Đã vài tuần trôi qua kể từ khi Thượng Hải - thành phố lớn nhất và giàu có nhất Trung Quốc - áp đặt lệnh phong tỏa. Tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao, bất chấp các lệnh hạn chế nghiêm ngặt và nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt.
Guardian đã trích lại câu chuyện của một cư dân ở Thượng Hải, mô tả sự tuyệt vọng và cả tình người khi sống trong cảnh phong tỏa nghiêm ngặt suốt ba tuần.
"Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn'"
Sau ba tuần bị cách ly tại căn hộ ở Thượng Hải, tôi đang thái quả dưa chuột còn lại duy nhất từ gói hỗ trợ nhu yếu phẩm cuối cùng, trong khi lướt qua những chia sẻ về trải nghiệm phong tỏa “khổ sở" trên mạng xã hội.
Qua khung cửa sổ phòng bếp chật hẹp, hình ảnh con phố trống trải bỗng chốc khiến tôi nhớ lại thời gian tuyệt vời trước năm 2019. Nó dường như siêu thực đến nỗi tôi cảm tưởng đó đã là câu chuyện từ kiếp trước.
Đây không phải là lần cách ly đầu tiên của tôi, cũng không phải lần thứ hai hay thứ ba.
Là một trong số những người Trung Quốc về nước sau một thời gian ở nước ngoài vào năm 2020, giữa lúc dịch Covid-19 lan rộng, tôi đã quen thuộc với cảnh phong tỏa. Tôi chuẩn bị mọi thứ, tải về đủ ứng dụng từ tập thể dục trong nhà, họp từ xa, thiền cho đến các dịch vụ giao đồ ăn và nghĩ rằng mình có thể đối mặt với đợt cách ly thứ tư một cách “chuyên nghiệp".
Một tình nguyện viên đang kiểm tra rau trước khi phân phát cho người dân ở Phố Đông, Thượng Hải vào ngày 12/4. Ảnh: AFP. |
Vào tuần đầu tiên của tháng 3, tôi nhận được tin một số khu dân cư đã bị phong tỏa trong vài ngày vì làn sóng dịch mới do biến chủng Omicron gây ra. Tuy nhiên, chưa ai tôi quen bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, sang tuần thứ hai, dường như mỗi người dân Thượng Hải đều có ít nhất một người quen bị cách ly trong văn phòng hoặc tại nhà của họ.
Những bức ảnh chế và câu chuyện cười bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc: "Người đi làm cả ngày lo lắng liệu họ có thể về nhà tối nay hay không. Người ở nhà lo lắng liệu họ có thể đi làm vào sáng hôm sau hay không".
Vào giữa tháng 3, mọi người đều nhận thức được rằng lệnh phong tỏa sắp được áp đặt. Các văn phòng bắt đầu đóng cửa và người dân dần được yêu cầu làm việc tại nhà.
Dù vậy, số ca mắc Covid-19 chưa phải là chủ đề chính trong câu chuyện hàng ngày. Không ai thực sự lo lắng vì họ quen một số người bạn ở nước ngoài đã mắc Covid-19, hồi phục và đang tận hưởng cuộc sống sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ.
Thế nhưng, đến tuần cuối cùng tháng 3, chúng tôi dần nhận ra tình cảnh của bản thân. Hình ảnh người dân đổ xô đi tích trữ nhu yếu phẩm quay trở lại và giới chức Thượng Hải quyết định áp đặt lệnh phong tỏa thành phố trong 10 ngày.
Ngày thứ hai sống trong cảnh phong tỏa, tôi cố gắng lướt Meituan và Hema (ứng dụng đặt hàng) để mua cà phê. Cùng với niềm hy vọng, tim tôi đập thình thịch khi nhấp chuột. Thế nhưng, không còn gì cả. Từ thời điểm đó, lịch sử mua hàng của tôi dừng lại ở giai đoạn trước phong tỏa.
Những ngày tiếp theo, tôi càng ngày càng cảm thấy mình như đang lao vào “hố đen" không lối thoát. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi tải thêm 30 ứng dụng, thức dậy lúc 6h sáng chỉ để đặt hàng nhưng không có ích gì. Nếu không hết hàng thì cũng là không có nhân viên để giao hàng.
Tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng rất nhiều người khác trong thành phố cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Đằng sau biểu tượng mặt cười trên WeChat (ứng dụng nhắn tin) lúc 6h sáng là những cư dân “tuyệt vọng” ở Thượng Hải.
Người dân đưa dầu ăn qua hàng rào tại một phố bị phong tỏa ở Thượng Hải ngày 13/4. Ảnh: Reuters. |
Đi xét nghiệm để được ra ngoài
Đến ngày thứ sáu, ngày càng có thêm nhiều nỗi lo sợ. Một người hàng xóm gõ cửa nhà tôi xin gạo. Ông đã 50 tuổi, sống một mình trong tòa nhà bên cạnh và không còn gạo để ăn.
Tôi đổ một nửa gói gạo của mình vào nồi và từ chối khi ông nhất quyết trả tiền. Ngay khi tôi đóng cửa lại, tôi nhận ra rằng tình hình đã tệ đến mức mà nhu yếu phẩm trở thành thứ khan hiếm.
Ngày tháng trôi qua, tình trạng thiếu lương thực ngày càng trở nên trầm trọng. Khi nhiều người không thể đặt hàng trực tuyến, mua hàng theo nhóm trên WeChat trở thành cách duy nhất. Do hạn chế lưu thông trên đường phố và rủi ro cao đối với nhân viên giao hàng trong thời gian phong tỏa, chỉ những đơn đặt hàng thực phẩm trên một mức giá hoặc số lượng nhất định mới được ưu tiên.
Lãnh đạo nhóm nhanh chóng trở thành từ khóa thịnh hành và đóng vai trò “anh hùng” trong cảnh Thượng Hải bị phong tỏa. Đó là những người tháo vát và có tính tổ chức. Họ khảo sát trong nhóm WeChat, thu thập yêu cầu từ hàng xóm, kết nối với các nhà cung cấp thực phẩm, thanh toán trước và phân phối phù hợp khi nguồn cung đến.
Tôi cũng bắt đầu thân thuộc với hàng xóm của mình hơn trong thời gian phong tỏa.
Tôi đã đổi chai nước sốt để lấy cà phê với một người hàng xóm và trứng lấy sữa với một người khác. Tôi thậm chí còn bắt đầu lên kế hoạch tổ chức lễ sinh nhật "nhỏ" cho một cô gái ở tầng trên, người sẽ mừng sinh nhật 30 tuổi trong cảnh "không bánh, không nến, không rượu, không bạn bè" - như cô ấy mô tả.
Xét nghiệm PCR là cơ hội duy nhất để chúng tôi ra ngoài. Chúng tôi được yêu cầu xét nghiệm 3-4 ngày một lần, đôi khi báo trước trong thời gian ngắn hoặc rất muộn vào ban đêm.
Bằng cách nào đó, hầu hết chúng tôi vẫn cảm thấy may mắn khi được yêu cầu xét nghiệm, vì đó là cách duy nhất để ra ngoài một lúc và hít thở bầu không khí trong lành.
Người dân đứng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
May mắn, toàn bộ khu nhà tôi vẫn âm tính cho đến bây giờ. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được đưa đến bệnh viện dã chiến, nơi bệnh nhân mắc Covid-19 được nhóm lại, tách biệt với thế giới “âm tính” ở Thượng Hải.
Từ dòng nhật ký trên WeChat của một người bạn mắc Covid-19, tôi biết được rằng những người trong khu vực cách ly sẽ ngủ ở không gian rộng, nơi đèn được bật 24/7 và chỉ có 10 nhà vệ sinh cho 2.000 người.
Nghi ngại
Vài tuần qua đã đủ tồi tệ khi nỗi lo về thức ăn dần kéo tâm trạng mọi người xuống. Thế nhưng, bất chấp lệnh phong tỏa, số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tiếp tục gia tăng.
Sự không chắc chắn dần xuất hiện trong suy nghĩ của mọi người: Liệu chúng tôi có thể trở lại cuộc sống bình thường một lần nữa không?
Các nhân viên y tế đã nghỉ hưu bắt đầu đề xuất phương pháp thay thế biện pháp nghiêm ngặt và đặt câu hỏi chính sách “Zero Covid-19”. Các nhà báo bắt đầu thu thập số liệu ca tử vong do không thể tiếp cận dịch vụ y tế và kết quả xét nghiệm PCR nghiêm ngặt khiến bệnh nhân không được vào phòng cấp cứu.
Người dân đặt câu hỏi làm thế nào mà thành phố thân yêu của họ, trung tâm tài chính hàng đầu Trung Quốc, lại trở thành một nơi đầy rẫy lời kêu cứu hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến. Ảnh: Reuters. |
Tôi biết mình đang chứng kiến và có những trải nghiệm không bao giờ lặp lại trong đời. Đó là khi người dân Thượng Hải quay lại thời kỳ hàng đổi hàng, khi nỗi lo lương thực và bất an lan rộng tại thành phố hơn 25 triệu dân.
Tôi cũng dần trở nên khó chịu với việc công khai danh tính trường hợp nhiễm bệnh. Mọi khu nhà có người mắc Covid-19 sẽ phải phong tỏa thêm 14 ngày và xét nghiệm PCR thêm nhiều lần. Điều này dễ dàng gây ra nỗi sợ hãi của công chúng đối với người “dương tính".
Trong vài ngày qua, hàng xóm của tôi bắt đầu tố cáo lẫn nhau trong nhóm WeChat. Lúc thì là ai không xét nghiệm Covid-19, khi thì là ai đã cố gắng lẻn ra ngoài để kiếm thức ăn. Trong khu nhà của bạn tôi, hàng xóm thậm chí gọi cảnh sát khi họ thấy ai đó xuống cầu thang hoặc đứng nói chuyện theo nhóm.
Các nhóm WeChat - ban đầu cho thấy sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa người dân - giờ đây đang bùng nổ mâu thuẫn.
Thành thật mà nói, điều này làm tôi lo lắng hơn cả việc thiếu thực phẩm hay Covid-19.