chúng ta đã bỏ qua.
Qua quá trình tiếp xúc với nhiều thanh niên, người trẻ tuổi mới đi làm tác giả thấy rằng ngày nay có rất nhiều người trẻ thụ động do sợ thất bại. Họ không dám đưa ra những ý tưởng mới vì sợ nó sẽ không khả thi, sợ bị cấp trên khiển trách, họ chỉ làm những công việc quen thuộc được giao vì cảm thấy yên tâm với chúng hơn.
Sách Giúp con trưởng thành từ thất bại. |
Tâm lý này được nảy sinh từ đại bộ phận những đứa trẻ hoàn hảo, ít gặp phải thất bại trong quá khứ. Ông cũng đưa ra so sánh về một “Nhật Bản hà khắc với thất bại” và một “Thung lũng Silicon chấp nhận thất bại” để thấy chấp nhận thất bại chúng ta mới có thể có được những sáng tạo mới, đóng vai trò tiên phong.
Theo Kishi Hidemitsu, ngày nay những nhân lực dám đương đầu với thử thách ngày càng được coi trọng. Để có bản lĩnh đương đầu với thử thách khi trưởng thành, cần phải cho trẻ đương đầu với những thất bại ngay từ khi còn nhỏ.Điều đó, giống như một cách luyện tập để con người ta cứng rắn và bản lĩnh hơn.
Tác giả cho rằng, sự chăm sóc thái quá của cha mẹ, vì lo sợ con làm sai, sợ con thất bại là một phương pháp giáo dục sai lầm. Quá bảo bọc con là đánh mất cơ hội trưởng thành của trẻ. Không có những thất bại trẻ sẽ không ý thức được tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm. Giống như việc ngày nào cũng được bố mẹ đánh thức, trẻ sẽ không ý thức được việc tự dậy sớm để đi học đúng giờ là việc của chính bản thân mình chứ không phải của cha mẹ.
Việc đương đầu với thất bại còn giúp trẻ tích lũy “năng lượng phục hồi” lấy lại sự tự tin, bản lĩnh sau mỗi lần phạm sai lầm hay không đạt kết quả như mong muốn. Con người ai rồi cũng phải đương đầu với sai lầm và những khó khăn, người thành công là người có lòng tin vào bản thân và vượt qua những chướng ngại vật đó. Người thầy tốt nhất dạy cho ta điều này chính là “thất bại” chứ không phải “thành công”.
Không chỉ có vậy, cha mẹ cũng cần phải nói cho trẻ hiểu: “thất bại không hề xấu” và giúp con rút ra được những bài học kinh nghiệm sau mỗi thất bại dù lớn hay nhỏ. Nếm trải thất bại cũng sẽ dạy con trẻ biết cảm thông với người khác để chúng trở thành một con người khoan dung, thấu tình đạt lý trong tương lai.
Hy vọng Giúp con trưởng thành từ thất bại sẽ là cuốn cẩm nang hữu ích của nhiều bậc cha mẹ. Để các bậc phụ huynh có thể nhận ra những thiếu sót của mình và điều chỉnh trong quá trình dạy dỗ con trẻ. Có như vậy chúng ta mới trở thành người bạn lớn của con, cùng trẻ trải qua những khoảnh khắc đẹp trên con đường dài mang tên trưởng thành.