Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cư dân 'vành đai rỉ sét' Trung Quốc già trước khi giàu

Áp lực lên ngân sách lương hưu đang tăng lên, đặc biệt ở các tỉnh nằm trong "vành đai rỉ sét' ở Trung Quốc, trong bối cảnh nước này chứng kiến dân số suy giảm.

dan so Trung Quoc anh 1

Đối với bà Wang Fengqin, việc nấu một bữa tối ngon mỗi khi các con trai đến thăm bà ở làng Wudaogang - nơi đang chứng kiến dân số suy giảm nhanh chóng - là niềm hạnh phúc.

"Hãy về nhà ăn cơm, mẹ vẫn có đủ khả năng để nấu cho con ăn", người nông dân 70 tuổi đã nghỉ hưu nói.

Dù vậy, với khoản lương hưu 2.000 nhân dân tệ (290 USD) hàng tháng, bà Wang Fengqin phải tính toán kỹ trước khi chi tiêu. Bà cho biết việc đến bệnh viện để kiểm tra cơn đau bụng ngày càng tăng cũng có thể tiêu tốn đến một nửa số tiền trên.

Khi dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc có xu hướng giảm và già đi, áp lực lên ngân sách lương hưu đang tăng lên, theo Reuters.

Điều này dẫn đến những vết nứt trong hệ thống. 11 trong số 31 khu vực hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc đang bị thâm hụt ngân sách hưu trí, trong đó Hắc Long Giang là lớn nhất, ở mức -2,4% GDP, dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cảnh báo quỹ hưu trí đô thị do nhà nước quản lý sẽ đạt đỉnh 6.990 tỷ nhân dân tệ (1.090 tỷ USD) vào năm 2027, và có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2035, theo South China Morning Post.

“Nếu hệ thống lương hưu không thay đổi, nó sẽ không bền vững”, Xiujian Peng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở Đại học Victoria, Australia, cho biết.

Theo bà Peng, các tỉnh giàu hơn đang lấp đầy khoảng trống, "nhưng họ không thể làm điều này mãi mãi, vì vậy đây là vấn đề của cả nước".

dan so Trung Quoc anh 2

Bà Wang Fengqin ngồi trong nhà ở làng Wudaogang, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Suy giảm dân số

Những gì đang diễn ra ở Hắc Long Giang là lời cảnh báo về cách mà vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc có thể tác động đến những nơi khác.

Hắc Long Giang từng trải qua thời kỳ hoàng kim khi các tập đoàn công nghiệp nhà nước khai thác nguồn tài nguyên phong phú như than, khoáng sản và gỗ.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân và những nguồn tài nguyên đó cạn kiệt, trung tâm công nghiệp của Trung Quốc di chuyển về phía nam, kéo theo tiền bạc và con người.

Thu nhập bình quân đầu người ở Hắc Long Giang - nơi hiện được biết đến là một trong 3 tỉnh thuộc "vành đai rỉ sét" của Trung Quốc - là 50.900 nhân dân tệ (hơn 7.300 USD) vào năm 2022, thấp hơn con số toàn quốc là 85.700 nhân dân tệ (hơn 12.300 USD).

Theo dữ liệu chính thức được công bố năm ngoái, 25% dân số tại đây từ 60 tuổi trở lên.

Dữ liệu chính thức cũng cho thấy dân số đã giảm 17% trong thập kỷ tính đến năm 2021 xuống chỉ còn hơn 30 triệu người, trong khi lực lượng lao động giảm khoảng 1/3.

Wang cho biết ngôi làng nằm trên đồi núi, nơi bà đang sinh sống, chỉ còn khoảng 70 hộ gia đình. Vào năm 1976, khi bà mới chuyển đến, có 400 hộ gia đình.

Hắc Long Giang cũng là tỉnh có tỷ lệ sinh thấp nhất Trung Quốc, với chỉ hơn 100.000 ca sinh vào năm 2021. Trong khi đó, có tới 460.000 ca tử vong.

Thu nhập lương hưu bình quân đầu người là 38.792 nhân dân tệ (hơn 5.580 USD) mỗi năm, thuộc hàng thấp nhất cả nước và bằng khoảng một nửa mức của Bắc Kinh hoặc Thượng Hải.

"Tôi có thể tiêu nó vào việc gì đây?", Wang Zhanling (71 tuổi), ở làng Quansheng, cách Wudaogang khoảng 100 km về phía nam, nói.

Ông vẫn làm ruộng và nhận những công việc lặt vặt, như sửa ổ gà, để kiếm thêm tiền.

"Cơ thể tôi không thể chịu được, nhưng tôi vẫn cần phải kiếm tiền để sinh sống", ông vừa nói vừa bó thân cây ngô mà ông dùng để sưởi ấm ngôi nhà của mình trong mùa đông.

dan so Trung Quoc anh 3

Những người phụ nữ lớn tuổi khiêu vũ tại một công viên ở Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: Reuters.

Cải cách hệ thống hưu trí

Channel NewsAsia nhận định xu hướng dân số giảm sẽ không chỉ tiếp diễn, mà còn có khả năng tăng tốc trong thập kỷ tới.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tạo ra một quỹ đặc biệt vào năm 2018 để chuyển các quỹ hưu trí từ những tỉnh giàu có hơn, như Quảng Đông, sang tỉnh đang phải đối mặt với thâm hụt. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế coi đó chỉ là biện pháp tạm thời để lấp khoảng trống.

Nhiều chuyên gia, trong đó có Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, đề xuất thực hiện hệ thống hưu trí quốc gia thống nhất, được hỗ trợ bởi chính quyền trung ương.

Ngày nay, hàng trăm triệu công nhân, nhân viên ở Trung Quốc bán sức lao động ở những nơi khác ngoài quê hương của họ.

Nhưng họ chỉ có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội ở quê hương, nơi mà mọi thứ từ giáo dục đến chăm sóc y tế đều có tiêu chuẩn thấp hơn các thành phố lớn. Vì vậy, họ không muốn chi trả khoản đóng góp xã hội.

Các nhà kinh tế cho biết một hệ thống lương hưu thống nhất sẽ góp phần cho phép dòng tiền tự do chảy ra ngoài ranh giới của các tỉnh và khuyến khích sự tham gia.

Một vấn đề cấp bách khác là tuổi nghỉ hưu. Người Trung Quốc, ở một số lĩnh vực lao động, có độ tuổi nghỉ hưu sớm nhất thế giới: 50 tuổi đối với lao động phổ thông nữ, 55 tuổi đối với lao động văn phòng nữ, và 60 tuổi cho hầu hết lao động nam.

Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 44 tuổi vào năm 1960, lên 78 tuổi vào năm 2021. Con số này cao hơn Mỹ và dự kiến ​​vượt quá 80 vào năm 2050.

dan so Trung Quoc anh 4

Các gia đình đi dạo trên phố đi bộ ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dự đoán nhóm người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 280 triệu lên hơn 400 triệu vào năm 2035 - bằng toàn bộ dân số hiện tại của Anh và Mỹ cộng lại.

Tại Trung Quốc đại lục, vào năm 2000, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già (65 tuổi trở lên) là 10:1. Tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 5:1 vào năm 2020.

Thậm chí, theo một dự báo của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 4:1 vào năm 2030 và 2:1 vào năm 2050.

"Áp lực đối với các quỹ hưu trí sẽ tăng thêm trong tương lai khi nhóm dân số cao tuổi của Trung Quốc sống lâu hơn và già trước khi giàu", Jiang Quanbao, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển tại Đại học Giao thông Tây An, cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã ra tín hiệu vào năm 2020 và 2021 rằng họ sẽ nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn chưa hành động.

Tuy nhiên, Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cảnh báo việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể gây ra nhiều phản đối.

“Cải cách lương hưu không bao giờ được ưa chuộng vì nó liên quan đến “trả nhiều tiền hơn, nhận ít tiền hơn, làm việc lâu hơn hoặc cả ba. Không ai thực sự thích làm điều đó”, Gietel-Basten nói.

Tại khu vực tập thể dục của một công viên ở Cáp Nhĩ Tân, hàng chục người đàn ông trên 60 tuổi tập chống đẩy hoặc nâng tạ, cổ vũ nhau. Trái ngược, khu vực sân chơi dành cho trẻ em gần đó gần như trống không.

Ông Ma Weiguo, 69 tuổi, chia sẻ tình cảnh này có lẽ là do "chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ quá cao".

Bà Wang, nông dân ở Wudaogang, có hai con trai. Cả hai đều sống cách đó 15 km ở thành phố Hegang và kiếm được khoảng 3.000 nhân dân tệ (hơn 432 USD) mỗi tháng.

Người anh cả, 46 tuổi, là tài xế xe tải. Người em, 44 tuổi, là lính cứu hỏa.

Mỗi anh em đều chỉ có một con. Wang nói rằng họ "không bao giờ dám" sinh nhiều hơn.

"Làm sao mà nuôi nổi chúng? Từ khi chúng bắt đầu đi học đã tốn rất nhiều chi phí rồi", bà nói.

Sự bùng nổ của Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.

Bài liên quan

Minh An