Đã vài tuần trôi qua kể từ khi Thượng Hải - thành phố lớn nhất và giàu có nhất Trung Quốc - áp đặt lệnh phong tỏa.
Tình trạng thiếu lương thực, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hạn chế, các trung tâm cách ly quá tải hay việc tách trẻ em khỏi cha mẹ vì Covid-19, đã đặt siêu đô thị hơn 25 triệu dân trong tình cảnh “căng như dây đàn”.
Chính sách chống dịch nghiêm ngặt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân và làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với giới chức trách, theo Wall Street Journal.
“Tôi mất niềm tin vào giới chức trách”, một người Thượng Hải, 36 tuổi, họ Chen, nói. "Chỉ trong một cuộc khủng hoảng, bạn mới có thể đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của họ".
Anh Chen, người đã phải ở trong nhà suốt hơn một tháng, cho biết khẩu phần rau và sữa được cung cấp không đủ cho gia đình bốn người của anh.
Mặc dù Chen đã tìm cách đặt hàng trên mạng, giá cả tăng vọt và nguồn cung cấp nhu yếu phẩm khan hiếm khiến anh có nguy cơ phải vét sạch tiền tiết kiệm của mình nếu tình cảnh phong tỏa tiếp tục kéo dài.
Nguồn cung hỗ trợ có giới hạn và dịch vụ giao hàng không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhiều người. Ảnh: AFP. |
“Chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đợi tới lúc lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Nhưng khi nào thì chuyện này kết thúc?”, anh Chen nói.
Thượng Hải đã nới lỏng hạn chế ở một số khu vực trong tuần này, nhưng hầu hết cư dân vẫn được yêu cầu ở yên trong nhà. Một số người bày tỏ lo lắng vì hết thực phẩm và cho biết họ ngày càng vỡ mộng trước chính sách “Zero Covid-19”.
Ngày càng bất ổn
Trong số những người lên tiếng phàn nàn về việc phong tỏa, một số cho biết sức chịu đựng của họ đang đạt đến giới hạn sau hơn hai năm đại dịch bùng phát. Họ thậm chí đang cân nhắc việc chuyển nơi sinh sống.
Liu Yun (34 tuổi), một doanh nhân công nghệ và là người gốc Thượng Hải, cho biết anh đã bắt đầu tính đến việc di cư sang Singapore.
“Thiệt hại ngày càng nhiều", Liu nói. “Nhiều người trong giới tinh hoa sẽ bắt đầu xem xét lại mối quan hệ của họ với thành phố này”.
Ngay cả những người không tính đến việc rời đi cũng cho rằng “vết sẹo" tâm lý và kinh tế sẽ kéo dài, cùng với nỗi bất bình ngày càng tăng sau đợt dịch.
Trung Quốc đang “mắc kẹt" với chính sách “Zero Covid-19”. 87 trong số 100 thành phố lớn nhất nước này, từ Trường Xuân, phía đông bắc cho đến Quảng Châu, phía nam, đã áp đặt hạn chế đi lại trong đợt bùng dịch mới. Theo ước tính của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, khu vực này chiếm hơn một nửa dân số và tổng sản lượng kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một người dân Thượng Hải được xét nghiệm Covid-19 vào cuối tuần trước. Ảnh: Bloomberg. |
Thượng Hải là trung tâm tài chính có tầm quan trọng hàng đầu hiện nay. Đây là nơi có cảng container lớn nhất thế giới, cùng với sàn giao dịch chứng khoán chính của Trung Quốc và nhiều học giả, nhà văn, nghệ sĩ hàng đầu cả nước.
Trước đây, Thượng Hải từng theo đuổi chiến lược chống dịch “nhẹ nhàng” hơn, với biện pháp phong tỏa có mục tiêu chỉ áp đặt tại các khu dân cư bị ảnh hưởng.
Ngay cả khi ca mắc Covid-19 lan rộng vào mùa xuân này, các nhà chức trách vẫn khẳng định rằng không cần thiết phải phong tỏa toàn thành phố. Thế nhưng, chính sách này bắt đầu bị đảo ngược vào hôm 27/3, khi chính quyền đột ngột thông báo phong tỏa hàng loạt khiến hàng chục triệu cư dân không kịp chuẩn bị.
Người dân coi sự thay đổi này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách cứng rắn “Zero Covid-19”.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng mới dễ lây lan như Omicron, họ lo ngại rằng ngay cả sau khi hạn chế trên toàn thành phố được dỡ bỏ, việc phong tỏa đột ngột vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Tình trạng không chắc chắn này có thể kéo dài trong nhiều năm.
Mất niềm tin
Kể từ khi các đợt phong tỏa trên diện rộng bắt đầu vào cuối tháng 3, tình trạng thiếu lương thực đã lan rộng khi biện pháp hạn chế khiến chuỗi cung ứng gián đoạn. Nhiều người chỉ có thể phụ thuộc vào việc trao đổi hàng hóa và thiện chí của những người hàng xóm để sống qua ngày.
Trong khi đó, một số bệnh nhân mắc các bệnh khác phải vật lộn để tự lo liệu cho bản thân, tìm kiếm thuốc men.
Thượng Hải hôm 16/4 báo cáo 23.513 ca mắc Covid-19 mới (với số ca nhiễm có triệu chứng lên mức kỷ lục 3.590 trường hợp) nâng tổng số trường hợp nhiễm lên hơn 220.000. Dù không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận, ít nhất ba cơ sở chăm sóc người già đang bị quá tải bởi đợt dịch mới, dẫn đến cái chết của nhiều bệnh nhân.
Gần đây, trong bài đăng được lan truyền trên mạng xã hội, một tài khoản phàn nàn rằng sức chịu đựng của cư dân đã "đạt đến giới hạn", và liệt kê hàng loạt những bi kịch cùng nỗi bất bình.
"Các quan chức có đang lắng nghe người dân?", người này viết. “Chúng ta phải trả giá thêm bao nhiêu nữa để đổi lấy việc thực sự đặt người dân lên hàng đầu?”.
Một nhân viên y tế ở Thượng Hải hướng dẫn người xếp hàng để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Frank Tsai, một cư dân Thượng Hải lâu năm, ban đầu ủng hộ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Nhưng giờ đây, ông bị sốc trước tình trạng thiếu thực phẩm và nguồn cung ở Thượng Hải - nơi từng được coi là thành phố tiến bộ và được quản lý tốt nhất.
“Thật trớ trêu khi tình trạng mất an ninh lương thực diễn ra ở tất cả khu vực tại Thượng Hải”, ông nói.
Trong bối cảnh đó, tờ Tân Hoa Xã đã kêu gọi công chúng “nhìn vào bức tranh lớn hơn” bất chấp những khó khăn và “kiên quyết giữ vững chính sách chống dịch, không dao động”.
Nhân dân Nhật báo cũng kêu gọi người dân “cắn răng chịu đựng” và đặt niềm tin vào giới chức trách.
Một số người nước ngoài cho biết lệnh phong tỏa hiện nay giống như “giọt nước tràn ly" sau vài năm Trung Quốc ngày càng áp đặt chính sách chống dịch nghiêm ngặt.
“Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Người dân đã thực sự mệt mỏi", Bettina Schoen-Behanzin, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết.
Ông Liu, doanh nhân công nghệ, bắt đầu bị yêu cầu ở yên trong nhà cùng vợ và hai con vào ngày 14/3. Lối vào khu dân cư nhà ông đột ngột bị phong tỏa sau khi một số hàng xóm được xác định là có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Không lâu sau đó, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn thành phố chính thức được áp đặt.
Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh cùng video quay lại cảnh xung đột giữa người dân và nhân viên y tế được giao nhiệm vụ giữ mọi người ở nhà, khiến ông trở nên lo lắng và bi quan hơn.