Tàu điện - một trong những phương tiện giao thông quan trọng trên đường phố Hà Nội xưa - cắt ngang phố. Ảnh: NSNA Lê Vượng. |
Chuyện người Hà Nội tập 1, 2 phát hành năm 2021 và đầu năm 2022 đã nhận được không ít sự quan tâm của bạn đọc yêu Thủ đô.
Với mong muốn lan tỏa tình yêu thành phố này đến nhiều bạn đọc hơn nữa, mới đây, nhóm “Hà Nội Tri Thức” (có khoảng 57.000 thành viên) tiếp tục cho ra mắt tập 3 của bộ sách này.
Nét riêng của Hà Nội
Vẫn tiếp nối mạch của hai tập trước, Chuyện người Hà Nội - tập 3 đưa bạn đọc đến với một Hà Nội đa sắc màu, nhiều cung bậc cảm xúc với chiều rộng của không gian, chiều sâu của thời gian từ nghìn xưa cho đến những câu chuyện rất thời sự hôm nay.
Với 36 bài viết (tản văn, khảo cứu) của các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học - những người sinh ra và có gia đình sống lâu đời ở Hà Nội, cũng như những người không có gốc gác nhưng sống và làm việc trên mảnh đất này - cuốn sách không chỉ cho thấy nhiều góc nhìn khác nhau về mảnh đất nghìn năm văn hiến, mà còn cho thấy Hà Nội gắn bó một cách tự nhiên với mỗi người dân đất Việt.
Chúng ta bắt gặp một Hà Nội đẹp từ những nét đẹp bình dị nhưng cũng rất riêng qua những bài tản văn giàu hình ảnh và chất thơ như: Hà Nội bốn mùa yêu (Hoài Hương), Lá bàng thắp lửa phố phường (Nguyễn Hữu Mão), Một thoáng Hà Nội (Nguyễn Thị Hậu).
Nét đẹp của Hà Nội là sắc màu tự nhiên với bốn mùa hương hoa. Mùa xuân với hoa đào, cuối xuân hoa gạo, đầu hạ hoa loa kèn, tháng 5 bằng lăng, phượng vĩ, tháng 6 sen hồ Tây, thu sang với ngọc lan, đông về chênh chao với cúc họa mi, những cây bàng làm duyên trên khắp phố phường đồng loạt rực màu lá đỏ...
Nét đẹp Hà Nội còn là tiếng vọng của thời gian phảng phất từ những “phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu” nghìn năm tuổi của Thăng Long thành, từ đình cổ Kim Ngân, nhà thờ của ông tổ ngành kim hoàn, đến mộng liêu trai bên Hồ Gươm, hay bờ tường đá rêu phong của Hoàng thành Thăng Long từng chứng kiến bao thăng trầm của phố qua năm qua tháng…
Những ai “hoài cổ” có thể tìm thấy trong cuốn sách một chợ Hàng Da từ thuở bán da thuộc xưa đến Trung tâm thương mại Hàng Da hôm nay - một cái chợ nhỏ mà từng là chứng nhân cho bao đổi thay của thời cuộc (Chợ Hàng Da - Phạm Hồng Thế)…
Sách Chuyện người Hà Nội - tập 3. Ảnh: MC. |
Những con người bình dị góp phần dựng xây Thủ đô
Hà Nội không chỉ đẹp bởi sắc màu tự nhiên, hay nét cổ kính rêu phong của phố mà còn từ hương vị đất trời qua những món quà quê ngon ngọt (Hương vị đất trời - Nguyễn Lệ Chân), từ những tà áo dài (Phong cách tà áo dài Hà Nội - Vũ Thị Tuyết Nhung), hay từ những con người bình thường, giản dị - chính họ đã góp từng viên đá nhỏ dựng nên một thế đứng vững vàng của kinh thành thuở trước và Thủ đô hôm nay.
Ta có thể tìm thấy Hà Nội một thời lam lũ, vất vả thiếu thốn đủ bề. Đó có thể là những người dân phố cổ với nếp sinh hoạt bao nhiêu năm rồi chẳng giống ai (Chuyện của người phố cổ - Nguyễn Văn Ất). Đó còn là cư dân trong các khu tập thể của những công chức, viên chức, người lao động một thời bao cấp kham khổ thiếu thốn đủ đường…
Bên cạnh những con người bình thường, bình dị ta cũng bắt gặp những con người tạo nên những dấu ấn đặc biệt trên các lĩnh vực.
Đó là bác sĩ Trần Văn Lai, chỉ trong 30 ngày làm Đốc lý đứng đầu chính quyền Hà Nội trước cuộc Cách mạng Tháng tám đã làm rung chuyển Hà thành bằng một cuộc cách mạng tên đường phố, thay những tên đường phố tên Tây bằng tên các danh nhân, anh hùng dân tộc (30 ngày rung chuyển Hà thành - Hồ Công Thiết). Đó là Trưởng ban tổ chức lễ đài độc lập Nguyễn Hữu Đang, đã cống hiến một cách sôi nổi tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp chung (Tình yêu thời cách mạng - Dương Trung Quốc).
Đó còn là những tên tuổi được nhiều người ngưỡng mộ về tài năng và nhân cách như Thâm Tâm (Ngày trở về của Thâm Tâm - Nguyễn Tuấn Khoa), NSND Trần Khánh (Thắp hương NSND Trần Khánh - Ngô Thế Long), nhà thơ Việt Phương (Một người rất sáng rất trong - Phạm Kim Thanh), “ông tổ ngành sơn” Phùng Như Cương (Phùng Như Cương với hiệu sơn Thăng Long - Đào Thị Diến)….
Bên cạnh vẻ đẹp của Hà Nội, cuốn sách còn nhắc nhớ lại “Hà Nội một thời đạn bom một thời hòa bình” (Cánh én bạc số 4 - Nguyễn Kim Thu; Nhớ thuở học trong bom đạn - Nguyễn Hữu Mão). Ngoài ra sách còn cung cấp nhiều tư liệu quý về những con phố, công trình kiến trúc, nhất là cầu Long Biên - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, đóng vai trò như một huyết mạch giao thông nối liền Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía bắc và đông bắc (Toàn quyền Paul Doumer với việc xây dựng cầu Long Biên - Nguyễn Văn Trường)…
Tóm lại, bằng tình cảm và sự trải lòng mình, từng bài viết trong Chuyện người Hà Nội tập 3 đã lưu dấu lại ký ức đẹp đẽ và tình yêu tha thiết của mỗi tác giả dành cho Hà Nội. Qua đó, góp phần lưu giữ nét đẹp của Thủ đô nghìn năm văn hiến.