Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóng đá Hà Nội thời cực thịnh

Thời cực thịnh những năm cuối thế kỷ 20, bóng đá Hà Nội có hàng trăm đội bóng đá đủ các hạng thi đấu.

Bong da Ha Noi anh 1

Đội bóng Công an Hà Nội lừng danh một thuở. Nguồn: Ảnh trong sách.

Tản mạn bóng đá Hà Thành là cuốn sách viết về bóng đá thủ đô qua các thời kỳ của nhà báo, nhà văn, cựu cầu thủ Đội bóng đá Công an Hà Nội Hồ Công Thiết. Đây cũng là sự tổng kết, đúc rút, tìm hiểu công phu, với niềm đam mê, tình yêu lớn của tác giả dành cho bóng đá thủ đô nói riêng và bóng đá nước nhà nói chung.

Bóng đá thủ đô trong những năm đầu hòa bình lập lại

Khác với một số cuốn sách viết về bóng đá nội dung chỉ bao gồm các sự kiện, hình ảnh và số liệu, nhưng lại thiếu đi nhiều nhân vật con người cụ thể, Tản mạn bóng đá Hà Thành đề cập đến rất nhiều con người nhiệt tình, tâm huyết với bóng đá, từ những chính khách, nhà quản lý bóng đá, đến các cầu thủ và cả những cổ động viên đặc biệt.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn đề cập đời sống sôi động bóng đá Hà Nội từ cổ chí kim, với những câu chuyện, những tình tiết sống động, hấp dẫn về những đội bóng lừng danh, các tượng đài bóng đá… Tất cả đã góp phần tạo nên một bức tranh sinh động, đa dạng về bóng đá thủ đô.

Trong cuốn sách, tác giả đã đề cập đến sự du nhập của bóng đá vào Việt Nam và cách nó phát triển để trở thành môn thể thao được nhiều người yêu thích nhất. Ông cũng trân trọng khi nói đến sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng, mà điểm nhấn là trận đấu quốc tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do chính Người kiến tạo, tổ chức. Đó là trận đấu giữa Đội tuyển thành phố Hải Phòng (do Người chỉ đạo thành lập) và Đội tuyển Hải quân Pháp tại sân Phố Ga chiều ngày 21/10/1946.

Tác giả cũng đề cập đến sự quan tâm, chăm sóc xây dựng lực lượng bóng đá Thủ đô trong những năm đầu hòa bình lập lại (1954) của Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố, bác sĩ Trần Duy Hưng. Chính bác sĩ cùng lãnh đạo Bộ Công an, vượt qua rào cản lý lịch tuyển dụng gần như cả đội bóng Cảnh binh của chính quyền thời Pháp và quyết định thành phố sẽ chịu trách nhiệm về kinh phí và chuyên môn cho đội bóng Công an Hà Nội.

Ngày 10/10/1956, ông Trần Duy Hưng đã chủ trì ra mắt đội bóng Công an Hà Nội ngay tại Nhà khách Ủy ban hành chính Hà Nội. Ngoài ra, ông cũng là người ký quyết định thành lập Trường Thể dục Thể thao 10-10 và đội bóng đá Thanh niên Hà Nội.

Nói đến sự quan tâm của các nhà quản lý đối với bóng đá Thủ đô, tác giả còn nhắc nhớ về một tượng đài Đội bóng đá Công an Hà Nội, đó là ông Phó giám đốc Sở Công an Lê Nghĩa. Ông là người đã tận tâm tổ chức hình thành đội đội bóng đá Công an Hà Nội.

Thời miền Bắc chưa giải phóng ông Nghĩa là một điệp báo viên huyền thoại của Công an Hà Nội hoạt động trong vùng tạm chiếm. Ông được giao đảm nhiệm chức Phó giám đốc phụ trách về an ninh - chính trị, nhưng tình yêu thể thao, tình yêu bóng đá đã khiến ông dành rất nhiều thời gian cho đội bóng Công an Hà Nội.

Bong da Ha Noi anh 2

Sách Tản mạn bóng đá Hà Thành. Ảnh: M.C.

Những đội bóng lừng danh trên đất Hà Thành

Đề cập đến đời sống bóng đá Hà Nội những ngày xa xưa, tác giả cho biết những năm 1960-1970 thế kỷ trước, bóng đá đã như một thứ tôn giáo để gắn kết mọi người và nó lan tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm.

Năm 1978, thủ đô Hà Nội mở rộng với diện tích đất 2.136 km2, dân số hơn 2 triệu người. Vậy mà, thời gian đó Hà Nội có số đội bóng đá và những người chơi bóng gấp nhiều lần so với hiện nay.

Thời cực thịnh những năm cuối thế kỷ 20, bóng đá Hà Nội có hàng trăm đội bóng đá đủ các hạng thi đấu. Trong số đó đội mạnh chiếm hạng cao nhất trong bóng đá Việt Nam (hạng A) có 10 đội bóng. Đây cũng là những đội bóng lừng danh trên đất Hà Thành, đồng thời là tượng đài bóng đá Việt Nam (trong sách, tác giả có từng bài viết riêng cho từng đội bóng). Có thể kể đến như: Thể Công, Công an Hà Nội, Tổng cục Bưu điện, Đường sắt Việt Nam, Quân khu Thủ đô, Phòng không Không quân, Xây dựng Hà Nội, Thanh niên Hà Nội, Thanh niên Bộ công an, Trường huấn luyện.

Hạng B và hạng C có: Đo lường, Xe ca, Xe điện, Toa xe Hà Nội, Đúc Mai Lâm, Bốc vác ga, Thủ công nghiệp, Tổng cục địa chất, Tổng cục Thuế, Vôi Ba Nhất, Hợp tác xã Phương đông 4, Bộ Ngoại giao, Sở điện…

Những danh thủ và những người hâm mộ đặc biệt

Bên cạnh những chính khách, những nhà quản lý, những đội bóng, cuốn sách còn dành phần lớn dung lượng để nói về những danh thủ và những người hâm mộ đặc biệt của bóng đá Hà Thành. Những con người này chính là những bậc tiền bối, những người thầy, người anh, người đồng đội của tác giả trong đời thường và trên sân bóng, nên rất gần gũi thân thuộc trong từng câu chuyện.

Bong da Ha Noi anh 3

Thủ môn Duy Lễ, tuyển vào đội Thể Công 1961, năm 1969 chuyển sang Công an Hà Nội. Nguồn: Ảnh trong sách.

Có thể kể đến danh thủ Thìn A và các con Cao Dũng, Thế Anh, Cao Cường, Cao Vinh, Cao Hiển, Quốc Nghị; cha con danh thủ Trương Tấn Bửu - Trương Tấn Nghĩa gắn liền với đội bóng Thể Công lừng danh. Hay những câu chuyện sinh động về đời sống và sự tận tụy cống hiến cho bóng đá của huyền thoại Lưu Đình Tòng (Tòng “cháy”); về “Người giời” Nguyễn Ngọc Minh, 90 tuổi vẫn rong ruổi với trái bóng tròn; về “Thủ lĩnh Công an Hà Nội” Tô Hiền; về “gia tộc gác đền bóng đá Việt Nam" Trần Văn Vĩnh, Trần Văn Khánh.

Rồi một loạt cầu thủ bóng đá mà sau này vẫn tiếp tục có những đóng góp lớn cho nền bóng đá nước nhà như Vũ Mạnh Hải, Mai Đức Chung - Chung “xe ca” hay “Chung gái”, Trần Duy Long, Trịnh Minh Huế, Từ Như Hiển, Lê Thụy Hải - Hải “lơ”, Nguyễn Văn Hai - Hai “voi”, Trần Đình Du - Du “cò”, Nguyễn Trọng Giáp…

Hay những cầu thủ - Mạnh thường quân - như trung vệ Công an Hà Nội Văn Hùng, sau khi giải nghệ vẫn say mê với trái bóng tròn, sẵn sàng tài trợ cho hoạt động của Hội cựu cầu thủ; ông Nguyễn Sỹ Hưng - cựu cầu thủ đội Thanh niên Hà Nội - cho đến nay vẫn đóng góp cho Hội cầu thủ Thanh niên Hà Nội.

Đó còn là những người hâm mộ đặc biệt như nhà văn Nguyên Hồng - cổ động viên nhiệt nhất Việt Nam, hay ông Cường “kèn” - “Người thổi hồn cho bóng đá” đã dùng tiếng kèn bất hủ cổ vũ cho những trận bóng đá sôi động, hấp dẫn trên các sân Hà Nội, đặc biệt là sân Hàng Đẫy…

Có thể nói, Tản mạn bóng đá Hà Thành là cuốn sách hấp dẫn, lý thú về bóng đá Thủ đô Hà Nội. Những câu chuyện trong cuốn sách sẽ giúp các thế hệ trẻ hiểu thêm về nguồn cội bóng đá Thủ đô; đồng thời góp phần khơi gợi lan tỏa niềm đam mê và thúc đẩy môn thể thao vua phát triển.

Ý chí bóng đá Việt qua những cuốn sách

U23 Việt Nam hai lần liên tiếp đoạt Huy chương vàng SEA Games dưới thời HLV Park Hang-seo. Bí quyết cầm quân của HLV người Hàn Quốc được tiết lộ qua những cuốn sách.

‘Giải mật ngoại hạng Anh’ và câu chuyện phát triển bóng đá Việt Nam

Từ việc phân tích bức tranh của giải Ngoại hạng Anh, các diễn giả bước đầu bàn luận đến việc kinh doanh của bóng đá nước nhà.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm