Cánh tay máy được ứng dụng tại các nhà máy công nghiệp để lắp đặt linh kiện điện tử, y tế và sản phẩm dân dụng. Ảnh: Đức Hải. |
Trong báo cáo Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2023, do Microsoft thực hiện dựa trên khảo sát hơn 30.000 người lao động ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và hàng nghìn tỷ tín hiệu từ các ứng dụng Word, Excel, Teams, 76% người trả lời ở Việt Nam nói rằng họ không có đủ thời gian và năng lượng để hoàn thành công việc. Tỷ lệ này trong khu vực là 72%.
2 trong số 3 nguyên nhân hàng đầu khiến người lao động cảm thấy bị mất thời gian là các cuộc họp không hiệu quả và có quá nhiều cuộc họp, theo kết quả khảo sát. Kết quả theo dõi tín hiệu ứng dụng của Microsoft cũng cho thấy xu hướng tương tự.
Người dùng đang dành quá nửa thời gian làm việc để sử dụng các công cụ giao tiếp, bao gồm Email, Teams Meeting hoặc Teams Chat. Thời gian sử dụng các công cụ xử lý công việc, bao gồm Word, Excel chỉ chiếm hơn 40% thời gian làm việc.
Vì thế, hầu hết người lao động sẵn sàng dùng các công cụ AI để tiết kiệm thời gian. Cứ 10 người lao động được khảo sát thì có 9 người cảm thấy thoải mái khi sử dụng Al cho các công việc hành chính, phân tích và cả các khía cạnh sáng tạo trong công việc. Tỷ lệ này trên toàn cầu chỉ vào khoảng 75%.
90% lao động Việt trong khảo sát cho biết muốn giao càng nhiều việc càng tốt cho Al để giảm bớt khối lượng công việc, cao hơn hẳn so với tỷ lệ khoảng 70% người lao động trên toàn cầu mong muốn tương tự. Dù vậy, cứ 10 nhân sự Việt thì có 5 người lo ngại sẽ bị AI chiếm mất công việc.
Trong khi đó, số lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Al sẽ giúp tăng năng suất làm việc nhiều gấp 2 lần số lãnh đạo cho rằng AI sẽ thay thế nhân viên. Tuy nhiên gần như toàn bộ nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Việt cho biết nhân viên sẽ cần những kỹ năng mới để tận dụng AI.
Thái độ hào hứng với AI này của cả người lao động và giới doanh nghiệp có thể là lý do Microsoft, Google gấp rút tung ra hàng loạt công cụ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hiệu suất làm việc, gồm các AI tạo ảnh, thiết kế dựa trên yêu cầu đầu vào hoặc AI soạn thảo văn bản được tích hợp vào các ứng dụng hiện có như PowerPoint, OneNote hay Docs.
Microsoft, OpenAI và Meta và các nhóm nguồn mở như Stability.AI đều đang chạy đua để đưa hàng loạt công cụ AI đến người dùng và đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp, sẵn sàng trả tiền để có các phần mềm cải thiện hiệu suất, theo Chirag Shah, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Washington.
Tuy nhiên chuyên gia cũng cảnh báo các công cụ AI đến nay đều chưa hoàn thiện và vẫn còn nhiều lỗ hổng, chẳng hạn như thông tin sai, có thể tác động tiêu cực đến công việc nếu không được kiểm soát kỹ.
Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào
Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.