Tuyên bố độc lập xuất hiện trên trang web của Hội đồng Tối cao Crimea (tức nghị viện) hôm 17/3.
"Nước Cộng hòa Crimea muốn xây dựng quan hệ với các nước khác dựa trên sự bình đẳng, hòa bình, hợp tác thân thiện song phương và những nguyên tắc chung khác về hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các nước. Chúng tôi kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nước khác công nhận Crimea là một quốc gia độc lập", Quốc hội Crimea tuyên bố.
Chính quyền Crimea cũng tuyên bố họ sẽ quốc hữu hóa toàn bộ tài sản thuộc sở hữu Ukraina.
"Các đơn vị vũ trang Ukraina trên bán đảo sẽ giải tán, nhưng quân nhân có thể sống ở đây", ông Vladimir Konstantinov, chủ tịch nghị viện Crimea, nói.
Thủ tướng Crimea, ông Sergei Aksyonov, thông báo đồng hryvna vẫn là tiền tệ chính thức tại Crimea, nhưng ruble của Nga sẽ trở thành tiền tệ chính thức thứ hai của bán đảo từ tuần sau.
"Quá trình sáp nhập Crimea vào Nga sẽ diễn ra trong khoảng một năm. Chúng tôi vẫn muốn duy trì quan hệ kinh tế với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bao gồm Ukraina", ông Aksyonov nói.
Hội đồng Tối cao Crimea tuyên bố độc lập sau khi kết quả trưng cầu dân ý hôm 16/3 cho thấy 96,77% cử tri muốn bán đảo trở thành một phần của Nga.
Phát biểu trên truyền hình, ông Mikhail Malyshev, người đứng đầu ủy ban trưng cầu dân ý Crimea, cho biết: “Kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy 96,77% người dân Crimea ủng hộ trở thành một phần của nước Nga”.
Một phái đoàn gồm các nhà lập pháp Crimea sẽ tới Moscow để thảo luận về cách thức gia nhập Liên bang Nga.
Người dân tập trung trên quảng trường ở trung tâm thành phố Sevastopol vào sáng sớm ngày 17/3 để chào mừng viễn cảnh bán đảo Crimea trở thành một phần của Nga. Ảnh: AP |
Ông Sergei Neverov, Phó chủ tịch Duma quốc gia Nga, nói với hãng thông tấn Interfax: “Kết quả cuộc trưng cầu dân ý chỉ rõ người dân Crimea chỉ thấy tương lai của họ là một phần của nước Nga”. Trong khi đó, Reuters dẫn lời tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ tôn trọng nguyện vọng của người dân Crimea.
Theo quy trình, kiến nghị của người dân Crimea về mong muốn gia nhập Nga sẽ được trình lên Tổng thống Putin. Nếu chấp thuận nó, ông chủ điện Kremlin sẽ trình nó lên Duma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện). Họ sẽ soạn thảo một hiệp ước giữa Nga và nhà nước mới ở Crimea để hiện thực hóa kiến nghị của người dân.
Theo hiệp ước, chính quyền hai bên có thể thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp nhằm đồng bộ nền kinh tế, tài chính, tín dụng và hệ thống luật pháp Crimea vào Nga. Sau đó, Tòa án Hiến pháp Nga sẽ xác minh hiệp ước trước khi trình nó lên Quốc hội.
“Tôi không nghĩ Quốc hội gặp khúc mắc gì với hiệp ước. Chúng tôi sẵn sàng phê quẩn các quyết định pháp lý càng nhanh càng tốt. Duma quốc gia Nga sẽ thông qua dự luật cho phép bán đảo Crimea trở thành một phần của Nga trong “tương lai rất gần”, ông Neverov nói với kênh truyền hình Rossiya 24.
Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã đẩy mối quan hệ Nga – phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Thủ tướng Canada, ông Stephen Harper, cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea diễn ra dưới sự chiếm đóng quân sự của Nga và kết quả của nó bất hợp pháp. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Theo ông Harper, Canada đang làm việc với các nước khác nhằm đưa ra phương thức trừng phạt Nga.
Thủ tướng Harper sẽ tới Kiev vào ngày 22/3 tới để thảo luận chương trình hỗ trợ chính phủ Ukraina. Nhật Bản cũng phản đối trung cầu dân ý ở Crimea và kêu gọi Nga không “thôn tính” bán đảo.