Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc điện đàm 'nóng và nguội' giữa ông Tập và ông Biden

Trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi công du châu Á, cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden là nỗ lực giúp hai bên duy trì liên lạc và tránh sai lầm.

dien dam trung my anh 1

Hôm 2/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đặt chân đến Malaysia, điểm đến chính thức thứ hai trong 4 nước bà đã xác nhận sẽ tới thăm trong chuyến công du châu Á. Tới nay, những đồn đoán về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vẫn chưa dịu bớt. Một quan chức Mỹ ẩn danh cho biết bà Pelosi có thể qua đêm ở hòn đảo, đi kèm với nó là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề này.

Đài Loan cũng là một trong những vấn đề được trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm hôm 28/7.

Hai bên đều dùng từ “thẳng thắn” trong thông cáo phát sau cuộc điện đàm, dù các tuyên bố sau đó không cho biết cuộc đối thoại mang lại kết quả “có ý nghĩa” hay “mang tính xây dựng”. Những khác biệt thể hiện trên nhiều khía cạnh đã đặt ra câu hỏi về khả năng giảm nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hai thông cáo không tương đồng

Ngay sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố bản thông cáo dài hơn 600 chữ, gấp 4 lần so với nội dung 150 từ do Nhà Trắng đưa ra.

Bắc Kinh dành phần lớn nội dung thuật lại phát ngôn của hai bên, trong đó đặc biệt thể hiện rõ nhận định của Chủ tịch Tập Cận Bình về tình hình thế giới, cũng như về quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian gần đây.

Thông báo từ phía Bắc Kinh cho thấy họ muốn nhấn mạnh rằng việc Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ chính, là thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất” là nguyên nhân khiến quan hệ hai nước căng thẳng.

dien dam trung my anh 2

Ông Biden, khi đó là phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama, đón ông Tập tại căn cứ Joint Base Andrews vào năm 2015. Ảnh: AP.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý là thông cáo của Trung Quốc nhấn mạnh chi tiết cuộc điện đàm diễn ra do yêu cầu từ phía Mỹ, hàm ý rằng Washington hiện là bên có nhu cầu đối thoại với Bắc Kinh, chứ không phải ngược lại.

Vài giờ sau thông cáo vắn tắt ban đầu, Nhà Trắng tiếp tục công bố “Thông tin cơ bản cho báo chí” về cuộc điện đàm thứ 5 kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong văn bản này, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cung cấp thông tin chi tiết hơn về ba nội dung trọng tâm trong cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo, bao gồm: Thảo luận về các lĩnh vực mà hai nước có thể làm việc cùng nhau, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan.

Vị này cho biết thêm Tổng thống Biden đã sớm có kế hoạch đối thoại với ông Tập. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ là người đưa ra đề xuất về một cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp tại Luxembourg hồi giữa tháng 6, trong khi ngoại trưởng Trung Quốc đã gợi ý về thời điểm diễn ra cuộc gọi tại buổi hội đàm bên lề Hội nghị G20 vừa qua.

Vấn đề Đài Loan luôn nóng

Cuộc điện đàm lần này diễn ra chỉ ít ngày sau khi Trung Quốc đe dọa trả đũa nếu bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ - đến thăm Đài Loan. Giữa lúc eo biển Đài Loan dậy sóng, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu Mỹ tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” và thực hiện "3 thông cáo chung" bằng cả lời nói lẫn hành động.

Nhà lãnh đạo nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, và nhấn mạnh “những ai muốn đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu rụi”.

Từ bên kia Thái Bình Dương, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết đối với chính sách “Một Trung Quốc”, được định hướng bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, "Ba Thông cáo chung" và "Sáu Bảo đảm". Theo thông tin do Trung Quốc đưa ra, ông Biden cũng nhắc lại tuyên bố Mỹ không ủng hộ “Đài Loan độc lập”.

Quan chức cấp cao của chính quyền Biden nhận định rằng dù luôn tồn tại khác biệt khi nói đến vấn đề Đài Loan, hai nước đã quản lý được sự bất đồng ấy trong suốt hơn 40 năm qua.

dien dam trung my anh 3

Việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bày tỏ mong muốn thăm Đài Loan khiến Trung Quốc phản ứng. Ảnh: AP.

Cơ hội cho hợp tác

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này và Mỹ - với tư cách là hai nước lớn - có trách nhiệm gìn giữ hòa bình, an ninh và thúc đẩy thế giới phát triển, thịnh vượng.

Chia sẻ quan điểm với người đồng cấp Trung Quốc, Tổng thống Biden liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đường dây liên lạc cởi mở để đảm bảo hai nước có thể quản lý khác biệt và cùng làm việc trên các lĩnh vực quan tâm chung.

Theo ông Biden, hợp tác Mỹ - Trung không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước mà còn cho các quốc gia khác trên toàn thế giới.

Dù khẳng định nhu cầu phối hợp là cần thiết, dường như các nhóm làm việc chung của hai nước vẫn chưa tìm được mối quan tâm và lợi ích chung.

Trong thông cáo vắn tắt sau điện đàm, Nhà Trắng chỉ ra một số lĩnh vực hai nước có thể làm việc cùng nhau, bao gồm biến đổi khí hậu và an ninh y tế.

Trong khi đó, phía Trung Quốc lại đề cập đến các vấn đề: Phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu hay bảo vệ an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu.

Như vậy, lập trường ban đầu về các lĩnh vực mà hai nước có khả năng hợp tác đang tồn tại khoảng cách khá lớn, bởi mỗi bên chỉ đang nói lên quan điểm riêng và chưa thực sự có ý định thỏa hiệp. Do đó, việc hai quốc gia tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này sẽ cần nhiều nỗ lực trong tương lai gần.

Sáng tỏ những nút thắt

Dù được Nhà Trắng công bố là một trong ba trọng tâm thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo, vấn đề Ukraine chỉ được đề cập ngắn gọn trong thông cáo của mỗi bên. Cuộc điện đàm không tạo bước tiến đồng thuận, bởi cả Trung Quốc và Mỹ đều giữ vững lập trường từ những lần trao đổi trước đó giữa lãnh đạo hai nước.

Bên cạnh cảnh báo việc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine sẽ được xem như vượt qua “lằn ranh đỏ”, giới chức Mỹ cũng đang theo dõi sát sao những động thái từ Bắc Kinh, với hy vọng những biện pháp trừng phạt kinh tế và viện trợ về vũ khí có thể là lời cảnh báo đối với những nước đi mạo hiểm tại Đài Loan.

dien dam trung my anh 4

Một người dân Hong Kong theo dõi bản tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc, hôm 29/7. Ảnh: Reuters.

Qua những lần tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo đôi bên, đặc biệt là từ cuộc điện đàm hôm 28/7, vấn đề Đài Loan là nút thắt quan trọng và nan giải nhất trong mối quan hệ. Bên cạnh đó, tháo gỡ bế tắc trong đàm phán dỡ bỏ rào cản thuế quan thương mại cũng được đánh giá là điểm mấu chốt cho các cuộc trao đổi giữa hai nước trong tương lai.

Theo một số chuyên gia, thông tin bà Nancy Pelosi - nhà lập pháp cấp cao của Mỹ - dự định thăm Đài Loan trong chuyến công du châu Á đã thổi bùng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bởi lẽ Trung Quốc hiện bước vào giai đoạn nhạy cảm khi nước này đang chuẩn bị cho loạt sự kiện chính trị quan trọng.

Nhà Trắng tuyên bố chuyến công du là quyết định của bà Pelosi và Tổng thống Biden không thể can thiệp vào quyết định của người đứng đầu Hạ viện Mỹ.

Nhưng tiến sĩ Lu Xiang - Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Trung Hoa của Hong Kong cho rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận lập luận này, bởi "chuyến đi của Pelosi sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của cơ quan hành pháp", Global Times dẫn tin.

Theo tờ Foreign Policy, nếu không cẩn trọng, chuyến đi của bà Pelosi có thể dẫn đến sai lầm rất lớn. Do đó, quân đội Mỹ được cho là đang chuẩn bị nhiều kịch bản để đối phó với các rủi ro an ninh tiềm ẩn.

Bất đồng và khác biệt trong các thông tin chính thức được công bố sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy quan hệ Mỹ - Trung chưa thể lập tức được cải thiện.

Một số nhà phân tích cho rằng kết quả đáng kể nhất trong lần trao đổi này là việc hai bên nỗ lực duy trì liên lạc nhằm giải quyết khác biệt và tránh những bước đi sai lầm.

Kết thúc đối thoại, hai nhà lãnh đạo được cho đã nhất trí về kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp trong tương lai.

Các nguồn thạo tin cho biết tiếp xúc giữa quan chức 2 bên có khả năng xảy ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali hoặc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok vào cuối năm nay.

Tâm Hiền - Diệu Linh

Bạn có thể quan tâm