Microsoft hôm 13/9 cho biết đề nghị mua lại TikTok của họ đã bị từ chối, một tuần trước thời hạn mà Tổng thống Donald Trump đặt ra để cấm ứng dụng chia sẻ video Trung Quốc, theo Chicago Tribune.
Walmart đã có kế hoạch hợp tác với Microsoft trong thương vụ này. Không rõ liệu Walmart có còn quan tâm hay không trước khi Microsoft được thông báo về việc bị từ chối hôm 13/9.
Microsoft cùng ngày nói họ "tự tin rằng đề xuất của chúng tôi sẽ tốt cho người dùng TikTok, đồng thời bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia". Công ty cho biết họ "sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể để đảm bảo dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về bảo mật, quyền riêng tư, an toàn trên mạng và chống thông tin sai lệch".
Microsoft bị từ chối trong thương vụ mua lại TikTok tại Mỹ. Ảnh: AP. |
Chính quyền Trump đã đe dọa sẽ cấm TikTok từ ngày 20/9 và ra lệnh cho ByteDance bán lại hoạt động kinh doanh của họ tại Mỹ, viện dẫn rủi ro an ninh quốc gia vì công ty thuộc sở hữu Trung Quốc. Chính phủ Mỹ lo lắng về việc dữ liệu người dùng sẽ bị chuyển cho chính quyền Trung Quốc.
TikTok phủ nhận đây là rủi ro an ninh quốc gia và đang kiện để ngăn cản chính quyền Mỹ ban hành lệnh cấm.
Washington Post sau đó đưa tin rằng Oracle đã được ByteDance chọn làm "đối tác công nghệ" để xoa dịu những lo ngại của Mỹ.
Hôm 14/9, báo South China Morning Post cho biết ByteDance sẽ không bán hoặc chuyển giao thuật toán đằng sau TikTok trong bất kỳ thương vụ mua bán hoặc thoái vốn nào, trích dẫn nguồn tin tóm tắt về các cuộc thảo luận trong phòng họp của công ty Trung Quốc, cũng như chỉ ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của chính phủ Trung Quốc.
Vào cuối tháng 8, Bắc Kinh đã ban hành các hạn chế hoặc lệnh cấm mới đối với xuất khẩu công nghệ, yêu cầu các công ty phải xin phép chính phủ - một quá trình có thể mất tới 30 ngày.
Các quy định, chưa được cập nhật kể từ năm 2008, được cho là nhằm trì hoãn việc bán TikTok cho người mua ở Mỹ.
Cờ Mỹ và Trung Quốc kế bên logo TikTok trong hình minh họa chụp ngày 16/7. Ảnh: Reuters. |
TikTok đã nỗ lực tạo ra khoảng cách giữa ứng dụng này và chủ sở hữu Trung Quốc. Họ đã bổ nhiệm cựu giám đốc điều hành hàng đầu của Disney, Kevin Mayer, làm giám đốc điều hành tại Mỹ. Tuy nhiên, ông đã từ chức vào tháng 8 chỉ sau vài tháng làm việc, nói rằng "môi trường chính trị đã thay đổi mạnh mẽ".
Người đồng sáng lập Oracle, Larry Ellison, là một trong số ít lãnh đạo công ty công nghệ công khai ủng hộ Tổng thống Trump. Công ty cũng đã thuê cựu trợ lý hàng đầu của Phó tổng thống Mike Pence, Safra Catz - người cũng từng làm việc trong đội chuyển giao của ông Trump, về làm CEO.
Ông Trump hôm 18/8 nói Oracle là "một công ty tuyệt vời" có thể "xử lý" việc mua TikTok. Ông từ chối tiết lộ lựa chọn của ông giữa Oracle và Microsoft mua lại TikTok Mỹ.
Cả Microsoft và Oracle đều được biết đến nhiều hơn về dịch vụ phần mềm dành cho doanh nghiệp hơn là những phần mềm dành cho người tiêu dùng.
Oracle chủ yếu làm phần mềm cơ sở dữ liệu. Công ty cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft và Amazon để cung cấp dịch vụ đám mây, cũng như với các công ty chuyên về phần mềm doanh nghiệp như Salesforce.
TikTok, ứng dụng đã có 100 triệu người dùng tại Mỹ và khoảng 700 triệu người dùng toàn cầu, nổi tiếng với những video vui nhộn, hài hước ghi lại các màn vũ đạo, hát nhép, trò chơi khăm... Song ứng dụng này cũng gây lo ngại vì chủ sở hữu Trung Quốc, ByteDance.
Nhà Trắng đã thẳng tay trấn áp một loạt doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE, cũng như ứng dụng nhắn tin WeChat, vì lo ngại rằng họ cho phép chính quyền Trung Quốc lấy dữ liệu người dùng Mỹ. Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Mỹ cũng đã nêu ra những lo ngại về kiểm duyệt và quyền riêng tư của trẻ em.