Theo Bloomberg, gia tộc Porsche đang tiến gần hơn một bước trong việc chinh phục đỉnh cao quyền lực trong ngành xe hơi sau kế hoạch huy động 9,4 tỷ euro (9,41 tỷ USD) từ IPO.
Đợt chào bán cổ phiếu này sẽ giúp Porsche có thể tự đưa ra các quyết sách mà không cần đến sự cho phép của Volkswagen (VW). Gia tộc Porsche và Piëch, thông qua công ty Porsche SE, đã có 53,3% quyền biểu quyết và 31,9% vốn cổ phần trong VW.
Gần đây nhất, người đứng đầu gia tộc Porsche là Wolfgang Porsche, cháu trai của nhà sáng lập hãng xe. Tuy nhiên, thời đại của ông sắp kết thúc khi ông không còn nắm giữ vị trí Chủ tịch Ban kiểm soát Porsche SE và Porsche AG. Vị trí kế vị quyền lực của gia tộc Porsche lại một lần nữa bị bỏ ngỏ.
Màn đấu trí kịch tích
Khi Ferdinand Porsche, người sáng lập ra Porsche AG, qua đời. Ông đã chia cho con trai Ferry và con gái Louise cùng 4 người con của họ, mỗi người nhận được 10% số tài sản của ông.
Bốn hậu duệ chính của Porsche đều làm việc tại hãng xe, bao gồm nhà thiết kế Ferdinand Alexander Porsche (hay còn gọi là Butzi); giám đốc sản xuất Hans-Peter Porsche; giám đốc phân phối Hans Michel Piëch; trưởng phòng nghiên cứu và phát triển Ferdinand Karl Piëch.
Tuy nhiên, thời kỳ yên ấm không kéo dài được bao lâu, cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát Porsche đã nổ ra giữa các thành viên trong gia tộc, đỉnh điểm là vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970.
Ông Ferry Porsche, con trai của nhà sáng lập hãng xe, đang lái chiếc Porsche 356 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của mình. Ảnh: Porsche. |
Tình hình căng thẳng kéo dài đã dẫn đến việc vào năm 1972, gia tộc Porsche đã ra quyết định rằng không thành viên nào được phép làm việc tại hãng xe. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ chỉ được điều hành bởi những người bên ngoài.
Sau quyết định đó, Butzi Porsche đã thành lập Porsche Design như một cơ sở hoạt động bên ngoài, chuyên sản xuất kính râm, ván trượt, đồng hồ cùng các đồ sưu tầm khác.
Ông Ferdinand Karl Piëch cùng người vợ thứ hai của mình tại một sự kiện xe hơi ở Berlin. Ảnh: Getty Images Europe. |
Karl Piëch, anh họ của Butzi, cũng buộc phải tuân thủ quy tắc của gia tộc. Sau khi bị thôi việc tại Porsche, ông đã chuyển sang đầu quân cho Audi trong những năm 1970 và 1980. Năm 1993, ông trở thành chủ tịch và giám đốc điều hành của Tập đoàn VW (tập đoàn sở hữu Audi, Lamborghini, Bentley, Bugatti và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác).
Ông Piëch cũng đã thực hiện một cuộc phản công huyền thoại vào Porsche sau khi người anh họ Wolfgang của ông lặng lẽ mua lại cổ phần tại VW vào đầu những năm 2000. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Wolfgang Porsche gặp khó khăn về tài chính và không thể hoàn tất kế hoạch giành lại tập đoàn. Ông Piech đã nhân cơ hội này để sáp nhập Porsche với VW trong năm 2009.
Ông Piëch đã rời vị trí chủ tịch VW vào năm 2015.
Những người kế vị sáng giá
Trên thực tế, ông Wolfgang Porsche là người giữ chức vụ kiểm soát các công việc kinh doanh kiêm phát ngôn viên cho gia tộc. Ông đã chứng minh rằng mình là một người lãnh đạo đích thực khi đã giúp Porsche khẳng định vị thế qua đợt IPO gần đây.
Những thành viên khác trong gia tộc cũng có các vai trò quan trọng, đặc biệt là sau khi Wolfgang rời đi. Đây chính là những ứng cử viên sáng giá trong vai trò tiếp quản những di sản của gia tộc Porsche.
Ông Wolfgang Porsche, cựu chủ tịch Ban kiểm soát của Porsche Automobil Holding SE và Porsche AG. Ảnh: Porsche. |
Hai nhân vật tiềm năng có thể kể đến là Hans Michel Piëch, con trai của Louise và Anton Piëch, anh họ của Wolfgang. Trước đó, Anton Piëch làm luật sư và hiện ông là thành viên trong hội đồng quản trị của cả VW và Porsche SE.
Một ứng cử viên nặng ký khác là ông Ferdinand Oliver Porsche, cháu trai của Wolfgang và con trai của Butzi. Ông cũng nắm giữ các vị trí quan trọng trong hội đồng quản trị của Tập đoàn Volkswagen, Volkswagen AG và Porsche SE.
Tiếp theo là Peter Porsche, con trai của Hans-Peter Porsche và là chắt của người sáng lập hãng xe. Hiện ông là cổ đông lớn nhất trong thế hệ thứ tư của gia tộc nhờ việc thừa kế tài sản từ cha và sở hữu một ghế trong hội đồng quản trị Porsche SE. Tuy nhiên, ông ít có mong muốn thống trị ngành công nghiệp ôtô như các thành viên khác. “Tôi không cần phải hạ bệ bất cứ ai để làm ăn”, ông chia sẻ với Bloomberg vào năm 2016.
Cuối cùng, con trai của Hans Michel Piëch, ông Stefan Piëch, cũng là một gương mặt sáng giá. Ông cũng có mặt trong hội đồng quản trị của Porsche SE. Ngoài ra, Stefan Piëch còn điều hành thêm một công ty truyền thông bên ngoài.
Ngoài ra, các thành viên khác trong gia tộc như Josef Ahorner, Louise Kiesling, Julia Kuhn-Piëch, Mark Phillip Porsche, Stephanie Porsche-Schröde cùng các thế hệ con cháu trẻ hơn cũng đang cạnh tranh gay gắt trong cuộc đua quyền lực.