Vào thời điểm mà thành phố New York ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 1/3, hàng nghìn người khác tại đây có thể đã mang trong mình virus và có thể lây cho người khác.
Khi đó, dịch bệnh - thứ mà nhiều người vẫn coi là mối đe doạ xa xôi - đã lặng lẽ bùng phát vào thời điểm cả thành phố đang đón chờ những tín hiệu đầu tiên của mùa xuân.
Mô hình của các nhà nghiên cứu tại Đại học Northeastern ước tính đã có hơn 10.000 ca nhiễm ở New York không được phát hiện khi thành phố này xác nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 1/3. Ảnh: AP. |
Các ổ dịch tiềm ẩn khác cũng bùng phát mà không được phát hiện ở Boston, San Francisco, Chicago và Seattle, rất lâu trước khi việc xét nghiệm cho thấy những thành phố này đang có dịch theo mô hình mô phỏng lây lan của virus được thiết lập bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Northeastern ở bang Massachusetts.
Xét nghiệm xác nhận 23 ca, số thực có thể 28.000
Thậm chí từ đầu tháng 2, theo New York Times, khi mà cả thế giới còn đang tập trung vào Trung Quốc, virus corona đã không chỉ lây lan ở các thành phố lớn của Mỹ mà còn xuất hiện tại nhiều nơi khác trên đất nước.
Tính đến ngày 1/3, chỉ có 23 ca nhiễm được xác nhận ở 5 thành phố lớn của Mỹ, nhưng theo các nhà nghiên cứu của Đại học Northeastern, số người nhiễm trên thực tế vào thời điểm đó có thể đã lên tới 28.000 trường hợp.
Vào thời điểm các chính trị gia còn loay hoay đánh giá mức độ nghiêm trọng của mối đe doạ từ virus corona, nhằm đưa ra các biện pháp như đóng cửa trường học hay làm việc từ xa, việc xét nghiệm virus rất ít được thực hiện.
"Trong khi đó ở phía sau, bạn có chuỗi lây nhiễm thầm lặng lên tới hàng nghìn người", ông Alesandro Vespignani, Giám đốc Viện Khoa học Mạng tại Đại học Northeastern ở Boston, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhận định.
Ông Robert Redfield, Giám đốc CDC. Ảnh: New York Times. |
Việc mô hình hoá sự lây lan của bệnh dịch luôn là nghiên cứu không thể chính xác tuyệt đối, vì nó liên quan đến các ước tính về tần suất mọi người tiếp xúc và truyền virus khi họ đi du lịch, làm việc và giao tiếp.
Mô hình của Đại học Northeastern ước tính tất cả các trường hợp lây nhiễm có thể xảy ra, bao gồm cả những người không có triệu chứng và những người không được phát hiện dù có xét nghiệm.
Các nhà nghiên cứu khác cho rằng những phát hiện của nhóm Vespignani rất tương đồng với phân tích của chính họ. Nghiên cứu này đã cung cấp thống kê rõ ràng về việc Mỹ xác nhận sự xuất hiện của virus trễ như thế nào.
Và nó cũng cảnh báo về những điều có thể lặp lại, theo các nhà nghiên cứu, nếu những hạn chế xã hội được dỡ bỏ quá nhanh.
Ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hồi tuần trước cho biết giới chức y tế nước này đã thành công trong việc truy vết các ca nhiễm đầu tiên và các tiếp xúc của họ ở Mỹ trước khi dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.
"Cho tới ngày 27/2, quốc gia này chỉ có 14 ca nhiễm. Chúng tôi đã cách ly và truy vết tiếp xúc, và điều đó rất thành công. Nhưng sau đó, virus bùng phát mạnh hơn, và nó vượt quá khả năng của y tế cộng đồng", ông Redfield nói.
Nhưng ước tính mới của các nhà khoa học cho thấy số ca nhiễm tại Mỹ vào thời điểm đó trên thực tế cao hơn nhiều lần so với con số chính thức.
Phần lớn ca nhiễm bắt nguồn từ châu Âu
Cuối tháng 2, khi sự chú ý của thế giới chuyển sang đợt bùng phát ở Italy, 14 ca nhiễm được ghi nhận ở Mỹ chỉ là phần tí hon trong hàng nghìn ca nhiễm không được phát hiện, theo các nhà khoa học của Đại học Northeastern.
Và cũng đã có nhiều ca nhiễm mới xuất hiện ở nước Mỹ thông qua con đường du lịch.
"Nếu tính đến số chuyến bay từ Italy đến New York, chúng ta sẽ thấy mọi thứ giống như chứng kiến vụ tai nạn tàu hoả thảm khốc được quay chậm", bà Adriana Heguy, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Bộ gene của Trường Y Grossman tại Đại học New York, nhận định.
Đội ngũ của tiến sĩ Heguy và đội khác đến từ Trường Y Ichan của Trung tâm Y tế Mount Sinai, bằng cách phân tích chuỗi gene, đã phát hiện ra rằng hầu hết ca nhiễm ở New York có nguồn gốc từ các địa điểm ở châu Âu thay vì đến từ Trung Quốc.
"Chúng ta đã không xét nghiệm, và nếu bạn không xét nghiệm thì bạn sẽ không biết", tiến sĩ Heguy nói. Ước tính mới cho thấy hàng nghìn ca nhiễm đã lan truyền virus một cách lặng lẽ trong những tháng đầu tiên của năm, và bà Heguy cho rằng điều này "không hề ngạc nhiên chút nào".
Cũng có những dấu hiệu khác cho thấy thời điểm dịch bệnh bùng phát là sớm hơn nhiều so với những gì đã biết. Tuần này, giới chức y tế tại quận Santa Clara của bang California cho biết đã phát hiện ca tử vong vì Covid-19 từ ngày 6/2, sớm hơn gần 3 tuần so với ca tử vong đầu tiên được xác nhận ở Mỹ trước đây.
Vụ việc được phát hiện sau khi phòng giám định y tế của quận cảm thấy không thuyết phục với nguyên nhân tử vong, và lưu lại mẫu bệnh phẩm để gửi tới CDC xét nghiệm sau này.
Bang California mới phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19 và tử vong từ ngày 6/2 - dấu hiệu cho thấy virus đã xuất hiện và lây lan ở bang từ tháng 1. Ảnh: New York Times. |
Một số nhà khoa học cho rằng ước tính của Đại học Northeastern về làn sóng bùng phát lớn không được phát hiện có thể là quá cao - ngay cả khi việc xét nghiệm bị chậm trễ vào thời điểm đó.
Tiễn sĩ Donald Burke, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng của Đại học Pittsburgh, cho rằng con số những ca nhiễm không được phát hiện là quá cao so với đánh giá của ông.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác cho rằng nghiên cứu của Đại học Northeastern là hợp lý khi so với những bằng chứng ít ỏi có sẵn vào lúc này.
Bà Lauren Ancel Meyters, giáo sư sinh học và thống kê tại Đại học Texas ở Austin, nhận định: "Đến khi bạn phát hiện một số trường hợp, tương đối chắc chắn là đã có sự bùng phát đang diễn ra".
Những lời cảnh báo bị bỏ qua
Mô hình tiếp cận của tiến sĩ Vespignani và các cộng sự là ước tính sự bùng phát theo thời gian dựa trên những gì đã biết về virus và nơi nó được phát hiện. Việc di chuyển của người dân dựa trên các chuyến bay và số liệu giao thông, cũng như lịch sử đến trường cũng được tính tới.
Bằng cách chạy mô hình trong các điều kiện khác nhau - bao gồm cả khi trường học bị đóng cửa - nhóm của ông ước tính được những địa điểm mà virus có thể lây lan mà không bị phát hiện.
Nhiều người mang mầm bệnh nhưng chưa xuất hiện triệu chứng, trong khi nhiều ca nhiễm khác có triệu chứng rất nhẹ hoặc không có gì nhưng vẫn có khả năng lây truyền virus. Vì vậy thời điểm các thị trưởng và thống đốc quyết định phong tỏa được cho là quá muộn.
Các thành phố phát hiện sự bùng phát sớm, tiêu biểu như Seattle, được cho là đã tránh được sự bùng phát lớn hơn do chú ý đến các mô hình ước tính có sẵn vào thời điểm đó, và quyết định phong toả sớm hơn so với phần còn lại của nước Mỹ.
"Chúng tôi biết rằng những con số mà chúng tôi thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và có số lượng lớn những ca nhiễm ở dưới bề mặt. Chúng tôi phải hành động", bà Jenny Durkan, Thị trưởng thành phố Seattle, chia sẻ.
Các quan chức New York phản ứng chậm hơn, và đợi cho tới khi số ca nhiễm được xác nhận ở mức cao rồi mới đóng cửa trường học và ra lệnh phong toả.
Thị trưởng New York ông Bill de Blasio đã lưỡng lự trước việc phong toả thành phố cho tới tận giữa tháng 3, vì lo những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng.
Quảng trường Pioneer Square ở thành phố Seattle vắng tanh hôm 14/3. Ảnh: New York Times. |
Mô hình của nhóm Vespignani ước tính cho đến giữa tháng 2, một tháng trước khi New York đóng cửa trường học, thành phố này và San Francisco đã có hơn 600 ca nhiễm không được phát hiện.
Seattle, Chicago và Boston cũng có mỗi nơi hơn 100 ca nhiễm. Đến ngày 1/3, khi New York xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, số người nhiễm trên thực tế có thể đã vượt 10.000 trường hợp.
Tiến sĩ Vespignani cho biết ông và nhóm nghiên cứu của mình đã cảnh báo tới giới chức về sự lây lan thầm lặng của dịch bệnh, cũng như đăng tải các dự đoán sơ bộ của họ vào giữa tháng 2.
"Chúng tôi nói chuyện với các quan chức ở đây, và họ cũng có phản ứng tương tự như những gì chúng tôi nhận được ở Italy, Anh hay Tây Ban Nha. Họ nói rằng, 'OK, điều đó xảy ra trên máy tính của ông, không phải trên thực tế'. Thật sự thì sẽ chẳng có ai phong toả một quốc gia dựa trên mô hình ước tính", ông Vespignani chia sẻ.