Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc cách mạng Mobile Money sóng gió ở Zimbabwe

Người tiêu dùng và các thương nhân Zimbabwe ngày càng phụ thuộc vào dịch vụ Mobile Money. Tuy nhiên, dịch vụ tại thị trường này còn nhiều hạn chế.

Zimbabwe anh 1

Theo Financial Times, hồi tháng 6/2020, trong nhiều tuần, bà Samantha Murozoki phải tìm cách lo cái ăn hàng ngày cho những công dân nghèo nhất ở vùng ngoại ô Chitungwiza của Harare (Zimbabwe), bất chấp các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 và nền kinh tế sụp đổ.

Bà Murozoki và các tình nguyện viên khác cung cấp đồ ăn cho hàng nghìn cư dân ở thủ đô của quốc gia miền nam châu Phi. Nạn đói hoành hành đất nước ngay cả trước dịch Covid-19, lạm phát hơn 700% và đồng ZWL gần như mất giá hoàn toàn chỉ trong vòng một năm.

Các hạn chế được chính quyền Zimbabwe áp lên Ecocash - công ty độc quyền dịch vụ Mobile Money của đất nước - đã ảnh hưởng đến hàng triệu người như bà Murozoki. "Chúng tôi phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ. Và phần lớn được gửi đến thông qua Ecocash", bà Murozoki chia sẻ.

Zimbabwe anh 2

Zimbabwe trở thành nền kinh tế không tiền mặt điển hình nhờ dịch vụ Mobile Money. Ảnh: Getty Images.

Bùng nổ Mobile Money

Ecocash được phát triển bởi công ty con thuộc Econet Wirleless, hãng viễn thông lớn nhất của Zimbabwe. Ecocash hợp tác với các tổ chức tài chính khác để liên kết tài khoản ngân hàng với dịch vụ Mobile Money của hãng. Nhờ đó, những người có tài khoản ngân hàng có thể chuyển tiền cho người dùng Ecocash.

Chỉ trong vòng 18 tháng kể từ khi Ecocash ra đời vào năm 2012, hơn 30% người trưởng thành ở Zimbabwe đã đăng ký dịch vụ. Tính đến tháng 11/2017, Ecocash thu hút đến 6,7 triệu người dùng. Để so sánh, số tài khoản ngân hàng trong nước chỉ khoảng 2 triệu.

Công ty kiểm soát 99,8% thị trường Mobile Money vào thời điểm này. Trong sáu năm đầu tiên hoạt động, Ecocash đã xử lý hơn 23 tỷ USD giá trị giao dịch, theo TechZim. Trong khi đó, GDP Zimbabwe khoảng 7,5 tỷ USD.

Nền kinh tế Zimbabwe trở thành một trong những nền kinh tế không tiền mặt điển hình. Vào cuối năm 2018, cứ 10 giao dịch thì có đến 8 giao dịch được thực hiện thông qua Mobile Money. Người dùng sử dụng dịch vụ hàng ngày để mua từ bánh mì đến xăng dầu.

Zimbabwe anh 3

Chính quyền Zimbabwe đổ lỗi cho Mobile Money là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát hơn 700% ở đất nước. Ảnh: Getty Images.

Các thương nhân buôn bán bột mì, bơ đậu phộng và một số mặt hàng khác ngày càng phụ thuộc vào Ecocash. Tuy nhiên, đến năm 2019, chính quyền Zimbabwe đã ra lệnh cấm rút và nạp tiền vào Ecocash. Nguyên nhân là một số đại lý viễn thông đã lạm dụng việc rút tiền của người tiêu dùng và gây ảnh hưởng đến hệ thống thanh toán đất nước.

Cụ thể, khi tình trạng thiếu tiền mặt tại Zimbabwe trở nên nghiêm trọng, nhu cầu rút tiền mặt tăng cao, một số đại lý viễn thông đã đẩy mức phí giao dịch lên cao. "Chúng tôi tự hỏi làm cách nào để duy trì", bà Murozoki than thở sau khi lệnh cấm được áp đặt.

Theo Financial Times, rắc rối của bà Murozoki là cái giá phải trả cho những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Emmerson Mnangagwa nhằm ngăn đồng ZWL sụt giá.

Chính phủ cho rằng Ecocash và thị trường chứng khoán địa phương là nguyên nhân khiến đồng tiền sụt giá. Tuy nhiên, theo giới đầu tư và phân tích, những chính sách không nhất quán của ngân hàng trung ương mới là nguyên nhân dẫn đến đồng ZWL mất giá và sự bùng nổ của các thị trường chợ đen.

Trong khi đó, bà Murozoki đau đầu tìm cách phục vụ những người nghèo ở Chitungwiza. "Chúng tôi chỉ hy vọng mọi người chuyển hàng tạp hóa cho chúng tôi. Việc nhận tiền rất đắt đỏ", bà nói thêm.

Những tranh cãi

Ảnh hưởng của dịch vụ Mobile Money tới nền kinh tế Zimbabwe vẫn là tâm điểm tranh cãi. "Khi các nhà chức trách không kiểm soát được giá trị của đồng tiền, câu hỏi đặt ra là khả năng Mobile Money làm trầm trọng thêm lạm phát là bao nhiêu", công ty tư vấn Mondato bình luận.

Mức phí giao dịch cao ngất ngưởng do các đại lý viễn thông tại Zimbabwe đưa ra là bằng chứng cho thấy Mobile Money đã làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình.

Các nhà quản lý cũng cáo buộc Ecocash tạo điều kiện cho những giao dịch tiền tệ bất hợp pháp với tỷ giá cao hơn tỷ giá hối đoái cố định do ngân hàng trung ương quy định, dẫn đến đồng ZWL mất giá.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Mobile Money có tác động tích cực đến các khoản đầu tư, tiết kiệm và tiêu dùng, từ đó giúp ổn định lạm phát. Thêm vào đó, khi đồng nội tệ mất giá, người dân Zimbabwe sẽ không phải mang số lượng tiền mặt lớn bên mình nhờ Mobile Money.

Ecocash phủ nhận lời buộc tội của chính quyền Zimbabwe. Công ty cũng cho biết đã đình chỉ hoạt động của hơn 1.000 đại lý yêu cầu tăng phí rút tiền mặt.

Chúng tôi phụ thuộc vào các khoản ủng hộ. Và phần lớn được gửi đến thông qua Ecocash

- Bà Samantha Murozoki

"Ở một quốc gia nơi công chúng tin tưởng các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money hơn chính phủ và những tổ chức tài chính chính thức, dư luận vẫn sẽ ủng hộ các công ty cung cấp dịch vụ Mobile Money", công ty tư vấn Mondato nhận định.

Sau khi bị chỉ trích nặng nề vì cấm nạp và rút tiền vào tài khoản Mobile Money, Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe đã hủy bỏ lệnh cấm. Cơ quan cũng tuyên bố sẽ tăng cường các cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn những hành vi lạm dụng trong hệ thống thanh toán.

Tuy nhiên, người dùng nước này hiện vẫn bị giới hạn số tài khoản Mobile Money, giá trị giao dịch mỗi ngày và không được giao dịch thông qua các đại lý.

Theo bà Marcia Kwaramba tại Phòng Trách nhiệm Xã hội và Bền vững thuộc Đại học Colorado Boulder, các hạn chế của chính quyền Zimbabwe có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Đó là loại bỏ các thương nhân và người tiêu dùng hợp pháp ra khỏi dịch vụ tài chính.

Zimbabwe anh 4

Một ki-ốt Mobile Money ở Harare bị đóng. Hơn 50.000 đại lý trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng. Ảnh: Tampiwa Mahari/Great Gatsby Photography.

Mạng lưới Mobile Money đã tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở những vùng nông thôn và hẻo lánh của Zimbabwe. Giới chuyên gia cho rằng thay vì các hạn chế nghiêm ngặt, cơ quan tài chính nước này có thể phạt những đại lý bị kết tội rửa tiền hoặc kinh doanh ngoại hối mà không có giấy phép.

Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe cũng cần đưa ra các chính sách tạo điều kiện phát triển dịch vụ Mobile Money an toàn và dễ tiếp cận cho những cư dân Zimbabwe không có quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính.

"Điều này sẽ yêu cầu tất cả bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý và nhà khai thác Mobile Money phát triển một khuôn khổ pháp lý hợp lý", bà Kwaramba nhận định.

"Một khuôn khổ như vậy sẽ bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính khỏi gian lận và lạm dụng. Đồng thời, nó cũng đảm bảo rằng người tiêu dùng và người bán được hưởng đầy đủ lợi ích của dịch vụ Mobile Money", bà nói thêm.

Sử dụng Mobile Money sẽ phải trả phí

Mức phí này sẽ do các doanh nghiệp cung cấp quyết định và được điều chỉnh phù hợp để khuyến khích Mobile Money thâm nhập tới các vùng sâu, vùng xa, nông thôn.

Mobile Money bùng nổ ở châu Phi như thế nào

Sự bùng nổ của Mobile Money giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình châu Phi thoát cảnh đói nghèo. Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy việc áp dụng Mobile Money ở nhiều quốc gia khu vực.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm