Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cụ già 90 tuổi nhận được thư của Bác Hồ

Sau khi nhận được lá thư đầy tình nghĩa của cụ Phụng Lục, Bác rất cảm động. Tháng 5/1948, Người viết lá thư trả lời.

Sau bức thư gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bác còn gửi nhiều thư khác cho các công dân, các vị lãnh đạo của Nhà nước và các đoàn thể, nhưng Bác không dùng từ “ngài” nữa, mà thường dùng từ “cụ”, nếu người đó lớn tuổi hoặc “cô”, “chú”, nếu còn trẻ, và thường xưng là “tôi”, “mình”, “bác”. Cũng có trường hợp Bác tự xưng là “cháu”, trong một lá thư riêng gửi cho một cụ già ở Hà Đông.

Chuyện như sau: Năm 1948, cụ Phụng Lục, một hội viên Hội Phụ lão Cứu quốc, quê ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, thượng thọ 90 tuổi. Cụ viết thư cho Bác, kể rằng nếu theo lệ cổ, cụ phải làm lễ thượng thọ, nhưng nước ta đang kháng chiến chống thực dân Pháp nên cụ dành số tiền 500 đồng gửi đến Hồ Chủ tịch để sung vào quỹ kháng chiến.

Ho Chi Minh anh 1

Ảnh tư liệu

Sau khi nhận được lá thư đầy tình nghĩa của cụ Phụng Lục, Bác rất cảm động. Tháng 5/1948, Người viết lá thư trả lời cụ Phùng Lục:

“Kính gửi cụ Phùng Lục, phụ lão Cứu quốc Ứng Hòa, Hà Đông

Thưa cụ,

Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà. Trong ngày chúc thọ, cụ lại miễn sự tế lễ linh đình, lại còn đem số tiền 500 đồng quyên vào Quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo.

Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc.

Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng.

HỒ CHÍ MINH”.

Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng trí thức của chúng ta còn rất ít ỏi. Bác rất quan tâm chăm sóc và kịp thời động viên những nhà trí thức kháng chiến. Được tin bác sĩ Tôn Thất Tùng trong những năm tháng đầu tiên tham gia kháng chiến đã chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn, ngày đêm làm việc, cứu chữa thương binh, Bác rất vui lòng. Xin đọc một đoạn sau đây trong hồi ức Đường vào khoa học của tôi của bác sĩ Tôn Thất Tùng:

“... Tôi vừa đi khỏi Sơn Tây là quân Pháp vào Sơn Tây và bắn ngay bác sĩ Ấu. Chúng tôi đến Phú Thọ, thì Phú Thọ vừa bị bom; đạp xe đến Phủ Đoan thì bị tàu bay Pháp đến bắn phá quanh chỗ tôi ẩn nấp. Đến Tuyên Quang, chưa được một ngày thì Pháp đến ném bom tan tành Tuyên Quang, chúng tôi phải rút ngay lên Chiêm Hóa.

Tôi bắt đầu nếm mùi chiến tranh du kích lúc ẩn lúc hiện, khi đánh khi lui..., lấy sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai của mình để chống quân thù hơn là bằng súng đạn. Hôm qua vẫn còn là anh thư sinh thích sách vở và phòng thí nghiệm, nay đã biết gối đất nằm sương với tinh thần lạc quan, không hề nao núng trước những thử thách mà mình chưa bao giờ nghĩ tới.

Ở Phú Thọ, tôi tiếp được một cái thiếp của Bác, chữ đánh máy màu tím như sau:

“Bác sĩ Tùng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: Chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khỏe chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”.

Bác sĩ Tùng kết luận: “Mấy lời vắn tắt, mà muôn vàn ân cần. Tôi nghĩ: với sự quan tâm của Bác, việc gì mà tôi lại không làm?”

Ngày 10/10/1947, bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng hai nhà trí thức lớn khác là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và bác sĩ Hồ Đắc Di, Giám đốc Đại học, còn nhận được một lá thư khác với những tình cảm rất trân trọng và thân thiết của Bác Hồ:

“Kính gửi Bs Huyên, Bộ trưởng QGGD, Bs Tùng, Thứ trưởng Y tế Bs Di, Giám đốc Đại học Thưa các ngài,

Cuộc tấn công mùa Đông của địch, đã thực hiện như chúng ta đã đoán trước. Chính vì biết trước cho nên chúng ta không nao núng. Dù sao trong lúc đầu, những nơi chưa quen tiếng súng, thì dân sự không tránh khỏi ít nhiều hoang mang. Vậy xin các ngài gắng giải thích cho đồng bào ở vùng đó hiểu.

Nam Bộ cách xa Chính phủ Trung ương, địa thế lại kém và trước đây chuẩn bị cũng kém thua Bắc Bộ, mà lực lượng kháng chiến phát triển và củng cố khá mau. Thì Bắc Bộ nhất định phát triển và củng cố mau hơn nữa.

Việc liên lạc với các ngài về việc khai hội đồng, tôi đã dặn kỹ ông V.

Cuộc kháng chiến nay đã bước vào bước gay go mà chúng ta đã đoán định trước. Nó là cuộc thử thách tinh thần và lực lượng của chúng ta. Đồng thời sự gay go đến sớm chừng nào tốt chừng ấy.

Trong cuộc thử thách này, mỗi anh em ta phải tỏ rõ cái chí khí “Bách chiết bất hồi”, cái tinh thần “Nhẫn lao nại khổ”. Đối người, đối việc phải hết sức cẩn thận. Không bao giờ cẩu thả, cầu vẹn. Không sợ địch mà cũng tuyệt đối không khinh địch.

Chúng ta đã thắng lợi nhiều thử thách trước. Thì với sự đồng tâm hiệp lực của Chính phủ, của quân đội và của toàn dân, chúng ta sẽ nhất định thắng lợi trong cuộc thử thách này.

Tôi nhờ các ngài lập tức chuẩn bị sẵn sàng, nếu địch đi qua đó, để giữ gìn cho gia quyến và toàn thể anh em sinh viên được an toàn. Phải có kế hoạch cẩn thận.

Chào thân ái và quyết thắng Hà Nội, ngày 10/10/1947

HỒ CHÍ MINH”.

T.B Tôi xin gửi lời thăm các thím.

Hôn các cháu và hỏi thăm các anh em sinh viên.

Trần Quân Ngọc (sưu tầm và giới thiệu)/NXB Trẻ

SÁCH HAY