Hôm 8/1 theo giờ Việt Nam, Lầu Năm Góc xác nhận: "Iran phóng hơn một tá tên lửa đạn đạo vào các lực lượng quân sự Mỹ và liên minh tại Iraq. Rõ ràng những tên lửa này phóng từ Iran và nhằm vào ít nhất 2 căn cứ quân sự ở Iraq có các quân nhân Mỹ và đồng minh là Al-Assad và Irbil”.
Về phần mình, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố cuộc trả thù ác liệt của Vệ binh Cách mạng đã bắt đầu"
Vụ giết chết thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds tinh nhuệ, Vệ binh Cách mạng Iran, người đứng đầu hoạt động bí mật và tình báo của Iran đang đẩy Washington và Tehran đến gần hơn một cuộc chiến. Các chuyên gia cho biết Iran có đủ mọi động cơ để trả đũa. Tehran có thể sử dụng lực lượng phiến quân được họ bảo trợ để tấn công lợi ích thương mại của Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông, thậm chí là tấn công vào binh sĩ và nhà ngoại giao đang tập trung ở các căn cứ và đại sứ quán trong khu vực, Vox News cho biết.
Eurasia Group, một công ty tư vấn quốc tế nổi tiếng có trụ sở tại New York và văn phòng ở nhiều quốc gia, đã đặt cược xác xuất xảy ra xung đột hạn chế hoặc quy mô lớn giữa Mỹ và Iran ở mức 40%.
Mầm mống xung đột giữa Mỹ và Iran không phải là cuộc không kích hôm 2/1, Washington và Tehran bị khóa trong đợt căng thẳng kéo dài nhiều năm qua, liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Iran. Vụ không kích được ví như “giọt nước tràn ly” làm cho căng thẳng leo thang.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là cả 2 quốc gia không muốn xảy ra xung đột toàn diện. Tổng thống Donald Trump từng nói ông thích hòa bình khi nhắc đến Iran. Nhưng khả năng xảy ra chiến tranh vẫn rất cao, đặc biệt là khi lãnh tụ tối cao Iran thề sẽ trả thù cho Soleimani.
Vụ sát hại tướng Soleimani (giữa) có thể đẩy Mỹ và Iran vào cuộc xung đột quân sự quy mô lớn. Ảnh: AP. |
Điều đó có nghĩa là mối quan hệ Mỹ - Iran đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc” và sẽ không mất nhiều thời gian để xung đột xảy ra. Để hiểu tình hình có thể tồi tệ đến mức nào, Vox News đã tham vấn 8 quan chức Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và cựu quan chức tình báo, cũng như chuyên gia Trung Đông về một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran có thể diễn ra như thế nào.
Các chuyên gia đều cho rằng đó sẽ là “địa ngục trần gian”. Ilan Goldenberg, cựu đặc phái viên về Trung Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là giám đốc chương trình an ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét cuộc chiến với Iran sẽ tồi tệ hơn nhiều so với Iraq.
Chiến tranh Mỹ - Iran bắt đầu thế nào?
Các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt đang bóp nghẹt kinh tế Iran, nhưng Iran có thể tiến hành vài lựa chọn để buộc chính quyền Tổng thống Trump thay đổi cách tiếp cận. Lãnh đạo Iran có thể đưa ra chiến thuật bạo lực hơn, đặc biệt là sau cái chết của tướng Soleimani.
Lực lượng Iran có thể tấn công tàu chở dầu Mỹ đi qua eo biển Hormuz, tuyến đường thủy huyết mạch cho thương mại năng lượng toàn cầu, gây thiệt mạng cho các thủy thủ hoặc sự cố tràn dầu nghiêm trọng.
Các tin tặc Iran có thể thực hiện cuộc tấn công mạng vào đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia hoặc UAE. Israel có thể giết chết một nhà khoa học hạt nhân Iran, khiến Tehran đáp trả và kéo Washington vào cuộc chiến, đặc biệt là nếu Iran phản ứng mạnh.
Một vụ tấn công vào tàu chở dầu của Mỹ, tương tự điều mà Iran bị cáo buộc đã thực hiện khi tấn công tàu chở dầu Na Uy có thể leo thang thành xung đột quy mô lớn. Ảnh: AFP. |
Các nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn có thể tấn công giết chết quân đội và các nhà ngoại giao Mỹ ở Iraq. Lựa chọn cuối cùng mà các chuyên gia nhận định có khả năng cao là ném bom vào căn cứ quân đội Mỹ.
Năm 1983, Iran đã ném bom vào căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ ở Lebanon giết chết hơn 600 lính Mỹ. Lựa chọn này có vẻ cực đoan, nhưng Iran có thể tự thuyết phục mình rằng họ có khả năng làm được điều này, nhà phân tích Goldenberg nhận định.
Ở thời điểm đó, Mỹ gần như không thể đáp trả một cách cụ thể, các khuyến nghị được đưa ra cho tổng thống sẽ tương ứng với bất kỳ hành động mà Iran thực hiện.
Nếu Iran phá hủy tàu chở dầu, giết chết thủy thủ và gây sự cố tràn dầu, Mỹ có thể phá hủy một số tàu của Iran. Nếu Iran bắn hạ máy bay không người lái khác của Mỹ, Washington có thể phá hủy một số hệ thống phòng không của Tehran.
Nếu nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn giết chết lính Mỹ ở Iraq, quân đội Mỹ có thể đáp trả bằng giết chết các chiến binh và tấn công vào căn cứ của họ để trả đũa. Mỹ thậm chí có thể đánh bom một số cơ sở huấn luyện bên trong Iran, hoặc ám sát các quan chức cao cấp.
Ở thời điểm căng thẳng này, 2 bên cần duy trì liên lạc để vạch ra ranh giới đỏ và làm thế nào để không vượt qua nó. Vấn đề là không có kênh liên lạc trực tiếp giữa hai nước và họ không tin tưởng nhau. Vì vậy tình hình có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Duy trì liên lạc quan trọng hơn hành động mà không có sự liên lạc tương ứng một cách công khai hoặc riêng tư chắc chắn dễ dẫn đến leo thang, vì phía bên kia có thể tự do diễn giải hành động như họ muốn. Điều đó có nghĩa là việc ăn miếng trả miếng ban đầu đóng vai trò cho sự đổ máu nhiều hơn”, Jasmine El-Gamal, cựu cố vấn về Trung Đông tại Lầu Năm Góc nói.
Hiểm họa từ tính toán sai lầm
Vấn đề của Mỹ và Iran đặc biệt nguy hiểm vì nó rơi vào khái niệm được gọi là “sương mù chiến tranh”, tức hai bên không biết điều gì đang xảy ra trong sức nóng của trận chiến. Điều này đặc biệt khó khăn khi đôi bên không nói chuyện với nhau, như trường hợp của Mỹ và Iran.
Điều đó có nghĩa là Mỹ và Iran diễn giải các hành động tiếp theo của nhau dựa trên sự phỏng đoán. Eric Brewer, người dành nhiều năm trong cộng đồng tình báo, trước khi gia nhập Hội đồng An ninh quốc gia của Tổng thống Trump, cho biết vấn đề có thể khiến Mỹ và Iran xảy ra chiến tranh là sự phán đoán nhầm hành động của đối phương.
Các loại tên lửa đạn đạo của Iran được trưng bày trong một sự kiện ở thủ đô Tehran. Ảnh: IFP News. |
Đó là một kịch bản, trong đó Mỹ có thể tính toán sai lầm và mở cánh cửa cho sự hỗn loạn. Nếu Iran trả thù và Mỹ tiến hành đợt không kích trả đũa đầu tiên, Iran quyết định phân tán tên lửa của mình đến các khu vực khác của đất nước.
Khi đó, chính quyền Tổng thống Trump phải tìm ra lý do vì sao Iran làm điều đó. Việc Iran di chuyển tên lửa là để chuẩn bị tấn công, hay đơn giản chỉ là để bảo vệ kho vũ khí của họ khỏi đợt tấn công trong tương lai của Mỹ.
Không có câu trả lời rõ ràng, giải thích nào chiến thắng sẽ phụ thuộc vào phe phái nào trong chính quyền có sức thuyết phục với Tổng thống Trump nhất. Nếu các căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông tin rằng Iran sắp phát động cuộc tấn công, họ có thể thuyết phục tổng hành dinh thực hiện hành động tấn công phủ đầu.
Nếu phán đoán đúng sẽ ngăn chặn thiệt hại cho quân đội Mỹ, nhưng nếu họ sai lầm có thể khiến Iran trả đũa mạnh hơn, kéo hai bên vào cuộc chiến tổng lực.
Iran cũng có thể mắc lỗi phán đoán sai. Hãy tưởng tượng Tổng thống Trump ra lệnh gửi hàng chục nghìn binh sĩ, máy bay chiến đấu đến Trung Đông với hy vọng ngăn Iran leo thang xung đột. Tehran có thể hiểu nhầm đó là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược và lựa chọn tấn công trước, khiến hai bên bị cuốn vào chiến tranh.
Tất nhiên, luôn có những cái “đầu lạnh” trong tình huống như vậy, nhưng các chuyên gia cho rằng áp lực chính trị đối với cả Washington và Tehran trong việc không tấn công trước, bị chỉ trích xấu hổ hay yếu đuối có thể khiến các nhà lãnh đạo quyết định sai lầm.
Hậu quả thảm khốc
Những gì mà giới phân tích đưa ra vẫn chỉ là nhận định và chưa có gì chính xác về một cuộc chiến tổng lực giữa hai nước, nhưng có một điều chắc chắn là hậu quả của nó sẽ rất thảm khốc.
Thường dân vô tội sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran. Ảnh minh họa: AP. |
Chiến lược của Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh không quân và hải quân để tấn công phủ đầu, nhằm đánh bại sự kháng cự của Iran, tương tự điều Washington đã làm ở Iraq. Michael Hanna, chuyên gia về Trung Đông, cho rằng một chiến dịch tập kích trên không quy mô lớn khó có thể tạo ra kết quả mong muốn. Nó chỉ tạo ra sự leo thang, không phải đầu hàng.
Một cuộc không kích kéo dài sẽ khiến hàng nghìn người Iran thiệt mạng, trong đó có rất nhiều thường dân vô tội. Điều đó có thể thúc đẩy người dân Iran chống lại Mỹ, hỗ trợ tổng lực cho chính quyền trong cuộc chiến với Mỹ.
Tổng thống Trump từng nói rằng không muốn triển khai lực lượng mặt đất vào Iran, hoặc chiến đấu lâu dài với Tehran. Nhưng với các trợ lý có quan điểm “diều hâu” như Ngoại trưởng Mike Pompeo bên cạnh có thể thuyết phục tổng thống đừng tỏ ra yếu đuối và sử dụng tất cả nguồn lực để chiến thắng.
Lựa chọn mạo hiểm nhất là xâm chiếm Iran. Công ty tình báo tư nhân Stratfor từng nhận định “Iran là pháo đài của Hồi giáo”. Nếu Mỹ lựa chọn xâm chiếm Iran, Lầu Năm Góc cần huy động 1,6 triệu quân để kiểm soát Tehran và toàn bộ đất nước.
Trong khi đó, với cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003, Mỹ chỉ sử dụng 150.000 binh sĩ và 23.000 binh sĩ NATO. Cuộc chiến tổng lực giữa Mỹ và Iran sẽ khiến hàng trăm nghìn người chết. Các chuyên gia cho biết nếu Mỹ cố gắng loại bỏ lãnh đạo đất nước, số người thiệt mạng có thể lên đến hàng triệu.
Chưa hết, những gì xảy ra phía sau cuộc chiến thậm chí còn tồi tệ hơn. Một cuộc chiến tổng lực giữa Mỹ và Iran sẽ biến nước này thành “địa ngục đẫm máu”. Tín hiệu tốt là lãnh đạo Mỹ và Iran đều không muốn chiến tranh, nhưng nếu họ thay đổi ý định “sự tàn sát sẽ theo sau”.