Về tình trạng nhà mạng gây khó dễ, dùng gói cước để ràng buộc, giữ chân thuê bao có nhu cầu chuyển mạng giữ số (MNP), Cục Viễn thông cho biết để làm rõ và minh bạch hóa các gói cam kết, gói cước ưu đãi của nhà mạng dùng để từ chối chuyển mạng, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp công bố công khai những gói cam kết, cách thức hủy gói trên trang thông tin điện tử của mình để thuê bao dễ dàng tra cứu trước khi đăng ký chuyển mạng.
Sẽ có biện pháp thúc đẩy MNP
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị các doanh nghiệp có phương án cho thuê bao đền bù cam kết khi có nhu cầu chuyển mạng. Thời gian tới, Cục Viễn thông có kế hoạch cụ thể hóa bằng các quy định văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35.
Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng phải công khai thông tin gói cước và cách thức hủy, tránh tình trạng ràng buộc người dùng có nhu cầu chuyển mạng. Ảnh: Ngô Minh. |
Với những trường hợp SIM số đẹp bị từ chối chuyển mạng, Cục Viễn thông chia sẻ việc kinh doanh số điện thoại có cấu trúc đặc biệt kèm theo cam kết là một trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khi thuê bao sử dụng số và chấp nhận cam kết có nghĩa là đồng ý với những điều khoản trong giao kết dân sự. Do vậy, để tránh tình trạng “người muốn đi - kẻ níu giữ” thì khách hàng cần nghiên cứu kỹ nội dung trong cam kết sử dụng dịch vụ của nhà mạng trước khi giao kết hợp đồng hoặc điều kiện giao dịch chung.
Theo cơ quan chức năng, sau hơn 3 năm triển khai, tính đến hết tháng 3/2022 đã có hơn 2,7 triệu thuê bao chuyển mạng thành công, chiếm khoảng 2,5% tổng số thuê bao di động. Về cơ bản, với tỷ lệ này thì dịch vụ MNP không có ảnh hưởng lớn đến tổng thể thị trường viễn thông di động, song nhìn vào sự dịch chuyển của chuyển mạng giữ số sẽ thấy đa phần thuê bao có xu hướng chuyển sang mạng di động có vùng phủ rộng và chất lượng dịch vụ ổn định.
Cũng theo Cục Viễn thông, MNP đã tạo ra sự cạnh tranh cần thiết giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường di động đang bão hòa, hướng tới mục tiêu giữ chân và kéo thuê bao về mạng của mình. Trong sự cạnh tranh đó thì đối tượng được hưởng lợi nhất chính là người dùng khi doanh nghiệp di động nỗ lực nâng cao năng lực hạ tầng mạng lưới để cung cấp dịch vụ tốt hơn, đồng thời đa dạng hóa các gói cước ưu đãi và dịch vụ giá trị gia tăng cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Cục Viễn thông cũng khẳng định từ khi bắt đầu kích hoạt dịch vụ đến nay, hệ thống Trung tâm chuyển mạng hoạt động ổn định, thông suốt, không xảy ra sự cố và đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp di động cũng như nhu cầu về cơ sở dữ liệu định tuyến của các tổ chức, doanh nghiệp khác.
Đảm bảo cạnh tranh
Bên cạnh những kết quả trên còn một số vấn đề tồn tại trong quá trình cung cấp dịch vụ, đặc biệt là việc cạnh tranh không lành mạnh khi doanh nghiệp từ chối chuyển mạng sai quy định. Mặc dù tỷ lệ này rất thấp nhưng cần chấn chỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cơ quan quản lý khẳng định chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sẽ thúc đẩy thị trường cạnh tranh và đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Khi thực hiện chính sách này sẽ đem lại quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp hơn cho khách hàng.
Thống kê từ Cục Viễn thông cho thấy sau hơn 3 năm, MNP không có ảnh hưởng lớn đến tổng thể thị phần viễn thông di động của các nhà mạng. Ảnh: Ngô Minh. |
Cục Viễn thông nhận định người sử dụng khi đã giữ các mối liên hệ thông qua số điện thoại di động của mình sẽ có tâm lý ngại thay đổi khi chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, các dịch vụ gia tăng chưa đáp ứng nhu cầu. Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là giải pháp khắc phục những trở ngại này.
Theo đại diện Cục Viễn thông, cơ quan này đang trong quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT với mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc phát triển chuyển mạng giữ số. Trong đó, Cục dự kiến trình lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông một số chủ trương, thay đổi lớn nhằm mở rộng hành lang pháp lý, giảm bớt điều kiện chuyển mạng. Để đạt được mục tiêu trên, Cục đã đưa một số quy định khung trình Chính phủ nâng lên cấp Nghị định, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động chuyển mạng giữ số.
Theo thống kê mới nhất của Cục Viễn thông, Vietnamobile tiếp tục là nhà mạng có lượng thuê bao chuyển đi cao nhất, trong khi Viettel tiếp tục dẫn đầu về lượng thuê bao chuyển đến.
Trong giai đoạn từ 1/5 đến 24/5 cho thấy đã có 49.326 thuê bao của Vietnamobile chuyển đi thành công sang nhà mạng khác thông qua dịch vụ chuyển mạng giữ số thuê bao (MNP), con số cao hơn những tháng trước đó. Nhà mạng này chỉ đón về thành công 5 thuê bao, khiến tổng lượng thuê bao của Vietnamobile giảm 49.321 thuê bao trong tháng 5.
Ở chiều ngược lại, nhà mạng tăng thuê bao qua MNP mạnh nhất vẫn là Viettel khi có tới 43.055 thuê bao chuyển đến thành công trong tháng 5. Cùng giai đoạn, Viettel đã chấp thuận cho 627 thuê bao chuyển sang nhà mạng khác.