Karl Lagerfeld cùng người mẫu trình diễn bộ sưu tập Xuân Hè 2015/16 tại Tuần lễ thời trang Paris. Ảnh: Reuters. |
Sau khi xem lại các dấu mốc trong cả cuộc đời sự nghiệp của Karl Lagerfeld, nhà báo William Middleton (tác giả cuốn tiểu sử Paradise Now) nhận thấy "ông hoàng Chanel" chưa hề có một sản phẩm nào tạo nên được thương hiệu của mình. Trong khi đó, đối thủ lâu năm của ông là Yves Saint Laurent đã được làng mốt ghi dấu với chiếc áo khoác safari và váy Mondarian. Thực tế, Lagerfeld được nhớ đến bởi quyết định mang tính bước ngoặt khi tiếp quản thương hiệu Chanel và bí quyết giảm cân của ông.
Nhiều năm trước khi các loại thuốc chữa trị tiểu đường có tác dụng giảm cân Ozempic khiến giới thượng lưu lao vào đốt tiền, Karl Lagerfeld đã có thể tự giảm 42 kg trong vòng 13 tháng. Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt chỉ gồm cá, thịt lườn, sữa tách béo, rau củ. Ông hoàn toàn không ăn phô mai, bánh mì, pasta hay bất cứ thứ gì người ta thường thấy tại các siêu thị của châu Âu. Phương pháp này được ông gọi là Spoonlight Program.
"Không gì lay chuyển được kỷ luật của Lagerfeld khi ông ấy đang thực hiện quá trình giảm cân", Fran Lebowitz trả lời William Middleton trong cuốn sách Paradise Now.
Lý do thực sự thôi thúc Lagerfeld giảm cân là để mặc vừa bộ vest của Hedi Slimane, người từng làm việc cho Saint Laurent. Tuy nhiên, bộ đồ đó chỉ dành cho những chàng trai có thân hình mảnh dẻ còn Lagerfeld phải giảm tới 36 kg mới có thể mặc vừa. Do đó, ông bằng mọi giá phải thay đổi cơ thể mình sao cho phù hợp với bộ đồ.
Ngoài câu chuyện giảm cân, Lagerfeld còn được làng mốt mệnh danh là "ông hoàng Chanel" bởi sự tiếp quản hiệu quả của ông khi nhãn hàng này đang ở trên bờ vực sụp đổ. Trong tất cả nhân vật William Middleton phỏng vấn, ai cũng nhấn mạnh về quá trình hồi sinh của Chanel dưới bàn tay phép màu của Lagerfeld trong khoảng từ năm 1983 đến cuối những năm 1990. Bên cạnh đó, năm 2004, bộ sưu tập của Karl Lagerfeld làm cho H&M đã khiến nhiều người phát cuồng đến mức cắn nhau để mua được chiếc áo chất liệu cashmere.
Lagerfeld được các nhân viên yêu quý. Ông tiến hành công việc kinh doanh hiệu quả như một cỗ máy. Tuy nhiên, tác giả của Paradise Now cho rằng: "Thói quen xấu duy nhất của ông ấy, có lẽ là sự chậm trễ".
Karl Lagerfeld không sở hữu một phong cách nào quen thuộc vì vậy ông có thể dễ dàng xây dựng và đổi mới hình ảnh của Chanel qua từng thời kỳ. Khi ngành công nghiệp đang khao khát những nhân vật táo bạo, vĩ đại hơn ngoài đời thực, câu chuyện về Lagerfeld lại có những nét giản dị, đời thường như bao cậu bé nuôi dưỡng ước mơ nghệ thuật mỗi ngày.
Lagerfeld sinh ra ở Hamburg. Cha ông làm ăn phát đạt nhờ kinh doanh sữa cô đặc. Mẹ ông là một người nghiêm khắc và có khuynh hướng ủng hộ nữ quyền. Suốt thời thơ ấu, Lagerfeld luôn được mẹ dạy về tầm quan trọng của ngôn ngữ và văn học. Ông sớm được tiếp xúc với các tác phẩm của Goethe, Eduard von Keyserling và Bá tước Harry Graf Kessler. Lagerfeld có thể đã thay đổi năm sinh của mình từ 1933 thành 1938 không phải để làm màu mà ông mong muốn tách mình ra khỏi thời kỳ Hitler trỗi dậy.
Sau nhiều bài báo, cuốn sách Paradise Now lần nữa nhắc về cuộc chiến giữa Lagerfeld và Yves Saint Laurent. Không chỉ trên khía cạnh sự nghiệp, tác giả còn đề cập lại những mối tình của họ, Jacques de Bascher. Tuy nhiên, đây chỉ là một chấm nhỏ trong suốt cuộc đời cô độc của ông. William Middleton cũng dành một phần riêng để nói về con mèo của Lagerfeld, Choupette.
Cuốn sách Paradise Now được tạp chí Women's Wear Daily nhận xét là một "cuốn tiểu sự chi tiết và hấp dẫn đi sâu vào sự nghiệp rực rỡ của nhà thiết kế quá cố tài hoa, các mối quan hệ và bản chất đáng mến của Lagerfeld".