- Tại cuộc họp cổ đông vào cuối tháng 4, HĐCĐ Vinasun tuyên bố sẽ khởi kiện Uber và Grab, câu chuyện này như thế nào? Vụ kiện đã được tiến hành chưa?
- Chúng tôi đang tiếp tục thu thập chứng cứ và sẽ theo đuổi vụ kiện này đến cùng. Chúng tôi được biết không chỉ có Vinasun mà còn nhiều hãng khác tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục kiện Grab, Uber vì hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Cơ bản nhất ở đây là họ đang phá giá.
Không phải riêng tại Việt Nam mà ở nhiều nước đều có luật chống phá giá. Như mình xuất khẩu cá tra sang Mỹ, sơ suất cũng bị kiện bán phá giá ngay. Vậy tại sao tại thị trường Việt Nam, các hãng này đưa các mức giá thất thường mà mình không có động thái gì để điều chỉnh.
Chính vì thế chúng tôi sẽ khởi kiện họ, và kiến nghị Nhà nước xem xét về vấn đề chính sách quản lý giá. Chứ như kiểu cá lớn nuốt cá bé hiện nay thì không ổn.
Không riêng Vinasun mà sẽ có nhiều hãng cũng sẽ kiện Grab và Uber, và tất nhiên chúng tôi cũng sẽ theo đuổi vụ kiện này. Chúng tôi đang trong giai đoạn tập hợp chứng cứ.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun chia sẻ với Zing.vn. Ảnh: Thái Nguyễn |
- Nhưng Grab, Uber được người dùng ủng hộ và cũng đã được cấp phép hoạt động, như vậy Vinasun và các hãng taxi truyền thống khởi kiện dựa trên cơ sở nào?
- Có rất nhiều cơ sở, và cơ sở chính là dựa trên quy định của pháp luật. Ví dụ như trường hợp cạnh tranh thông qua hình thức phá giá. Việt Nam có Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mãi không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày.
Thực tế một số công ty thời gian qua thực hiện rất rõ. Nghị định này cũng quy định, muốn thực hiện khuyến mãi phải đăng ký qua Sở Công Thương. Ngay như trường hợp chúng tôi đăng ký cả tháng có khi chưa làm được. Vì qua Sở Công Thương cần kiểm tra nội dung, thiện chí đem lại cho khách hàng cái gì và chương trình đó có những cơ sở nào, các hình thức giải quyết tranh chấp nếu có...
Còn như trường hợp các hãng taxi công nghệ, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều cũng có khuyến mãi. Họ thích họ khuyến mãi lung tung cả lên, rõ ràng là không dựa trên cơ sở pháp luật nào cả, không phù hợp quy định của pháp luật.
Và như vậy vô hình chung họ lợi dụng sức mạnh tài chính để giành khách hàng một cách không văn minh. Giống như một anh giàu muốn giết một anh nghèo bằng tiền thì rõ ràng không công bằng. Cạnh tranh lành mạnh là phải dựa trên chất lượng dịch vụ.
Vinasun cho rằng sẽ khởi kiện 2 hãng taxi công nghệ với rất nhiều tư cách, trong đó có thể người lao động đồng loạt ký tên khởi kiện. Ảnh: Anh Quân. |
- Vinasun sẽ kiện với tư cách pháp nhân của một mình công ty hay hợp tác với các hãng khác để khởi kiện?
- Sẽ có rất nhiều tư cách khởi kiện, có thể một doanh nghiệp, có thể là những người lao động đồng loạt ký tên khởi kiện. Cũng có thể như trường hợp chúng tôi đang làm (văn bản đang thụ lý), ba hiệp hội taxi cuả ba miền sẽ cùng ký đơn đề nghị Bộ Công Thương vào cuộc thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh dựa trên pháp luật, khuyến mãi có đăng ký địa phương.
Cần phải làm rõ cơ sở nào để Uber, Grab đưa giá cước như vậy. Thứ hai là nếu họ cho là giá như vậy phù hợp thì họ có thể cam kết sử dụng giá này trong bao lâu, 3 hay 5 năm, hay là họ chỉ dùng mức giá này để giết chết các hãng taxi khác để lũng đoạn thị trường rồi sau đó lại tăng lên nhiều lần khi cho là thiếu xe ở thời điểm taxi truyền thống không còn.
- Thực tế thị trường nếu không có Uber hay Grab thì cũng sẽ có những nhân tố mới vì công nghệ phát triển. Vấn đề là liệu bộ máy kinh doanh của taxi truyền thống có quá cồng kềnh, lỗi thời và cần phải thay đổi để có giải pháp tối ưu hơn, thay vì theo đuổi vụ kiện?
- Tôi cho rằng dù có thay đổi cách nào, nâng cấp dịch vụ đến mức nào cũng không thể cạnh tranh được với kiểu cạnh tranh như vậy. Bởi họ dùng tiền để “chẹt” mà, chứ không phải cạnh tranh bằng dịch vụ hay chất lượng. Hai cái này hoàn toàn khác nhau.
Họ đã cố tình bù lỗ, bù lỗ và bù lỗ cho đến khi người ta chết thì thôi. Đây không phải là cạnh tranh mà là một hình thức triệt tiêu đối thủ. Tôi nghĩ phải xác định là có thể họ đã dùng thủ đoạn tài chính để triệt tiêu đối thủ đúng hơn là cạnh tranh.
Năm 2017, hãng taxi lớn nhất TP.HCM cắt giảm lợi nhuận đến 35,5% so với năm 2016. Đồ họa: Đức Huy. |
- Vậy taxi truyền thống sẽ chọn vừa khởi kiện vừa “sống chung với công nghệ”?
- Cùng một lúc thì có nhiều giải pháp để cạnh tranh, chúng tôi sẽ cạnh tranh một cách lành mạnh. Ví dụ như tại Vinasun có app, có chức năng kết nối xe với khách hàng và đang phát triển khả năng kết nối với quản lý và điều hành.
Dự kiến giữa tháng 6, app của Vinasun sẽ có chức năng cho khách hàng biết trước giá cước. Cái khó về công nghệ ở đây là kết nối các thiết bị và minh bạch cùng lúc có đồng hồ tính tiền, có tablet hiển thị đường đi, làm thế nào vừa hiển thị đường đi, vừa cho khách hàng biết được giá.
Thứ hai là nâng cấp. Hiện chúng tôi thanh lý xe 5 năm một lần, liên tục đổi xe mới. Đồng thời chúng tôi cho ra đời Vcar, loại dịch vụ chất lượng cao với những dòng xe cao cấp. Thứ ba nữa là chúng tôi đang rất quyết liệt để nâng cao chất lượng tài xế, từ thái độ phục vụ đến tinh thần trách nhiệm, nhất là chuyện trả đồ thất lạc cho khách. Thứ tư, chúng tôi đang nâng cấp là nâng tinh thần trách nhiệm của lái xe bằng hình thức khoán xe, nhượng quyền thương mại, chia sẻ quyền tự chủ cho lái xe và tăng phần chia cho lái xe nhiều hơn.
Điều này sẽ khiến anh em tài xế có doanh thu bình quân tăng từ 500.000-600.000/ca.
Với hình thức mới này, mỗi ca chúng tôi hỗ trợ tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội 32.000/xe và ổn định trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực. Ngoài ra còn khoản hỗ trợ khác 72.000 đồng/ca (có thay đổi theo mùa cao điểm thấp điểm và giá xăng thay đổi), mục đích là nhằm ổn định giá cước, thay vì phải điều chỉnh giá cước taxi theo giá xăng như trước đây.