|
Sự thất thế của taxi truyền thống so với Grab và Uber ngày càng thấy rõ. Hệ quả là “nồi cơm” của taxi truyền thống ngày càng vơi đi. Và trong nội bộ không ít hãng taxi đang có sự mâu thuẫn lớn giữa tài xế và giới chủ.
Tài xế: Chúng tôi đang rất khó khăn
Anh Nam, một tài xế chạy taxi khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết từ khi phải cạnh tranh với Grab và Uber, gần như anh không nhận được sự hỗ trợ nào từ hãng. Thị phần ngày càng mất đi, thu nhập giảm rõ rệt nhưng các khoản phí, doanh số nộp vẫn giữ nguyên.
Theo anh Nam, hàng tháng anh đều phải nộp một khoản phí “đều như vắt chanh” cho hãng bao gồm: bảo hiểm, điện đàm, một số khoản phí nhỏ khác lên đến 3 triệu đồng.
Anh là người đã trả hết số tiền mua lại xe của hãng. Một số người khác vẫn phải trả cả tiền mua xe, thêm các khoản phí nên tình hình lại càng khó khăn hơn.
Nói về thu nhập, anh Minh, tài xế tại khu vực Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết có những ngày doanh thu chỉ 200.000-300.000 đồng. “Nói ra thì không ai tin taxi lại ế ẩm như vậy, nhưng sự thật chúng tôi đang rất khó khăn”, anh Minh nhấn mạnh.
Theo anh Nam, một số đồng nghiệp bị áp doanh thu lên tới 800.000 đồng/ngày. Nếu không đạt doanh số bị áp, tài xế chỉ nhận được mức lương rất ít ỏi, cắt phần lớn hoa hồng. Một số anh em chạy không đủ doanh số phải lấy tiền túi bù vào mới mong được tính lương, hoa hồng.
Ngoài số tiền phí đàm, phí bảo hiểm, tài xế phải chịu xăng dầu, phí đường bộ, lau rửa xe… Ngoài ra, khoản doanh số nộp cho hãng còn bị cắt lại một phần để làm quỹ bảo dưỡng, sửa chữa khi có hỏng hóc. Những ai đã sở hữu xe thì không phải nộp khoản này.
“Chúng tôi phải trả rất nhiều khoản phí từ chính doanh thu mình làm ra. Tôi mua được xe nên còn trụ được, chứ rất nhiều anh em lái thuê bỏ rồi”, anh Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có những tài xế cho rằng họ vẫn nhận được sự hỗ trợ lớn từ hãng. Anh Hòa, tài xế một hãng taxi lớn chạy khu vực Đống Đa (Hà Nội), cho biết hãng đã tăng cường marketing, mua lại các vị trí sảnh, tòa nhà, khách sạn, nhà hàng giúp anh em lái xe có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn.
Tài xế taxi cho rằng họ phải gánh quá nhiều chi phí, còn hãng thì không. Ảnh: Hiếu Công. |
Hãng taxi: Chúng tôi sát cánh cùng tài xế
Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch hãng taxi Ba Sao, khẳng định không có chuyện tài xế phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Ông Huy chia sẻ hãng của mình đang bỏ ra nhiều chi phí quảng cáo, môi giới, mua lại các điểm đón khách.
"Nhiều khi số tiền chúng tôi trả cho điểm đón còn nhiều hơn số lợi nhuận mà tài xế đem lại, nhưng vẫn đẩy mạnh hỗ trợ anh em. Chúng tôi khẳng định luôn sát cánh cùng tài xế vượt qua khó khăn trong cuộc chiến dài hơi", ông Huy nhấn mạnh.
Ông Lương Quốc Vy, Giám đốc taxi Thanh Nga, cho biết hãng đang ngày càng cắt giảm chi phí và hỗ trợ tài xế. Ông Vy so sánh số hoa hồng, quyền lợi mà tài xế của hãng nhận được luôn nhiều hơn so với tài xế Uber và Grab.
"Uber và Grab chiết khấu hoa hồng quá nhiều từ doanh thu của anh em. Chi phí hỏng hóc, bảo dưỡng cũng tự lo. Hãng taxi quan tâm đóng bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi người lao động cho tài xế, còn Uber và Grab thì không", ông Vy nhấn mạnh.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cũng cho rằng hãng đang rất quyết liệt nâng cao chất lượng tài xế, từ thái độ phục vụ đến tinh thần trách nhiệm.
Tinh thần trách nhiệm của lái xe cũng được nâng cao bằng hình thức khoán xe, nhượng quyền thương mại, chia sẻ quyền tự chủ cho lái xe và tăng phần chia cho lái xe nhiều hơn. Điều này theo ông Hỷ là giúp tài xế có doanh thu bình quân tăng từ 500.000-600.000/ca.
Hãng hỗ trợ tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội 32.000/xe và ổn định trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực. Ngoài ra còn khoản hỗ trợ ổn định giá cước 72.000 đồng/ca (có thay đổi theo mùa cao điểm thấp điểm và giá xăng thay đổi).
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội, thừa nhận taxi truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn thời buổi xe công nghệ. Tuy nhiên, ông Bình phủ nhận chuyện hãng taxi đang giành phần hơn trong việc chia sẻ khó khăn với giới tài xế.
“Tôi biết rằng các hãng taxi vẫn đang chung tay chia sẻ khó khăn với giới tài xế vào thời buổi khó khăn hiện nay. Các hãng taxi xác định tài xế và mình đều chung một nồi cơm. Tài xế có mạnh thì hãng mới có thể phát triển. Không thể trong cùng một nồi, ông được ăn ít, ông được ăn nhiều”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng kêu gọi các hãng taxi cần có nhiều biện pháp cụ thể hơn nữa để chia sẻ khó khăn với tài xế trong lúc cạnh tranh với Uber, Grab.