The Shining (1980) của đạo diễn Stanley Kubrick được thực hiện dựa trên nội dung cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông hoàng văn học kinh dị Stephen King. Bộ phim xoay quanh cơn ác mộng của nhà Torrance khi họ dọn tới một khách sạn mùa đông nằm giữa vùng núi xa xôi cách trở.
Tại đây, những thực thể tà ác đã thôi thúc người cha Jack Torrance (Jack Nicholson) bạo hành gia đình mình, còn con trai ông bắt đầu nhìn thấy những ảo ảnh từ quá khứ và tương lai. Trong phim, Shelley Duvall thủ vai Wendy Torrance - vợ của Jack.
Chân dung Shelley Duvall ở tuổi 72, gần ba thập kỷ sau khi rời Hollywood. Ảnh: THR. |
Trong bài viết Searching for Shelley Duvall: The Reclusive Icon on Fleeing Hollywood and the Scars of Making 'The Shining' (Đi tìm Shelley Duvall: Biểu tượng ẩn dật của Hollywood và những vết thương tâm lý khi thực hiện 'The Shining'), cây bút Seth Abramovitch của tạp chí The Hollywood Reporter đã đưa độc giả khám phá sự nghiệp của Shelley Duvall từ thuở mới vào nghề cho tới khi là một bà lão tuổi thất tuần.
Cuộc sống tự do tự tại ở tuổi 71
Shelley Duvall hiện sống ở vùng Texas Hill Country. Hàng ngày, bà lái chiếc xe tải chất đầy đồ ba bị đi đây đi đó, trò chuyện với dân địa phương và nhấm nháp thức ăn nhanh.
Duvall nhận được sự yêu mến và bao bọc của người dân địa phương. Với họ, bà là một thím hàng xóm lập dị thay vì ngôi sao điện ảnh quá vãng.
Duvall trong bữa tiệc sinh nhật năm 2019 tổ chức cùng nhóm người hâm mộ trung thành. Ảnh: Dan J. Petock. |
Năm 2016, Phil McGraw và ê-kíp sản xuất chương trình Dr. Phil từng tới Texas Hill Country để phỏng vấn Duvall. Trong tập phim, nữ diễn viên đã huyên thiên về nhiều chủ đề vô nghĩa, cũng như những ảo tưởng kỳ quái hiện ra trong đầu.
Dù bị khán giả phản đối, không thể phủ nhận Dr. Phil đã giúp người hâm mộ, cũng như bạn bè thân thiết tại Hollywood của Shelley Duvall, hay tin về bà lần đầu tiên kể từ giữa thập niên 1990.
Thuở ấy, khi đang ở đỉnh cao danh vọng với tư cách nhà sản xuất các chương trình truyền hình, Duvall quyết định chạy trốn khỏi Hollywood. Không ai rõ cơ sự đằng sau quyết định chóng vánh ấy.
Theo Lee Unkrich, đạo diễn của Toy Story 3 và Coco, đồng thời là người hâm mộ cuồng nhiệt The Shining, tập phim Dr. Phil về Duvall chỉ cho thấy chân dung một con người không được chữa trị tới nơi tới chốn các bệnh lý tâm thần. Sự kỳ thị của cộng đồng với những cá nhân này càng khiến Duvall bị Hollywood quên lãng.
Người mẫu bén duyên điện ảnh
Thuở thiếu thời, Shelley Duvall là con ngoan trò giỏi với ước mơ trở thành nhà khoa học. Tuy nhiên, cuộc đời bà đã rẽ sang một ngả khác. Sau khi bỏ học, Duvall trở thành nhân viên bán hàng kiêm người mẫu.
Thời thanh niên, khi nỗ lực giúp Bernard Sampson - người chồng đầu (và duy nhất) của bà - bán tranh để kiếm tiền trang trải cuộc sống, Duvall đã được mời đến buổi thử vai bí mật. Đây là dự án phim của đạo diễn Robert Altman và nhà sản xuất Lou Adler. Sau đó, bà đã được chọn.
Lần đầu tiên xuất hiện trên màn bạc, Shelley Duvall vào vai nữ hướng dẫn viên du lịch Suzanne trong bộ phim Brewster McCloud (1970). Sau đó, bà tiếp tục được Altman mời góp mặt trong sáu tựa phim khác của ông, bao gồm McCabe & Mrs. Miller (1971), Thieves Like Us (1974), Nashville (1975), Buffalo Bill and the Indians (1976), 3 Women (1977) và Popeye (1980).
Năm 1974, nhờ diễn xuất trong Thieves Like Us, Duvall chính thức vụt sáng thành ngôi sao. Giữa thập niên 1970, bà và chồng chuyển tới sống ở Los Angeles để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Họ sống khắc khổ và chia tay không lâu sau đó.
Duvall mô tả những ngày tháng chân ướt chân ráo tới Los Angeles là “vui vẻ nhưng trầm lặng”, bởi bà gần như không nhận được cuộc gọi từ bất cứ đạo diễn nào.
Duvall và Sissy Spacek trong 3 Women (1977). Ảnh: Lion's Gate Films. |
Năm 1976, Duvall tới New York để nhận một vai diễn nhỏ, nhưng đáng nhớ, trong bộ phim Annie Hall của Woody Allen. Sự nghiệp của bà có bước đột phá nhờ bộ phim ma mị, mang tính tiên phong 3 Women của đạo diễn Altman. Tác phẩm được lòng giới phê bình và mang về cho Shelley Duvall giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 1977.
Cao trào của 3 Women là cảnh phim rùng rợn khi cô nàng hư hỏng Millie Lammoreaux (Duvall) buộc phải đỡ một cái thai chết lưu trước sự quan sát của Pinkie (Sissy Spacek), bất chấp Willie (Janice Rule) cầu xin được đưa tới bác sĩ. Trường đoạn trần trụi, mang màu sắc kinh dị đã giúp Duvall viên lọt vào mắt xanh của Stanley Kubrick khi ông tìm kiếm gương mặt thủ vai người vợ trong bản chuyển thể The Shining.
Cơn ác mộng trên phim trường
Stanley Kubrick đã đích thân gọi điện đề nghị Shelley Duvall tới thử vai cho The Shining, nhấn mạnh bà diễn cảnh kêu khóc rất ấn tượng. Thay vì kịch bản, vị đạo diễn chuyển cho Duvall một bản in nguyên tác tiểu thuyết The Shining của King và yêu cầu bà đọc nó.
Ngày đầu năm mới 1979, trước khi Shelley Duvall lên máy bay tới London để bắt đầu ghi hình The Shining, bà và người yêu chính thức đường ai nấy bước trên phi trường. Duvall đã khóc không ngừng trong suốt chuyến đi.
Duvall, Jack Nicholson và Stanley Kubrick trên phim trường The Shining. Ảnh: WB. |
The Shining tốn 56 tuần để ghi hình, một phần bởi đám cháy trên phim trường EMI Elstree vào tháng 2/1979 khiến bối cảnh chính khách sạn Overlook bị hủy hoại nặng nề. Nhưng nguyên nhân chính khiến thời gian sản xuất phim bị kéo dài là quy trình làm việc khắt khe nổi tiếng của Kubrick.
Lịch làm việc trên phim trường The Shining vô cùng căng thẳng, với sáu ngày một tuần và 16 tiếng mỗi ngày. Duvall phải gồng mình để duy trì trạng thái tâm thần hoảng loạn của Wendy Torrance - vợ của gã nhà văn đang dần hóa điên bên trong khách sạn.
Trong suốt thời gian quay phim, Duvall lưu lại một căn hộ đi thuê ở gần xưởng phim tại Hertfordshire. Bà ở đó, một thân một mình, chỉ có thú nuôi làm bầu bạn, bởi muốn toàn tâm toàn ý cho việc ghi hình.
Duvall chia sẻ: “Kubrick sẽ không hài lòng ngay với một cảnh phim, ít nhất cho tới đúp quay thứ 35 hoặc hơn. Mọi thứ sẽ chỉ tệ hơn khi bạn phải lặp đi lặp lại việc bỏ chạy, gào khóc trong khi ôm theo một bé trai tới 35 lần. Ngay từ buổi tập dượt đầu tiên, mọi chuyện cực kỳ khó khăn”.
Trước mỗi cảnh phim, Shelley Duvall phải nghe những bài hát não nề, hồi tưởng bi kịch trong quá khứ hay đào sâu nỗi nhớ nhung dành cho gia đình và bè bạn để tạo cảm xúc. “Nhưng tới một thời điểm, cơ thể tôi quyết định phản kháng. Nó nói, ‘Đừng hành hạ tôi nữa. Tôi không muốn phải khóc lóc ngày này qua tháng khác’.
Đôi lúc, nội suy nghĩ ấy thôi đã đủ khiến tôi nức nở. Phải dậy từ tinh mơ vào mỗi sáng, rồi nhớ ra mình sẽ phải khóc cả ngày bởi điều đó đã được lên lịch trình cũng đủ khiến tôi nức nở. Tôi không biết phải xoay xở thế nào để vượt qua”, bà nói.
Duvall hồi tưởng bạn diễn Jack Nicholson từng nói với mình rằng: “Tôi không biết cô làm cách nào để diễn tròn được vai ấy”.
Wendy Torrance trong The Shining luôn ở trạng thái kinh hoàng tột độ. Ảnh: Warner Bros. |
Khi được hỏi về việc Kubrick có thường xuyên đối xử phũ phàng để thúc ép Duvall diễn ra nét kiệt quệ vì hoảng loạn của nhân vật hay không, bà nói: “Không. Anh ấy vô cùng ấm áp và thân thiện. Kubrick dành nhiều thời gian để trò chuyện với tôi và Jack về vai diễn, dù việc ấy có khiến ê-kíp phải chờ đợi. Bởi đó là công việc vô cùng quan trọng”.
Sách kỷ lục Guinness từng vinh danh một cảnh trong The Shining là “cảnh phim có thoại được quay lại nhiều nhất”. Đó là cảnh phim được thực hiện 148 lần, với Scatman Crothers và Danny Lloyd - diễn viên nhí thủ vai con trai của Jack - thảo luận về năng lực nhìn thấy quá khứ kinh hoàng diễn ra bên trong khách sạn của cậu bé.
Một cảnh phim khác, đòi hỏi sự đầu tư không kém với 127 đúp quay, là trường đoạn hai vợ chồng Torrance xô xát ở cầu thang. “Đó là một cảnh khó, nhưng xứng đáng. Bởi đó là cảnh hay nhất phim”, bà nhận xét.
Theo Duvall, cảnh phim được thực hiện liên tục trong ba tuần. “Cảnh ấy rất khó. Jack diễn quá tuyệt. Tôi không thể tưởng tượng ra có bao nhiêu phụ nữ đã phải trải qua tình huống tương tự trong đời”.
Theo lời Anjelica Huston, ngôi sao từng sống với Nicholson trong thời gian tài tử ghi hình The Shining, nam diễn viên và đạo diễn dường như đã quá thô bạo với Duvall. “Tôi có cảm giác, qua lời kể của Jack khi ấy, Shelley đã gặp khó khăn khi đương đầu với những cảm xúc mà vai diễn mang lại”, Huston hồi tưởng.
“Mỗi khi tôi gặp cô ấy, Shelley đều nom bất an và khổ sở như bị tra tấn. Tôi không nghĩ có ai trên phim trường dịu dàng với cô ấy. Nếu nhìn nhận lại, bạn sẽ thấy bộ phim là gánh nặng trên vai Shelley.
Jack thoải mái tung hoành giữa sự hài hước và kinh hoàng, Kubrick vẫn là Kubrick bí ẩn, cuốn hút và quyền lực. Chắc chắn, nhân vật của Shelley là thứ gì đó nằm giữa hai thái cực này. Và cô ấy đã cống hiến toàn bộ trí lực cho nó. Tôi nghĩ Shelley là một nữ diễn viên vô cùng can đảm”, Huston nhận xét.