“Chúng tôi muốn họ được chôn cất cùng gia đình”, một người đàn ông chờ nhận thi thể của cháu gái chuyển đến từ Thổ Nhĩ Kỳ nói với New York Times.
Trong những ngày đầu sau trận động đất hôm 6/2, vùng Tây Bắc Syria không nhận được viện trợ nhân đạo, chỉ có thi thể nạn nhân.
Các thi thể chất phía sau một chiếc xe tải, bọc trong túi đựng xác, vải bạt màu xanh hoặc chăn gia đình sặc sỡ. Tên của họ được viết nguệch ngoạc trên những mảnh giấy để giúp những người thân đang chờ đợi trong cái lạnh buốt giá ở biên giới hai nước tìm ra họ.
Những nạn nhân này từng chạy trốn khỏi các cuộc không kích và tòa nhà bị sập trong cuộc nội chiến ở quê hương và đến sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần này, họ được kéo ra khỏi đống đổ nát của ngôi nhà mới và hồi hương qua cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa.
Hôm 7/2, 85 thi thể người Syria được chuyển qua biên giới. Đến ngày 8/2, hàng chục người khác theo sau.
Không viện trợ, chỉ có thi thể
“Những người không chết ở Syria, thì chết ở Thổ Nhĩ Kỳ”, Ahmad al-Yousef, 37 tuổi, chia sẻ khi chờ đợi ở cửa khẩu Bab al-Hawa cùng dì để nhận thi thể cháu gái 13 tuổi tối 7/2.
Thi thể của cô bé tên Yara Ibnayat vừa được kéo ra từ đống đổ nát của ngôi nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cha mẹ và anh trai cô vẫn nằm dưới đống bê tông.
Al-Yousef, sống trong một lều trại gần thị trấn Sarmada ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ: “Những người đã chết, chúng tôi muốn họ quay trở lại. Chúng tôi muốn họ được chôn cất cùng gia đình”.
Lực lượng cứu hộ khiêng một nạn nhân trên đống đổ nát tại thị trấn Jandaris, Syria hôm 7/2. Ảnh: Reuters/Khalil Ashawi. |
Anh họ của al-Yousef và gia đình đã rời khỏi ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hama, Syria, vào năm 2013 khi các cuộc pháo kích và không kích gia tăng. Họ chuyển đến một vùng khác của Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, họ đến nước láng giềng vì cha của Yara không thể tìm được việc làm ở Syria.
Bây giờ, cô bé đã trở lại.
Hơn 12 năm nội chiến vẫn chưa kết thúc, gần 4 triệu người Syria đã chạy sang nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và có cuộc sống tương đối an toàn. Hàng triệu người khác tìm nơi trú ẩn ở Jordan, Lebanon và châu Âu.
Cửa khẩu Bab al-Hawa là cửa khẩu duy nhất được Liên Hợp Quốc phê duyệt để vận chuyển hàng viện trợ quốc tế đến các khu vực do phe đối lập kiểm soát ở Tây Bắc Syria, nơi có nhu cầu nhân đạo quá lớn ngay cả trước khi trận động đất xảy ra. Nhiều nhóm viện trợ khác cũng sử dụng cửa khẩu này.
Hôm 8/2, quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này lần đầu nhận được yêu cầu cứu trợ từ chính phủ Syria. EU thông báo sẽ cung cấp gói hỗ trợ nhân đạo bổ sung cho cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ với tổng giá trị là 7 triệu USD, theo Reuters.
Tuy nhiên, trong vài ngày đầu tiên sau trận động đất hủy diệt, không chuyến hàng viện trợ nhân đạo nào được chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria, một phần do những con đường xung quanh bị hư hại và các nhóm viện trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Sáng 8/2, phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối các Vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc tại Damascus thông báo các con đường đến cửa khẩu biên giới đã được mở và đoàn xe cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đến Syria trong vài giờ tới.
Song đến tối 8/2, dường như Syria vẫn chưa nhận được viện trợ.
Mazen Alloush, người đứng đầu văn phòng truyền thông Bab al-Hawa, cho biết: “Ngay lúc này, tất cả điều chúng tôi làm là nhận thi thể của những người đã chết ở Thổ Nhĩ Kỳ để chôn cất họ tại quê hương”.
Suốt từ ngày 7/2 đến 8/2, người dân từ khắp vùng Tây Bắc Syria đã tập trung tại Bab al-Hawa sau khi nhận tin từ người thân ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng thi thể của một số người thân yêu đang được đưa về Syria. Họ di chuyển bằng những chiếc SUV và xe bán tải để thu gom xác.
Trong khi đó, lễ cầu nguyện của người Hồi giáo được tổ chức liên tục khắp khu vực này, đôi khi trong bóng tối của những đống đổ nát khi các nhân viên cứu hộ tiếp tục chiến dịch tìm kiếm và giải cứu trong tuyệt vọng.
Tính đến 9/2, số người thiệt mạng trong trận động đất tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt mốc 15.000 người. Hàng chục nghìn người khác bị thương và mất nhà cửa, theo Guardian.
“Mỗi nghĩa trang luôn có sẵn 10 huyệt mộ”
Chiều 7/2, một đám đông nam giới tập trung tại ngã tư trong cái lạnh buốt giá. Tất cả đều đứng cách xa nhau, mặt nhăn nhó. Không ai nói câu gì.
Khi chiếc xe tải dừng lại, những người đàn ông lao về phía trước, chạy đến và vây quanh phía sau xe. Một nhân viên bắt đầu gọi tên những người đã chết.
“Ahlam”, nhân viên gọi to.
Sau đó, một người đàn ông trong đám đông hối thúc một người khác: “Hãy nhận dạng thi thể của em gái anh đi”.
Các tòa nhà bị hư hại nặng nề sau trận động đất ở Aleppo, Syria hôm 7/2. Ảnh: Reuters. |
Nhưng anh trai của Ahlam không thể chịu được nỗi đau khi thấy cô như vậy.
“Tôi không thể”, người đàn ông nói. “Tôi luôn giữ ký ức về khuôn mặt em gái mình trong tâm trí. Tôi không muốn hình ảnh đó bị thay đổi”.
Thay vào đó, một người bạn của anh buộc phải xác định danh tính của Ahlam. Họ mang xác cô đến chiếc SUV và đi chôn cất.
Kể từ khi người Syria bắt đầu chạy trốn chiến tranh sang các nước láng giềng, nhiều người sau khi chết đã được đưa trở lại qua các cửa khẩu biên giới như Bab al-Hawa, theo nguyện vọng của những người đã khuất hoặc gia đình họ.
Ông Alloush cho biết theo thông lệ, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đưa thi thể lên xe tang đến cửa khẩu biên giới và bàn giao cho chính quyền Syria. Sau đó, họ đưa thi thể lên xe tải và chuyển đến các thành viên trong gia đình.
Trong gần hai giờ, al-Yousef và dì đã chờ đợi ở ngã tư, trải qua một làn sóng thất vọng mỗi khi những thi thể mới đến và cháu họ không nằm trong số đó.
Thỉnh thoảng họ lui vào ngồi trong xe để giữ ấm giữa tiết trời đêm lạnh giá.
“Chôn cất người chết là điều quan trọng nhất. Chúng ta cần tưởng nhớ những người đã khuất”, al-Yousef nói.
Họ dự định chôn Yara tại một nghĩa trang gần nơi bà của cô - dì của al-Yousef - đang sống. Ở đó, cũng như hầu hết mọi nghĩa trang tại miền Bắc Syria, một số ít huyệt mộ luôn được đào sẵn, chuẩn bị cho những người tiếp theo. Song những cái chết thường đến từ trên trời chứ không phải dưới lòng đất.
“Mỗi nghĩa trang luôn có sẵn 10 huyệt mộ”, al-Yousef nói.
Đến khoảng 23h30 ngày 7/2, một nhân viên thông báo sẽ không có thêm thi thể chuyển đến vào đêm hôm đó. Al-Yousef và dì lái xe về nhà, qua những ngôi làng và thị trấn nơi những cư dân khác vẫn đang nằm dưới đống đổ nát.
Họ dự định trở lại vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, vào ngày 8/2, họ được thông báo rằng thi thể của Yara sẽ bị hoãn đưa về Syria vì các nhân viên chờ thu hồi thi thể của cả cha mẹ và anh trai cô rồi đưa họ về cùng lúc.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.