Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cú lội ngược dòng của ông Donald Trump

Trước tối bầu cử, gia đình Clinton đã ăn mừng chiến thắng, nhưng điều đó là quá sớm và có phần chủ quan, bởi Donald Trump đã lội ngược dòng.

Khi Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ, ông được cho là ứng cử viên cuối cùng cho chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng. Nhưng cuối năm 2016, kết quả bầu cử là một bất ngờ lớn với cả thế giới.

Cuốn sách Đường đến Nhà Trắng 2016 - Cuộc cách mạng của Donald Trump kể lại hành trình trở thành tổng thống nước Mỹ của Donald Trump qua con mắt của chính trị gia kỳ cựu Roger Stone. Sách mới được xuất bản tại Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Thanh Châu.

Được sự đồng ý của đơn vị phát hành, Zing.vn trích đăng một phần cuốn sách. Nội dung bài trích đăng sách thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách diễn đạt của tác giả Roger Stone.

Tựa đề các đoạn trích do Zing.vn đặt.

Donald Trump,  The making of the President 2016 anh 1
Hillary Clinton không xuất hiện trong đêm kiểm phiếu, không tuyên bố thua cuộc.

Mỗi lá phiếu đều quan trọng

Vào khoảng 1:35 sáng ET (ngày 9/11/2016 - pv), Trump được tuyên bố thắng cử ở Pennsylvania, một bang mà Clinton coi là quan trọng đối với chiến lược “tường lửa” của bà ta, được dựng để không cho Trump vào Nhà Trắng. Với Pennsylvania chắc chắn trong tay, Trump đã có 264 trên tổng phiếu của 270 đại cử tri cần để chiến thắng.

Một trong những quyết định mấu chốt nhất của Trump là việc ông chọn David Urban, sĩ quan tốt nghiệp West Point để điều hành chiến dịch Pennsylvania của ông. Một cựu lễ sinh, con của một công nhân liên đoàn sắt thép ở Aliquippa, Pennsylvania, Urban nổi tiếng trên chiến trường và trong chính quyền. Urban mạnh mẽ đã đưa Trump vào sâu trong vùng phía tây Pennsylvania nhiều nghiệp đoàn, và là người hoạt động duy nhất đã chuyển bang này từ màu xanh (bầu cho Dân chủ) sang màu đỏ (bầu cho Cộng hòa).

Một lựa chọn khôn ngoan khác cho vị trí điều hành bang là Ed McCullen ở South Carolina. McCullen, người ủng hộ Trump ngay từ đầu đã cho chiến dịch nhiều lời tư vấn quý báu suốt 18 tháng, đưa tới chiến thắng của Trump ở cả hai bang Ohio và North Carolina. Khi chiến thắng có vẻ đã chắc chắn, với việc Trump dẫn trước trong số phiếu đã kiểm ở Wiscosin, Michigan và Arizona - chỉ cần thắng một trong ba bang này là đủ để Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Cuối cùng, Trump thắng Arizona cùng với Michigan và Wisconsin - hai bang Hillary và những người ủng hộ bà ta luôn chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Clinton.

Trong cả nước, hàng triệu người thức trắng đêm, dán mắt vào màn hình khi kết quả được báo về bắt đầu nhận ra những gì tưởng như không thể, thì nay nhanh chóng trở thành thực tế: Trump sẽ thắng.

Vì đám đông ở Trung tâm Javits nhận thấy Hillary đã thua, những người ủng hộ bắt đầu ra về một mình hay từng nhóm nhỏ trong tâm trạng buồn bã. Có nhiều tin đưa Hillary “không thể ngừng khóc.” Một khi nhận ra mình đã thua, bà trở nên “xúc động không thể an ủi,” rơi vào trạng thái “điên dại như kẻ thần kinh, say rượu” và bắt đầu đánh đấm các trợ lý cao cấp của bà, trong đó có Robby Mook và John Podesta.

Việc Hillary không xuất hiện trước những người ủng hộ tối hôm đó để cảm ơn càng củng cố tin mà những tweet của những người trong chiến dịch Clinton và nhiều người khác nhau trong truyền thông nói Hillary không kiểm soát được mình và không dễ chịu chút nào với công chúng trong cơn điên loạn vì thua.

Lúc 2:02 ET sáng thứ Tư, 9/11, John Podesta xuất hiện tại tổng hành dinh Clinton ở Jacob K. Javits Center, thành phố New York trong cái lẽ ra là lễ ăn mừng chiến thắng của Hillary Clinton. “Đó là một đêm dài, một chiến dịch dài,” Podesta nói, cố làm bộ lạc quan. “Nhưng tôi muốn nói chúng ta có thể đợi thêm chút nữa, được chứ?” Đám đông hăng hái reo hò.

“Họ vẫn đang kiểm phiếu và mỗi phiếu đều quan trọng,” ông ta khẳng định. “Một số bang kết quả rất sát, vì vậy chúng tôi sẽ không có gì để nói thêm tối nay,” Podesta giải thích. Điều này được hiểu là tối đó Hillary Clinton không có ý định xuất hiện để thừa nhận thất bại trước công chúng.

“Vì vậy, xin hãy nghe tôi. Mọi người nên về nhà ngủ. Có gì ngày mai chúng tôi sẽ nói,” Podesta nói ráo hoảnh. “Tôi muốn mọi người trong phòng này, và trong cả nước ủng hộ Hillary biết rằng tiếng nói và lòng hăng say của các bạn có ý nghĩa rất lớn. Chúng tôi rất tự hào về các bạn và chúng tôi tự hào về bà ấy,” ông ta nói tiếp.

“Bà ấy vẫn chưa thua. Vì thế cảm ơn mọi người đã ở bên cạnh bà. Bà luôn ở bên cạnh các bạn. Tối nay tôi phải nói điều này, ‘chúc ngủ ngon’ chúng ta sẽ trở lại và sẽ nói nhiều hơn. Hãy để phiếu được kiểm, và hãy nhớ điều đó. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì những gì các bạn đã làm. Các bạn luôn trong trái tim chúng tôi. Cảm ơn.”

Podesta rời bục, tạo ấn tượng vẫn còn khả năng Hillary có thể thắng. Điều rõ ràng là Hillary - người có thể thua sẽ không có bài thừa nhận thất bại theo truyền thống ngay Tối Bầu cử, vì bà vẫn chưa sẵn sàng nghĩ là có thể thua.

Một băng hình rò rỉ trước Tối Bầu cử cho thấy gia đình Clinton đang ăn mừng, sau khi họ được báo nhầm là Clinton đã thắng. Chelsea ngã vào vòng tay mẹ khi Hillary dang rộng hai tay và hai mẹ con ôm nhau. Đứng cạnh họ, Bill Clinton nhảy cẫng lên vì vui sướng, vung tay nhìn giống cậu học sinh không thể ngăn được niềm phấn khích của mình.

Từ một số tin chưa khẳng định, may mắn đảo chiều khi phiếu được kiểm làm tiêu tan hi vọng của gia đình Clinton.

American Spectator đưa tin sau khi Hillary nhận ra mình thua, bà nổi điên. “Các sĩ quan mật vụ nói ít nhất một nguồn tin cho biết bà bắt đầu gào thét, văng tục và đập phá đồ đạc,” R. Emmett Tyrrell, Jr. đưa tin trên Spectacle Blog. “Bà vớ các thứ và ném chúng vào những người giúp việc và nhân viên. Bà đang trong cơn giận dữ không kiềm chế nổi. Các phụ tá của bà không thể để bà xuất hiện trước công chúng.”

Tyrrell cũng bình luận ông muốn đưa tin về Bill Clinton đang ở đâu, nhưng không thể vì khi Podesta ra với “bài nói vớ vẩn,” Bill không biết lẩn đi đâu.

Breitbart nhận xét, những bài viết của Tyrrell vẫn là cái gai cắm vào mạng sườn vợ chồng Clinton từ khi American Spectator là tờ báo đầu tiên vào những năm 1990 đăng tải các chuyện về “lính canh cửa” kể chi tiết về sự phóng đãng tình dục của Bill Clinton. Theo an ninh Arkansas kể, thoạt đầu là Paula Jones, vụ này làm Clinton bị xem xét bãi miễn. “Trong những năm 1990, chúng tôi đã viết một vài bài kể việc bà ta ném đèn và sách,” Tyrrell nói với Breitbart. “Việc này xảy ra khá thường xuyên. Bà ta lắm mồm, nên binh sĩ bang Arkansas biết một hai chuyện từ bà. Bà ta đanh đá và mạnh tay ném đồ.”

Vấn đề Clinton có gọi cho Trump vào Tối Bầu cử hay không chẳng ai biết, cho tới sáng thứ Tư khi Kellyanne Conway quản lý chiến dịch của Trump xuất hiện trong chương trình Today Show của NBC.

Thoạt đầu Conway giải thích Tổng thống Obama đã gọi cho Trump vào Tối Bầu cử. “Cuộc nói chuyện đầm ấm và chúng tôi rất vui mừng nhận được điện thoại từ Tổng thống,” cô nói. “Hai người đã trao đổi kỹ và rất nhiều về chiến thắng của ông Trump,” Conway nói rõ thêm. “Ông ấy được chúc mừng và họ quyết định sẽ hợp tác, chính xác là những gì đất nước này cần để tổng thống đương nhiệm và tổng thống đắc cử, cũng như những người khác trong cương vị lãnh đạo góp phần đoàn kết và hàn gắn đất nước. Chúng tôi hi vọng hai người đàn ông này sẽ nhanh chóng gặp nhau.”

Chỉ sau khi nói về cuộc điện thoại của Obama cho Trump, Conway mới kể Hillary Clinton có gọi cho Trump, ngay khi Trump đang chuẩn bị nói chuyện với người ủng hộ. “Tôi đưa điện thoại cho ông Trump,” Conway nói, “Ông và Ngoại trưởng Clinton đã nói chuyện thân mật và vui vẻ. Ngoại trưởng Clinton chúc mừng ông Trump đã thắng, và ông Trump chúc mừng bà đã rất lịch thiệp và cứng rắn, đã tiến hành một chiến dịch thực sự mạnh mẽ.”

Tại sao Clinton gọi cho Trump thừa nhận thất bại ngay Tối Bầu cử, trong khi vẫn cử Podesta ra nói với đám đông bà chưa thua vẫn còn là một mâu thuẫn chưa có câu trả lời về những gì diễn ra đằng sau cảnh tượng có vẻ đã xấu đến mức trở thành một đêm của sự giận dữ, hoảng loạn có thể vì rượu, của thất bại và tự xót xa.

Donald Trump,  The making of the President 2016 anh 2
Trump đọc bài nói chấp nhận thắng lợi.

Một người bình thường vừa mới được bầu làm tổng thống Mỹ

Khoảng 2:50 ET, Donald Trump bước ra với tư thế tổng thống đắc cử để đọc bài nói chấp nhận thắng lợi trước đám đông những người ủng hộ đang vui mừng hô vang “USA. USA. USA.” Trump bắt đầu bằng việc nói ông đã nhận được cuộc gọi thừa nhận thất bại của Hillary Clinton.

“Giờ là lúc Mỹ khép lại những vết thương chia rẽ và đoàn kết với nhau. Với tất cả những người Cộng hòa và Dân chủ và những người độc lập của đất nước này, tôi nói giờ là lúc chúng ta đoàn kết như một dân tộc thống nhất,” Trump bắt đầu bài nói 15 phút. Trong khi rất nhiều “chuyên gia” biệt lập vẫn còn đang bàng hoàng sửng sốt, bài hát chủ đề của phim hành động “Không lực 1” cất lên - một nhắc nhở khéo là một người bình thường vừa mới được bầu làm tổng thống Mỹ.

Lời ông nói đồng vọng thông điệp cốt lõi lạc quan: chiến thắng của ông là một phong trào rộng khắp của mọi người, tập trung vào việc buộc chính phủ phải làm việc vì người dân, để Hoa Kỳ có thể là đất nước vĩ đại nhất trên thế giới.

Trump có vẻ thỏa mãn, nhưng giọng điệu hòa giải. “Tôi cam kết với mọi công dân của đất nước này, tôi sẽ là Tổng thống của mọi người Mỹ và điều đó rất quan trọng với tôi,” ông nói. “Với những ai đã chọn không ủng hộ tôi trước đây, cũng ít thôi, tôi mong muốn có được chỉ dẫn và giúp đỡ của các bạn để chúng ta có thể hợp tác với nhau và thống nhất đất nước vĩ đại của chúng ta.”

“Như tôi đã nói từ đầu, chiến dịch của chúng ta không phải là một chiến dịch, mà là một phong trào vĩ đại không thể tin nổi, gồm hàng triệu đàn ông và phụ nữ cần lao, những người yêu đất nước của họ và muốn một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn cho họ và cho gia đình họ,” Trump nói tiếp.

Ông cam kết sẽ là tổng thống của “tất cả người Mỹ.” Ông hứa những người Mỹ bị lãng quên sẽ “không còn bị lãng quên.” Một lần nữa, nói với một đám đông những người đội mũ “Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ” rõ ràng không có tên của Trump, tổng thống đắc cử thông báo Clinton đã gọi điện chúc mừng “chúng ta.”

“Nó là một phong trào gồm những người Mỹ thuộc mọi chủng tộc, mọi tôn giáo, nguồn gốc xuất thân và tín ngưỡng, những người muốn và mong đợi chính phủ của chúng ta phục vụ nhân dân – và sẽ luôn phục vụ nhân dân,” ông nhấn mạnh. “Hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ bắt đầu nhiệm vụ cấp bách là tái thiết đất nước và làm sống lại giấc mơ Mỹ. Tôi đã dành toàn bộ cuộc đời vào kinh doanh, nhìn thấy những tiềm năng chưa được khai thác trong những dự án và những tiềm năng ở mọi khắp nơi trên thế giới.”

Khi Tổng thống Nixon tái đắc cử trong chiến thắng áp đảo năm 1972, nhà phê bình phim Pauline Kael nổi tiếng nói bà không tin. “Tôi sống trong một thế giới khá đặc biệt. Tôi chỉ biết một người bỏ phiếu bầu Nixon. Những người khác ở đâu, tôi không biết. Họ nằm ngoài sự hiểu biết của tôi. Nhưng đôi khi trong nhà hát, tôi cảm thấy họ ở đó.”

Tuyên bố của bà là biểu tượng biệt lập của giới tinh hoa tự do, sống trong một bong bóng, và chỉ nghe ý kiến của những đồng nghiệp tự do khác. Người ta gọi nó là “Hội chứng Pauline Kael” và xu hướng hiểm độc nhất của nó được phát hiện vào cuối 2016, với toàn những lời lừa dối đến mức hoang tưởng về sự can thiệp của Nga.

Những người tự do cam kết sâu với hệ tư tưởng, đến mức họ lẫn lộn nó với đạo đức hoặc tôn giáo. Nó thường nằm trong sự khách quan mang tính đạo đức trong cuộc sống của họ. Nếu bạn không đồng ý với một người tự do, nó không chỉ là không đồng ý; bạn đã sai về đạo đức, có nghĩa bạn đang làm hại thế giới. Trump và những người ủng hộ ông không chỉ là đơn thuốc làm đất nước ốm yếu, mà còn cho cái xấu đáng sợ. Quan điểm trẻ con này không đem lại những kỹ năng đương đầu với khó khăn, nên những người tự do chủ yếu trở nên không có điểm tựa sau chiến thắng lịch sử của Trump.

Các hãng truyền hình, đài phát thanh và các trang mạng ngập trong nước mắt của cánh tả không khoan nhượng. Họ rên la nghe tin Trump thắng, nói sẵn sàng cung cấp không gian an toàn và tư vấn nỗi đau; họ so sánh với sự kiện 11/9 - tất cả làm họ trượt xa hơn khỏi việc giành được lá phiếu của tuyệt đại đa số người Mỹ. Hãy hình dung sẽ thế nào khi mất một người thân yêu ở Trung tâm thương mại thế giới, và rồi nghe một người tự do ở Manhattan so sánh 11/9 với kết quả của một cuộc bầu cử tự do và công bằng mà Donald Trump là người chiến thắng.

Những bông tuyết đã bắt đầu rơi. Thay vì học từ thất bại của họ, cánh tả lại đắm mình trong mối hận thù, chia rẽ và phân tầng xã hội. Chính đảng đã xóa bỏ chế độ nô lệ, chấm dứt chiến tranh ở Việt nam và chiến thắng trong Chiến tranh lạnh đã giành lại Nhà Trắng nhờ một người tay ngang trên chính trường từ Queens, New York. Tâm lý mỏng manh của cánh tả và những kẻ tôi đòi trong giới truyền thông không thể nuốt được điều này.

Thậm chí tệ hơn, sự bất lực không đương đầu được với thực tế của họ cũng nảy sinh một loạt thuyết âm mưu độc ác và kỳ quái để không chấp nhận chiến thắng của Trump, cũng như những mưu đồ đánh cắp nó. Hành trình dài ngu xuẩn để tạo nên Hội chứng Pauline Kael của họ có vẻ đã quyến rũ họ.

Tỷ phú địa ốc thành đại diện đảng Cộng hòa như thế nào

Vượt qua những ứng viên nặng ký như Ted Cruz, Jef Bush... ông Donald Trump trở thành người đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng.


Trích sách "Đường đến Nhà Trắng 2016"

Bạn có thể quan tâm