Sau khoảng 2 năm ngành thẩm mĩ bị đình trệ, ông Vũ Anh Tú (28 tuổi) - nhà phân phối các thiết bị chăm sóc sắc đẹp cho các spa, viện thẩm mĩ tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận gần - như không có việc làm.
Trước tình hình đó, ngay khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, ông Tú quyết định kinh doanh cửa hàng nhượng quyền của thương hiệu Vua Cua tại đường Nguyễn Văn Thương, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
"Sau nhiều đợt dịch bùng phát, tôi nhận thấy ngành kinh doanh ngành thực phẩm và F&B có thể chuyển đổi linh hoạt hơn khi giãn cách xã hội. Toàn bộ kế hoạch kinh doanh này từ khi lên ý tưởng cho đến lúc khai trương cửa hàng diễn ra rất nhanh chóng, chỉ trong khoảng 1 tháng", ông Vũ Anh Tú chia sẻ.
Mở rộng điểm bán
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang phải chuyển đổi để tiết kiệm chi phí, vẫn có không ít doanh nghiệp đang nhanh chóng nắm lấy cơ hội về mặt bằng để mở rộng chuỗi kinh doanh của mình.
Gần nhất, chuỗi cà phê PhinDeli mới lấy được một trong những mặt bằng đắc địa nhất TP.HCM tại ngã 6 Phù Đổng, quận 1. Đây là mặt bằng 3 mặt tiền có giá thuê luôn ở mức cao nhất thị trường và được các chuỗi F&B săn đón nhờ giá trị cao về mặt thương hiệu và marketing.
Trước khi về tay PhinDeli, mặt bằng này đã được Soya Garden và Phúc Long thuê với giá khoảng 25.000 USD/tháng với hợp đồng kéo dài từ 3-5 năm. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, mặt bằng này đã bị bỏ trống trong khoảng 6 tháng.
Cửa hàng PhinDeli tại ngã 6 Phù Đổng. Ảnh: Duy Hiệu. |
PhinDeli chưa phải là thương hiệu quá quen thuộc trong nhóm các chuỗi cửa hàng cà phê phục vụ tại chỗ. Tuy nhiên, đầu năm 2021, thương hiệu này đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại tòa nhà Metropolitan trên đường Đồng Khởi, đối diện Nhà thờ Đức Bà.
Trong năm nay, PhinDeli đã sáp nhập thành công vào hệ sinh thái của Tập đoàn Nova, thuộc Nova Consumer Group. Trước đó, PhinDeli chủ yếu phân phối trong các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Với những doanh nghiệp có nguồn vốn vừa phải, cũng có một vài thương hiệu vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô theo hình thức nhượng quyền để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu.
Các chủ mặt bằng đang có nhiều ưu đãi về giá cũng như chính sách thuê cho khách mới
Ông Nguyễn Chánh, trưởng phòng nhượng quyền Vua Cua
Trong tháng 11, thương hiệu Vua Cua cũng dự kiến khai trương đồng loạt 15 điểm "xe cua" tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, WinMart và 5 cửa hàng nhượng quyền diện tích nhỏ, chủ yếu bán mang đi.
"Sau thời gian dịch bệnh, chúng tôi nhận thấy chỉ có nhóm thực phẩm và nhu yếu phẩm được phép kinh doanh. Về lâu dài, mô hình thực phẩm sẽ có bền vững hơn so với các nhà hàng F&B thông thường. Định hướng của Vua Cua là tập trung các sản phẩm đóng gói và cấp đông với đầy đủ nguyên liệu để khách hàng có thể tự sơ chế tại nhà", ông Nguyễn Chánh, trưởng phòng nhượng quyền Vua Cua nói với Zing.
Đại diện Vua Cua cho biết doanh nghiệp vẫn phát triển mô hình nhà hàng, song đây là kênh kinh doanh với chi phí đầu tư lớn nên việc kết hợp với các nhà đầu tư nhượng quyền tại nhiều tỉnh thành.
"Hiện nay, điểm sáng của hoạt động kinh doanh nằm ở chi phí mặt bằng và nguồn nhân công. Tại TP.HCM, nhân lực đang thiếu hụt nhưng ở các thị trường tỉnh, nguồn nhân lực khá dồi dào và chi phí phải chăng. Trong khi đó, các chủ mặt bằng đang có nhiều ưu đãi về giá cũng như chính sách thuê cho khách mới. Đây có thể xem là thuận lợi cho doanh nghiệp", ông Chánh bình luận thêm.
Các chuỗi tìm hướng đi mới
Trong thời gian qua, thị trường đã chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt mô hình kinh doanh mới của các doanh nghiệp bán đồ ăn, thức uống tại TP.HCM. Điều này cho thấy các thương hiệu này đang tìm cách thích nghi trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Cụ thể, mới đây The Coffee House đã cho ra mắt mô hình kiosk đầu tiên với tên gọi The Coffee House Now tại siêu thị KingFood Mart trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Phiên bản mới của chuỗi cà phê này sẽ tập trung xây dựng các cửa hàng nhỏ trên phố, kiosk và xe đẩy, tại những địa điểm gần nơi sinh sống, làm việc và mua sắm của người tiêu dùng.
Sau nhiều đợt dịch bùng phát, The Coffee House đã phải đóng cửa hơn 20 cửa hàng để giảm chi phí vận hành cũng như chuyển đổi mô hình kinh doanh. Theo đó, mỗi cửa hàng phục vụ tại chỗ của doanh nghiệp này được đầu tư với chi phí lớn, lên đến hàng tỷ đồng.
Với mô hình mới này, cửa hàng trên phố chủ yếu bán mang đi và giao hàng tận nơi, đồng thời có thêm không gian nhỏ cho khách ngồi lại. Còn kiosk là sự kết hợp với các chuỗi phân phối lớn tại nơi có mật độ người tiêu dùng cao.
Một kiosk của mô hình The Coffee House Now đã đi vào hoạt động. Ảnh: The Coffee House. |
Việc xây dựng các cửa hàng thu nhỏ không phải con đường quá mới đối với các cửa hàng F&B. Thương hiệu Phúc Long những tháng qua đẩy mạnh xây dựng kiosk trong các siêu thị WinMart. Còn ở những đợt dịch đầu tiên, các thương hiệu Highlands Coffee, McDonald's, Otoke Chicken, Ông Bầu... đã thử nghiệm mô hình xe đẩy.
Theo đánh giá của các chuyên gia về bán lẻ cũng như trong ngành F&B, từ đầu năm 2020, sự bùng nổ của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng to lớn đến sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Các chính sách giãn cách cộng đồng, cách ly xã hội hay làm việc tại nhà.. đã phát sinh nhiều hơn nhu cầu mua sắm trực tuyến, vượt xa khỏi ước tính của nền thương mại điện tử.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang áp dụng mô hình đa kênh (omnichannel) bao gồm các kênh online và các kênh offline (trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý).