Thung lũng Panjshir của Afghanistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi các gia đình bị mắc kẹt trong thung lũng hẹp mà không có đủ lương thực hoặc nguồn cung cấp y tế, theo Guardian.
Cư dân bị cắt đứt với thế giới bên ngoài khi Taliban tấn công vào chốt cuối cùng để có thể kiểm soát toàn bộ đất nước.
Mahboba Rawi, người Australia gốc Afghanistan - được mệnh danh là "mẹ của hàng nghìn người" trong nhiều thập kỷ điều hành tổ chức phi chính phủ Mahboba's Promise - cho biết dưới sự bao vây của Taliban, người dân Panjshir đang phải chịu đựng rất khổ sở. Mahboba's Promise là tổ chức nuôi dưỡng, giáo dục và hỗ trợ hàng nghìn góa phụ và trẻ mồ côi người Afghanistan.
“Mọi người bị mắc kẹt bên trong thung lũng, họ không có thức ăn, không có điện, không có thông tin liên lạc. Đó là một cuộc khủng hoảng nhân đạo, và có nguy cơ dẫn đến một cuộc diệt chủng", bà nói.
Mahboba Rawi bên ngoài một trường nữ sinh ở Afghanistan do tổ chức phi chính phủ Mahboba’s Promise của bà điều hành. Ảnh: Guardian. |
Khủng hoảng nhân đạo trong thung lũng
Taliban đã cắt kết nối mạng và điện thoại cũng như thiết lập các trạm kiểm soát đường bộ tại thành trì phản kháng cuối cùng này.
Thung lũng Panjshir dài 115 km, nằm ở phía bắc Kabul, được bao bọc bởi những ngọn núi phủ tuyết cao tới 4000 m, với các lối ra duy nhất có thể qua được ở phía nam và phía bắc của thung lũng.
“Chúng tôi biết có giao tranh đang diễn ra, đã có nhiều người thiệt mạng, nhưng cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng đang diễn ra ở các ngôi làng trong thung lũng”, bà Rawi chia sẻ.
“Không có thức ăn cho phụ nữ và trẻ em bị bỏ lại trong khi những người đàn ông đang chiến đấu chống lại Taliban. Chúng tôi nghe được những câu chuyện về các hộ gia đình san sẻ một mẩu bánh mỳ nhỏ bé, hoặc sống sót nhờ những quả dâu tây. Những đứa trẻ đang khổ sở cùng cực và bị suy dinh dưỡng", bà Rawi cho biết.
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, Liên Hợp Quốc, can thiệp vào tình hình tại thung lũng Panjshir. Đừng để người dân đau khổ, đừng bỏ rơi người dân Panjshir”, bà nói.
Đồng thời, bà cho rằng nguồn cung ứng nhân đạo cần được phép tiếp cận thung lũng, có thể bắt đầu từ các nước láng giềng như Uzbekistan và Tajikistan.
Lịch sử kháng chiến của Panjshir
Panjshir là một tỉnh nhỏ, đa sắc tộc ở miền núi. Đây là nơi sinh sống của khoảng 170.000 người, chủ yếu dọc theo sông Panjshir chảy về phía tây nam qua dãy núi Hindu Kush tới Bagram.
Thung lũng này nổi tiếng về khả năng kháng cự với các các chiến binh kiên cường, có địa hình đóng vai trò như một pháo đài phòng thủ tự nhiên. Liên minh phương Bắc của tỉnh được lãnh đạo bởi Ahmad Shah Massoud - có biệt danh "Sư tử của Panjshir", từng đẩy lùi các cuộc tấn công của Taliban vào những năm 1990.
Giờ đây, con trai ông, Ahmad Massoud, 32 tuổi - từng theo học tại Đại học King’s College London và Học viện Quân sự Sandhurst - đang lãnh đạo Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRFA), một lực lượng chống Taliban gồm các dân quân và cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan.
Các thành viên Taliban chụp ảnh sau khi tuyên bố kiểm soát Thung lũng Panjshir. Tuy nhiên, lực lượng phản khánh vẫn chưa chịu khuất phục. Ảnh: Guardian. |
NRFA được cho là có hàng nghìn thành viên. Các bức ảnh được công bố cho thấy một lực lượng chiến đấu được huấn luyện tốt, nhưng các nguồn tin chia sẻ với tờ Guardian Australia rằng lực lượng kháng chiến thiếu thốn vật tư quân sự.
Mặc dù đã phải chịu nhiều thất bại đáng kể từ cuộc tấn công của Taliban, NRFA vẫn có tổ chức và cam kết kháng chiến.
Người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban hồi đầu tuần này tuyên bố họ đã nắm quyền kiểm soát Panjshir. Tuy nhiên, lực lượng phản khánh vẫn chưa chịu khuất phục.
Ahmad Massoud cho biết các thành viên trong gia đình ông đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công, song ông kêu gọi tiếp tục kháng cự.
“Tôi có một thông điệp gửi tới người dân của chúng tôi, dù họ ở trong nước hay nước ngoài, tôi yêu cầu các bạn bắt đầu một cuộc nổi dậy dân tộc vì phẩm giá và tự do của đất nước này. Mặt trận kháng chiến sẽ tiếp tục nỗ lực và sẽ ở bên người Afghanistan cho đến ngày chiến thắng", Massoud cho biết.