Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Coteccons bác tin đồn nợ xấu 2.600 tỷ đồng

Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) Cao Thị Mai Lê khẳng định vẫn định kỳ đánh giá nợ xấu và hầu như đã trích lập dự phòng đầy đủ.

Mở đầu cuộc đối thoại cùng cổ đông chiều 16/1, Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov nhấn mạnh lại văn hóa minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, kể cả với những thông tin không tích cực. Vị lãnh đạo khẳng định không chỉ minh bạch với nhà đầu tư lớn hay trong nội bộ HĐQT, mà còn minh bạch với từng cổ đông và nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu CTD.

Đang tích cực thu hồi nợ xấu

Trả lời về các khoản nợ xấu, bà Cao Thị Mai Lê cho biết hầu hết dự án Coteccons tham gia đều có giá trị lên đến vài nghìn tỷ đồng/hợp đồng, do đó việc thanh toán cần nhiều thời gian. Cũng vì vậy, khoản trích lập dự phòng lớn và khó giảm nhanh. "Tuy nhiên, con số nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không đúng", bà bác bỏ tin đồn.

coteccons anh 1

Ban lãnh đạo Coteccons đối thoại cùng cổ đông chiều 16/1. Ảnh: CTD.

Bà cho biết Coteccons đã thành lập hội đồng thu hồi nợ và ban quản trị rủi ro để định kỳ đánh giá nợ xấu trên cơ sở sức khỏe tài chính của chủ đầu tư và tình hình vĩ mô của thị trường. Sau đó, theo nguyên tắc thận trọng và minh bạch, doanh nghiệp kết hợp với bộ phận kiểm toán để trích lập dự phòng.

"Hầu như Coteccons đã trích lập đầy đủ các khoản nợ xấu trên báo cáo tài chính. Cho nên có thể khẳng định một lần nữa con số nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không đúng", bà Mai nhấn mạnh.

Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy Coteccons có 1.146 tỷ đồng nợ xấu tính đến hết tháng 9/2022, trong đó số tiền trích lập dự phòng là 961 tỷ đồng.

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Bolat khẳng định trích lập dự phòng không có nghĩa là mất tiền, mà là lời cảnh báo để toàn hệ thống chú ý, tích cực theo đuổi các khoản tiền này. Riêng với khoản nợ 480 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, ông cho hay đang xúc tiến để thu hồi. Tuy nhiên, Coteccons hiện tại không tham gia bất kỳ dự án nào của Tập đoàn FLC, còn hợp tác với Vạn Thịnh Phát tại dự án IFC One Tower cũng đã kết thúc với chi phí "rất tối thiểu".

Để hạn chế tình trạng khách hàng chậm trả, chiếm dụng vốn trong thời gian tới, Coteccons sẽ phát triển các nhóm khách hàng ít nguy cơ như những chủ đầu từng hợp tác, các dự án FDI và các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh như Vingroup, Sungroup, BIM Group, Ecopark, Doji Land...

Muốn là "gã khổng lồ khiêm tốn"

Cũng tại cuộc đối thoại, một cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Coteccons về cơ hội trước các đối thủ trong thời gian tới.

"Tập đoàn Hòa Bình - đối thủ của Coteccons đang gặp khủng hoảng nội bộ. Coteccons có nghĩ đây là cơ hội của mình không, ít nhất là trong việc đoạt lại vị trí doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam xét theo doanh thu? Coteccons đánh giá như thế nào về sự trỗi dậy của 'hệ sinh thái Nguyễn Bá Dương' với những Ricons, Newtecons? Năm 2021, hai công ty này đã có doanh thu khoảng 20.000 tỷ đồng, vượt qua CTD, HBC", cổ đông này đặt câu hỏi.

Không trực tiếp nhắc tên các đối thủ khi trả lời, Chủ tịch Bolat cho rằng thị trường vẫn gọi CTD là công ty lớn nhất, nhưng ông muốn tự nhận mình là "một gã khổng lồ khiêm tốn".

"Nếu là một công ty mà cũng so sánh mình với người khác thì không lẽ lúc nào chúng ta cũng phải tìm cách thay đổi và không được là chính mình. Tôi muốn nói với các bạn một lần nữa, chúng tôi biết rõ mình cần phải làm gì, làm như thế nào để xây dựng công ty lớn mạnh. Tầm nhìn của chúng tôi sẽ không thay đổi chỉ vì người ta nói 'nhìn con nhà người ta kìa'. Chúng tôi có cách riêng của mình và con người của chúng tôi chia sẻ tầm nhìn đó", ông Bolat nói.

Tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm cũng thừa nhận thường xuyên nhận được câu hỏi tương tự từ khách hàng, đối tác. Ông nhấn mạnh CTD đang xây dựng tầm nhìn chiến lược đến năm 2025 và khẳng định: "Nếu chúng ta 'ăn mày quá khứ' thì chúng ta sẽ yếu đi và không đủ năng lượng tiến về phía trước", ông chia sẻ.

coteccons anh 2

Chủ tịch Bolat Duisenov và CEO Võ Hoàng Lâm khẳng định có hướng đi riêng và không "ăn mày quá khứ". Ảnh: CTD.

Hiện nhà thầu này đang triển khai khoảng 65 dự án khắp cả nước, nổi bật trong số này có nhà máy Lego, nhà máy Vinfast, Diamond Crown tại Hải Phòng, Ecopark...

Ông Lâm cho biết đến nay tổng doanh thu năm 2022 được ghi nhận khoảng 14.500 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch và đang tiếp tục cập nhật trong những ngày sắp tới. Lợi nhuận không được tiết lộ cụ thể nhưng được biết "đạt như dự kiến". Trước đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 20 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm nay, ban lãnh đạo Coteccons cho hay đang thảo luận và đặt ra những con số thận trọng dựa trên giá trị hợp đồng để lại (backlog) khoảng 17.000 tỷ đồng, dự kiến doanh thu tăng 10-20% so với kế hoạch năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu CTD tăng 34% nhưng lãi ròng chỉ 1,8 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 2.000 tỷ đồng do công ty tăng mạnh hàng tồn kho, khoản phải thu và hoạt động đầu tư.

Coteccons dự kiến lỗ trăm tỷ quý cuối năm

Nhà thầu xây dựng này được dự báo gặp nhiều khó khăn trong quý cuối năm trước áp lực chi phí hoạt động tăng cao và trích lập dự phòng lớn.

Coteccons lên tiếng về các tin đồn tiêu cực

Doanh nghiệp đầu ngành xây dựng cho biết đã chủ động trích lập dự phòng cho nhiều khoản phải thu khách hàng từ năm 2020 về trước.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm