Tổng thống Obama và các quan chức Mỹ theo dõi chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trong Phòng Tình huống năm 2011. Ảnh: Whitehouse |
"Nơi này giống như một trung tâm tình báo của tổng thống và có cả phòng họp bên trong", ông Michael Bohn, giám đốc điều hành Phòng Tình huống vào nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Ronald Reagan, kể với ABC News.
"Nếu tổng thống triệu tập cuộc họp trong phòng Tình huống, đó chắc chắn là buổi tranh luận căng thẳng về những quyết định quan trọng nhất của chính phủ"
Theo ông Bohn, phòng Tình huống trên thực tế là một tổ hợp, kết hợp các chức năng cảnh báo và tình báo để cung cấp thông tin cho tổng thống. Hiện tại, Nhà Trắng đã cho xây thêm 2 phòng họp mới để bổ sung cho một phòng từ trước.
"Bức ảnh Tổng thống Obama và các quan chức theo dõi chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011 được chụp ở một phòng họp nhỏ", ông Bohn cho biết.
Căn phòng đầu não của Nhà Trắng nằm ở tầng bên dưới Phòng Bầu dục, nơi Tổng thống Mỹ thường tiếp đón các nguyên thủ quốc gia. Nơi đây luôn nhộn nhịp người ra vào suốt 24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Họ là các quan chức từ Bộ Quốc phòng, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan, với nhiệm vụ cập nhật tin tình báo theo từng phút cho các bộ phận trong Nhà Trắng.
Do mật độ thông tin nhạy cảm dày đặc, những người ra vào Phòng Tình huống phải tuân thủ hàng loạt quy tắc bảo mật nghiêm ngặt. "Khi bạn bước vào đây, bạn phải để điện thoại di động ở quầy bảo vệ. Nếu bạn cần trao đổi điện thoại, bạn chỉ có thể sử dụng những kiểu điện thoại đời cũ", ông Bohn nêu ví dụ.
Dù Phòng Tình huống là "căn cứ" quan trọng đối với các tổng thống Mỹ, nó chỉ tồn tại sau năm 1961. Khi đó, Tổng thống John F. Kennedy quyết định thành lập một trung tâm tác chiến khẩn cấp sau cuộc khủng hoảng ở Vịnh Con Lợn.
"Ông ấy rất tức giận vì việc cung cấp thông tin tình báo chậm trễ. Việc xây dựng nơi này nhằm bảo đảm tổng thống sẽ nhận được báo cáo cùng thời điểm với Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc", ông Bohn cho biết.
Đến năm 1962, trước khi khủng hoảng tên lửa với Cuba xảy ra, Phòng Tình huống đã đi vào hoạt động đầy đủ chức năng. "CIA cử nhân viên làm việc liên tục 24 giờ tại đây. Nhiệm vụ của họ là văn bản hóa các thông tin từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA chuyển về", ông Bohn cho biết.
Nhờ sự hoạt động hiệu quả ở Phòng Tình huống, Tổng thống Kennedy đã có giải pháp xử lý Khủng hoảng Tên lửa Cuba khéo léo "dựa trên phương pháp tiếp cận thận trọng".
Tổng thống Mỹ giải quyết khủng hoảng như thế nào?
Là người quan sát các cách thức giải quyết khủng hoảng của tổng thống lâu năm, ông Bohn cho rằng sự thận trọng tháo gỡ vấn đề luôn hiệu quả hơn những hành động cứng rắn. "8 tổng thống thận trọng đều thành công, 2 người mạnh mẽ đã thất bại".
Tổng thống Obama thảo luận về tình hình Syria trong Phòng Tình huống ngày 30/8/2013. Ảnh: Whitehouse |
Ông Bohn cho rằng, Tổng thống Bill Clinton đã có giai đoạn ra quyết định vội vàng. Đó là khi phiến quân Hồi giáo al-Qaeda đánh bom hai đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi năm 1998. Ông Clinton đáp trả bằng yêu cầu dội bom các căn cứ mạng lưới khủng bố này ở Sudan và Afghanistan.
"Tuy nhiên, đó là thời điểm ông Clinton đang chìm sâu trong bê bối với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky. Có thể sự việc này đã ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của tổng thống.
"Những căn cứ ở Afghanistan chỉ là các trại huấn luyện. Còn các cơ sở được cho là nơi chế tạo vũ khí hóa học hoặc chất độc thần kinh ở Sudan thực chất chỉ là nhà máy bào sản xuất thuốc aspirin. Trong khi đó, khủng bố nhanh chóng nối lại hoạt động chỉ sau hai tuần.", ông Bohn nhận định.
Cựu giám đốc Phòng Tình huống ca ngợi cách Tổng thống Barack Obama tiếp cận thận trọng trong vấn đề khủng hoảng ở Trung Đông giai đoạn Mùa xuân Arab.
Cách đây 4 năm, Tổng thống Obama thể hiện sự cứng rắn đầu tiên khi quyết định can thiệp nhân đạo vào tình hình Libya. "Chiến thuật này thành công về ngắn hạn. Tuy nhiên, tổng thống không lường trước những tình huống hỗn loạn xảy ra sau này, khi mà chính quyền chuyên chế độc tài ở Libya đã bị lật đổ", ông Bohn cho biết.
Do vậy, ông Obama trở nên thận trọng hơn trong cuộc khủng hoảng ở Syria. Trong một phần trao đổi với báo chí, mỗi lần nghĩ về một đợt can thiệp quân sự, tổng thống Mỹ ngay lập tức đặt ra câu hỏi khác: "Điều gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau"?
Sự tính toán thận trọng của ông Obama thể hiện sau khi chính phủ Syria vượt qua "giới hạn đỏ" vào ngày 21/8/2013, tàn sát 1.400 người bằng vũ khí hóa học. "
Tổng thống Obama muốn không kích Syria. Tuy nhiên, phần lớn nghị sĩ phản đối một hành động quân sự. Đa số người dân cũng không đồng tình. Nếu một quyết định ảnh hưởng đến uy tín và sự ủng hộ, bạn cần phải suy nghĩ rất thấu đáo", ông Bohn nói.