Theo National Interest, 50 năm trước, Cơ quan Tình báo Israel (còn gọi là Mossad) đã tiến hành một chiến dịch tình báo phản gián được đánh giá thành công nhất, đem lại nhiều lợi thế chiến thuật cho Israel trước các đối thủ trong khu vực.
Chiến dịch mang tên Kim Cương, các tình báo Israel đã thuyết phục thành công đại úy phi công Munir Redfa lái tiêm kích MiG-21, một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thập niên 60 trốn sang Israel.
Các chuyên gia quân sự Israel đã tập trung “mổ xẻ” điểm mạnh, yếu của chiến đấu cơ do Liên Xô chế tạo từ đó tìm ra giải pháp khắc chế MiG-21 trong thực chiến. Những chiến thuật được áp dụng sau khi phân tích MiG-21 đã giúp Israel giành chiến thắng trong chiến tranh Israel – Arab giai đoạn 1967-1973.
Những nỗ lực ban đầu thất bại
Đầu năm 1959, các nước Ai Cập, Syria, Iraq được tiếp nhận nhiều tiêm kích đánh chặn MiG-21 do Liên Xô chế tạo. Các nước này đều là những đồng minh thân cận của Liên Xô. Sự xuất hiện của MiG-21 ở các nước Arab gây nhiều bất lợi cho Israel.
Tìm hiểu đặc tính kỹ chiến thuật của MiG-21 trở thành nhiệm vụ hàng đầu của tình báo Israel. Đầu những năm 1960, điệp viên Jean Leon Thomas đã tiếp cận đại úy phi công Aid Hana của Không quân Ai Cập đề nghị khoản thù lao trị giá 100.000 USD để lái MiG-17 trốn sang Israel.
Những năm 1960, tình báo Israel đã cố gắng tiếp cận MiG-17 của Không quân Ai Cập nhưng không thành công. Ảnh: Iran Defence |
Tuy nhiên, đại úy Hana đã báo với cấp trên về sự việc, Thomas bị bắt và kết án tử hình bằng cách treo cổ cùng với 2 người khác có liên quan vào tháng 12/1962. Hai năm sau, tình báo Israel một lần nữa cố gắng tiếp cận các phi công Ai Cập. Lần này họ đã đạt được thành công nhất định.
Đại úy phi công Mohammad Abbas Helmy, một người ngang bướng và từng dính đến tham nhũng đã lái một máy bay huấn luyện Yakovlev Yak-11 trốn sang Israel sau khi tranh cãi với cấp trên. Một vài tháng sau, ông này bị ám sát ở Nam Mỹ.
Sau những nỗ lực không thành công ở Ai Cập, tình báo Israel quyết định chuyển hướng sang nước khác. Năm 1965, tình báo Israel nắm được cơ hội lớn khi biết rằng một phái đoàn gồm 15 sĩ quan Không quân Iraq được cử sang đào tạo ở căn cứ không quân Randolph, bang Texas, Mỹ.
Chiến dịch Kim Cương
Tình báo Israel nhanh chóng tìm cách tiếp cận các sĩ quan Không quân Iraq đang đào tạo tại Mỹ. Tháng 3/1965, nữ điệp viên Israel Jean Pollan với bí danh Zainab đã tiếp cận trung úy Hamid Dhahe đề nghị anh ta tìm cách trốn sang Israel với tiêm kích MiG-21, nhưng phi công Iraq đã từ chối.
Bực tức vì kế hoạch không thành, điệp viên Isreal đã ra tối hậu thư cho phi công trẻ trong vòng 3 ngày phải rời khỏi nước Mỹ. Các phi công Iraq đã phớt lờ cảnh báo của tình báo Israel, hậu quả phi công Dhahe được tìm thấy bị bắn chết trong một quán bar vào tối 15/6/1965.
Chiếc MiG-21 do phi công Redfa lái trốn sang Israel được sơn số hiệu 007 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Không quân Israel. Ảnh: Wikipedia |
Sau sự cố, Iraq rút toàn bộ sĩ quan ở Mỹ về nước. Tuy nhiên, 3 người trong số họ là Shaker Mahmoud Yusuf, Mohammad Raglob và Munir Redfa tiếp tục bị theo đuổi bởi các cô bạn gái là điệp viên Israel đóng giả.
Tối 6/7/1965, một cô “bạn gái” đến gặp Shaker Mahmoud Yusuf tại một căn hộ ở Baghdad. Yusuf bị bắn chết sau khi từ chối đề nghị đào tẩu sang Israel với tiêm kích MiG-21. Phi công Mohammad Raglob thoát được cuộc truy sát đầu tiên của điệp viên Israel, nhưng không kéo dài được lâu.
Raglob bị 2 điệp viên Israel bắn chết khi đang tìm cách đến Đức vào ngày 11/2/1966. Raglob bị giết không phải vì ông ta từ chối trốn sang Israel mà vì đòi hỏi số tiền nhiều hơn 1 triệu USD mà phía Israel đề nghị.
Trong khi đó Munir Redfa bị theo sát bởi một cô bạn gái người Mỹ tên Lisa Brat. Vài ngày sau khi đến Baghdad, Brat đã sắp xếp một cuộc gặp với Redfa và cho ông ta 2 lựa chọn “bạc hoặc chì” (một sự ám chỉ đồng ý hoặc có thể bị bắn chết như các đồng đội của anh ta). Đổi lại, ông sẽ được nhập quốc tịch Israel và khoản thù lao trị giá 1 triệu USD.
Redfa vốn bất mãn do không được các chỉ huy anh ta tin tưởng vì là người Assyria Kito hữu. Redfa bị phân biệt đối xử do tôn giáo, không được thăng chức và buộc phải sống xa gia đình. Mỗi lần nhận nhiệm vụ xuất kích, Redfa chỉ được phép mang theo lượng nhiên liệu ít ỏi.
Bản thân Redfa cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Israel, một quốc gia nhỏ bé chống lại sự bao vây của khối Arab. Redfa đã chấp nhận đề nghị của tình báo Israel với điều kiện phải đưa toàn bộ gia đình ông ta sang Israel.
Sau khi Redfa đồng ý, tình báo Israel đã sắp xếp cho vợ ông ta là Betty Redfa và 2 người con du lịch sang Pháp, sau đó bay đến Tel Aviv bằng hộ chiếu Israel. Các thành viên trong gia đình gồm 17 người được đưa đến biên giới Iran và đến Israel với sự giúp đỡ của dân quân người Kurd.
Ngày 16/8/1966, cơ hội đào tẩu đến với Redfa khi ông nhận lệnh xuất kích trong nhiệm vụ đào tạo từ căn cứ không quân Tammouz, phía tây Baghdad. Redfa bay qua phía bắc Jordan để tiến vào Israel dưới sự hộ tống của 2 chiến đấu cơ Dassault Mirage III của Không quân Israel.
Redfa hạ cánh xuống sân bay Hatzor. Trong một cuộc họp báo sau đó, Redfa kể lại rằng, ông đã hạ cánh với những “giọt nhiên liệu cuối cùng”. Không lâu sau khi trốn sang Israel, chiếc MiG-21 của Redfa được sơn số hiệu 007 (ám chỉ cách thức nó đến Israel).
Tháng 1/1968, Mỹ đã mượn chiếc MiG-21 từ Israel để tiến hành nghiên cứu thêm. Đổi lại, Israel đã đề nghị Mỹ bán tiêm kích F-4 Phantom để nâng cao sức mạnh. Nhờ quá trình phân tích MiG-21 cùng sự tăng cường F-4 từ Mỹ, Không quân Israel đã chiếm ưu thế trước khối Arab trong cuộc chiến kéo dài từ 1967-1973.