Không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng, với những bãi biển dài và đẹp vùng Bắc Trung Bộ, Cửa Lò (Nghệ An) và Thiên Cầm (Hà Tĩnh) còn là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng và có bề dày văn hóa trầm tích.
Sách An Tĩnh xưa của giáo sư sử học Hippolyte Le Breton cho chúng ta biết phần nào điều này khi cung cấp những thông tin lý thú từ các sự tích / truyền thuyết lý giải tên gọi cho đến lịch sử khai phá của những vùng đất này.
Cửa Lò - Đất phong của Nguyễn Xí thế kỷ XV. Nguồn: Sách An Tĩnh xưa. |
Cửa Lò và quá trình khai phá của đại tộc Nguyễn - Thượng Xá
An Tĩnh xưa được Hippolyte Le Breton viết trong thời gian giảng dạy và làm hiệu trưởng ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh, 1924-1928). Cuốn sách này cho biết tương đối đầy đủ diện mạo của xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh) khoảng 100 năm trước.
Với độ dày 372 trang, kèm theo gần 200 bức ảnh, trong đó có một số chụp bằng máy bay, sách được đánh giá là một công trình có giá trị và có tính khoa học cao. Tác giả Hippolyte Le Breton vốn được đào tạo ở Pháp, có phương pháp làm việc tốt, lại có phương tiện hiện đại như máy chụp ảnh, có máy bay giúp sức, có địa đồ chính xác, có các ngành khoa học khác hỗ trợ như: địa chất, địa động học, địa lý khảo cổ...
Trong cuốn sách, Le Breton cho biết đầu thế kỷ XV, chưa có Cửa Lò. Ngọn núi nằm giữa quan lộ và Cửa Lò xưa kia là một hòn đảo. Hai nhánh sông Cấm bao quanh hòn đảo, bắt đầu từ cái làng gọi là Đò Cấm, gần nhà ga cùng tên. Nhánh phía bắc vẫn giữ nguyên, nhánh phía nam tạo thành cửa Xá - một cửa sông - nhưng ngày nay đã hoàn toàn bị lấp.
Thuở ấy, ở Cửa Xá đã có những bãi bồi biển mà Lê Lợi đã phong đất cho Nguyễn Hội và trên mảnh đất đó ông đã lập thành Sái Xá, nay gọi là Thượng Xá. Ông mở đồng muối ở làng này và đây cũng là tài sản của ông. Ngày nay đồng muối ấy không còn nữa vì vùng này bị bồi lấp ngày càng rộng ra.
Nguyễn Xí (là con trai thứ hai Nguyễn Hội - con cả là Nguyễn Biện) được phong đất dọc bờ biển từ Cửa Lò đến Cửa Hội (Hội Thống ngày nay).
Trong các bãi bồi dọc bờ biển có Bàu Ó mà dư địa chí gọi là “Hồ nước biển”. Dọc bờ Bàu Ó, Nguyễn Xí đã dùng những tù binh quân nhà Minh bị ông bắt được trong những trận chiến tại An Tĩnh (trong khoảng thời gian 1418-1428) để xây dựng một làng cùng tên. Trên các bãi bồi khác ông cũng cho lập thêm nhiều làng.
Vị tướng này cũng đưa những tù binh người Chăm mà ông bắt được tại Chăm pa qua những cuộc trường chinh vào năm Thái Hòa 3, triều vua Nhân Tông, năm Ất Sửu (1445) đến thuần phục. Những thủ lĩnh như Chế Hiệp, Chế Lâu, Chế Đa được Nguyễn Xí chỉ định cầm đầu “các Hội đồng hương chính” của những làng mới.
Con trưởng của Nguyễn Xí là Nguyễn Sư Hồi được phong đất trên những bãi bồi khác gọi là cây bàng. Những làng Vạn Lộc, Tân Lộc được hình thành trên những bãi bồi ấy.
Theo sắc lệnh của nhà vua, những làng được đại tộc Nguyễn - Thượng Xá lập ra từ thế kỷ XV đều được miễn thuế, tạp dịch, miễn quân dịch. Những người họ Nguyễn này là lãnh chúa tuyệt đối trong thái ấp của họ.
Cũng trong cuốn sách, Hippolyte Le Breton cho biết ông đã nghiên cứu gia phả dòng họ Nguyễn - Thượng Xá và các sự tích các làng ven biển Nghi Lộc và thấy rằng bờ biển đã xê dịch về phía Đông khoảng 2 km so với thế kỷ XV. Người ta phải công nhận sự xâm thực nhanh chóng của lục địa đối với biển cả. Những đồi cát được bồi đắp từ sau thế kỷ XV nay đã cao hơn trước nhiều và người ta cảm nhận được tốc độ lên cao của những ngọn đồi ấy.
Tuy nhiên, trong “Nghệ An chí”, một phần của Đại Nam nhất thống chí biên soạn thời Tự Đức (1847-1883) đến năm 1917 được Bộ Học hiệu đính lại sao chép những thông tin được ghi chép dưới triều Lê trong dư địa chí nên không cập nhật những thông tin này. Theo sách này, trong Bàu Ó, còn gọi là “Hồ nước biển” có hàu, nghêu, vem (những loài ốc hến sống ở cửa sông và vùng nước lợ)… đang sống. Theo Hippolyte Le Breton điều này chỉ đúng ở thế kỷ XV mà thôi. Trên thực tế chỉ có các loại hàu hến sống trong nước ngọt mà thôi…
Sách An Tĩnh xưa. Ảnh: O.P. |
Đất Kỳ La, núi Thiên Cầm và chuyện cha con Hồ Quý Ly bị bắt
Viết về Thiên Cầm, tác giả sách cho biết phía đông huyện lị Cẩm Xuyên, ở làng Kỳ La, có ngọn đồi mang tên Thiên Cầm (đàn trời) vì ngày xưa có ông vua đóng quân ở đây trong đêm, trong lúc mơ màng đã nghe tiếng đàn thần bí và hay tuyệt vời.
Đầu thế kỷ XV, người sáng lập ra nhà Hồ và con trai (Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương) bị các tướng nhà Minh truy đuổi, chạy trốn ở ngọn đồi này, chờ ngày vào biển miền Trung (Thuận Hóa - Huế).
Bỗng một cụ già xuất hiện trước mặt cha con nhà vua và nói: “Đây là đất Kỳ La, kia là núi Thiên Cầm. Cả hai nơi đều không có lợi cho các ngài vì tên nơi này là điềm chẳng lành. Các ngài nên tránh đi tức khắc”.
Tuy nhiên, cha con họ Hồ đã xem thường những lời tiên đoán đó. Chỉ ít lâu sau, họ đã bị quân Minh bắt.
Trong cuốn sách, Hippolyte Le Breton đã đưa ra lời giải thích bóng bẩy về hai cái tên Kỳ La và Thiên Cầm. Kỳ La (Lê) có nghĩa là bắt được họ Lê (Hồ Quý Ly từng mang họ Lê). Thiên Cầm có nghĩa là Trời bắt; theo tác giả, đó cũng là truyền thuyết để cắt nghĩa sự thất bại của "kẻ cướp ngôi nhà Trần".
Ngoài ra, ông cũng nói qua về chữ cầm. Hai chữ Hán này cách viết khác nhau, được đọc như nhau, nhưng có ý nghĩa khác nhau: đàn và bắt (giữ lại).
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng!