"Tôi chắc chắn vụ việc sẽ thôi thúc ông đòi hỏi lĩnh vực R&D (Nghiên cứu và Phát triển) và FDA (Cục Thực phẩm và Thuốc) của Mỹ hành động nhanh hơn nữa", Margaret Hamburg, cựu quan chức FDA trong chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama, nhận định.
"Nếu ông ấy tin rằng xét nghiệm dẫn đến ca nhiễm, tôi nghi ngờ ông ấy cũng tin rằng nếu không thử nghiệm vaccine hay thuốc thì chúng chắc vẫn tốt", bà nói.
Hình ảnh nghiên cứu vaccine Covid-19 tại Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Nikolai Gamaleya, Moscow. Ảnh: AP. |
Vòng xoáy sức ép trước bầu cử
Thông báo của Moscow làm bất ngờ những nhà phát triển vaccine Covid-19 quốc tế. Lĩnh vực này đã biến thành cuộc đua địa chính trị giữa những cường quốc lớn nhất thế giới. Vấn đề là sản phẩm của Nga được cấp phép dù chưa hoàn tất các xét nghiệm sâu rộng, vốn được giới chức các nước phương Tây yêu cầu khắt khe.
Một số nhà khoa học Mỹ cho rằng vaccine Sputnik V của Nga vẫn có khả năng hiệu quả. Trong trường hợp ngược lại, việc cắt ngắn quy trình có nguy cơ không chỉ gây nguy hiểm cho người Nga mà còn ở nhiều nước khác, cụ thể là trường hợp ông Trump hấp tấp tìm kiếm thành quả tương tự.
Nghiên cứu vaccine tại Mỹ đang kẹt trong vòng xoáy sức ép và chính phủ Tổng thống Trump vẫn đang loay hoay trong nỗ lực này. Có hai công ty dược đã bước vào thử nghiệm giai đoạn 3 tại Mỹ. Đây là bước thử nghiệm cuối cùng để vaccine được các cơ quan chức năng cấp phép.
Dù vậy, một số nhà khoa học lo ngại việc thử nghiệm sẽ bị cắt ngắn vì Tổng thống Trump cần thắng lợi chính trị trước ngày bầu cử đầu tháng 11.
Nhà Trắng trấn an rằng quyết định cấp phép vaccine sẽ dựa trên dữ liệu, không phải yếu tố chính trị. Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần tìm cách gắn giữa lịch tranh cử của mình với chiến dịch phát triển vaccine, vốn được đặt tên rất ấn tượng là chiến dịch "vận tốc bẻ cong ánh sáng".
Ông còn đề cập khả năng vaccine được phân phát trước ngày bầu cử toàn quốc (ngày 3/11), bất chấp dự báo từ giới khoa học rằng việc phát triển vaccine sớm nhất là đầu năm 2021 mới hoàn tất mọi thử nghiệm.
"Chúng ta đang làm rất tốt trong mọi việc, bao gồm cả virus corona", ông Trump trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11/8. "Chúng ta sắp đến đích. Chúng ta đang đến và vaccine đã sẵn sàng. Chúng ta đang rất gần vaccine. Chúng ta sẵn sàng để phân phát".
Trong họp báo cùng ngày, ông lại không bình luận gì về thông cáo chấn động của Moscow về phê duyệt vaccine Covid-19. Tuy nhiên, ông tiếp tục thông báo nghiên cứu vaccine đạt "tiến triển to lớn" và tuyên bố "chúng ta đang tiến rất gần đến việc cấp phép".
"Chiến dịch vận tốc bẻ cong ánh sáng là chiến dịch lớn nhất và tối tân nhất so với những chiến dịch cùng tính chất ở mọi nơi khác trên thế giới và mọi thời điểm khác trong lịch sử", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Donald Trump ngày 11/8 tự tin nghiên cứu vaccine tại Mỹ đã có những bước tiến lớn. Ảnh: New York Times. |
Hợp tác hay ganh đua?
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã quyết định không cần chờ đợi thử nghiệm mở rộng tại nước này bất chấp rủi ro vaccine Sputnik V không hiệu quả như tuyên bố. Diễn biến tại Nga đã vô tình đặt nhà lãnh đạo Mỹ vào tình thế khó xử, đặc biệt khi hai nhà lãnh đạo có quan hệ thân thiện.
"Xét đến sự tôn trọng thường thấy của ông Trump dành cho ông Putin, cũng như mong muốn chiến thắng mà bản thân ông ấy đang thể hiện, Tổng thống Trump có thể nghĩ đến việc sao chép thắng lợi của Nga trong lĩnh vực vaccine tại nước mình", Monica Schoch-Spana, học giả tại Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins, chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia David Kramer của Đại học Quốc tế Florida, cựu trợ lý ngoại trưởng trong chính quyền Tổng thống George W.Bush, nhận xét nhà lãnh đạo Mỹ nên dùng thời điểm này để kiểm nghiệm mong muốn cải thiện quan hệ với Nga.
"Ngoài kiểm soát vũ khí, cuộc chiến với virus cũng là một trong các vấn đề mà chúng ta và Nga nên hợp tác chứ không phải một nguồn cạnh tranh mới. Tuy nhiên, tốc độ phát triển vaccine của Nga làm dấy nên lo ngại", Kramer cảnh báo.
Washington cũng đang diễn ra những tranh luận mới về cách thức điều chỉnh lại quan hệ giữa hai cường quốc sau cuộc bầu cử năm nay. Trong một đề xuất trên Politico tuần qua, nhóm 103 cựu bộ trưởng, đại sứ và quan chức chính phủ thuộc cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa cùng kêu gọi Washington "đưa mối quan hệ vào con đường nhiều tính xây dựng hơn".
Trong khi đó, ông Kramer dẫn đầu một nhóm 32 cựu quan chức khác ngày 11/8 công khai phản đối ý tưởng "khởi động lại" quan hệ hai nước. Nhóm này lập luận chính phủ hiện tại ở Moscow là "mối đe dọa đến lợi ích và giá trị Mỹ", đồng thời đòi hỏi phản ứng quyết liệt.
Quan hệ Washington - Moscow bị phủ bóng bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016. Điều tra của các cơ quan tình báo Mỹ và công tố viên đặc biệt đều phát hiện Nga can thiệp bầu cử và làm lợi cho chiến dịch của ông Trump. Các kết luận này nhiều lần bị Tổng thống Trump gọi là tin giả.
Tuần trước, các cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục cảnh báo Nga đang tìm cách can thiệp bầu cử năm 2020. Nhận định này ngay lập tức bị Tổng thống Trump phản bác. Nhà lãnh đạo Mỹ nói ông còn cứng rắn hơn cả người tiền nhiệm Barack Obama. Ông dẫn chứng việc tăng đầu tư cho quân đội và gửi vũ khí đến Ukraine để đối phó mối đe dọa từ Nga.
"Tôi nghĩ người cuối cùng mà phía Nga muốn nhìn thấy đắc cử sẽ là Donald Trump vì chưa từng có ai cứng rắng với Nga hơn tôi đâu", Tổng thống Trump trả lời tại một buổi họp báo.